ĐHQG TP. HCM vừa công bố kết quả kết quả tuyển dụng đợt 3 các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác tại ĐHQG TP. HCM theo chương trình VNU350, năm 2024.
Ở đợt 3, có bảy ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia phỏng vấn trực tiếp tại các đơn vị. Trong số này, có đến năm ứng viên trúng tuyển vào trường ĐH Bách khoa, một ứng viên vào trường ĐH KHTN và một ứng viên vào Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử.
Các ứng viên đều tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài và có nhiều bài báo quốc tế. Trong đó, nhiều nhất là nghiên cứu viên Trịnh Kiều Thế Loan, với 56 bài và trúng tuyển vào Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu cấu trúc Nano và Phân tử. Đây là nhà khoa học có số lượng bài báo nhiều thứ hai trong số những người đã trúng tuyển theo đề án này.
Danh sách bảy nhà khoa học trẻ được tuyển dụng đợt 3. |
Mục tiêu của đề án trong giai đoạn từ 2023 - 2030 là sẽ thu hút 350 nhà khoa học trẻ xuất sắc, nhà khoa học đầu ngành về làm việc tại đây. Riêng giai đoạn từ năm 2023 - 2025, thu hút 100 nhà khoa học.
Đối với nhà khoa học trẻ xuất sắc trong thời gian hai năm đầu sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại C (kinh phí tối đa 200 triệu đồng). Năm thứ ba, sẽ được cấp 1 đề tài loại B (kinh phí tối đa một tỷ đồng). Năm thứ tư, sẽ được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 10 tỷ đồng. Năm thứ năm, sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, quy trình xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư cấp Nhà nước.
Đối với các nhà khoa học đầu ngành trong thời gian hai năm đầu, sẽ được cấp 1 đề tài nghiên cứu khoa học loại B với kinh phí tối đa 1 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, các nhà khoa học được hỗ trợ đầu tư phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu khoa học, kinh phí tối đa 30 tỷ đồng; được hỗ trợ thành lập nhóm nghiên cứu mạnh; hỗ trợ đăng ký chủ trì đề tài các cấp.
Chương trình VNU350 nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển ĐHQG TP. HCM trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á. |
Bên cạnh đó, nhà khoa học sẽ hưởng thu nhập và đãi ngộ khác theo chính sách cụ thể của đơn vị nơi nhà khoa học đến công tác (gồm lương, thưởng, các phụ cấp, thu nhập tăng thêm, phụ cấp vượt định mức giảng dạy, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, khen thưởng…).
Đối với nhà khoa học trẻ, cần đáp ứng ít nhất một trong 4 tiêu chí sau: (1) có bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí, hội nghị uy tín; (2) có bằng phát minh, sáng chế đã được đăng ký thành công; (3) có sản phẩm khoa học, công nghệ đã được chuyển giao; (4) có hướng nghiên cứu mới, triển vọng, phù hợp với chiến lược phát triển ĐHQG TP. HCM.
Đối với nhà khoa học đầu ngành, cần đáp ứng đủ 5 tiêu chí về kinh nghiệm và năng lực: (1) đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc trưởng phòng thí nghiệm; (2) chủ trì đề tài, dự án khoa học - công nghệ; (3) có công trình công bố trên các tạp chí khoa học uy tín hoặc sở hữu bằng độc quyền phát minh, sáng chế; (4) có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; (5) có mối quan hệ, hợp tác trong nước và quốc tế.
Các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu có thể tham gia ứng tuyển Chương trình VNU350 bằng cách chuẩn bị hồ sơ và gửi về ĐHQG TP. HCM trước ngày 30/9/2024 thông qua một trong 3 phương thức: (1) Trực tiếp tại trang web: vnu350.vnuhcm.edu.vn; (2) Thư điện tử vnu350@vnuhcm.edu.vn; (3) Nộp hồ sơ trực tiếp tại đơn vị và đăng ký tham gia theo Chương trình VNU350 của ĐHQG TP. HCM.
Xem các thông tin chính thức của chương trình tại trang web vnu350.vnuhcm.edu.vn