Dự án được phát triển bởi nhóm Alloeh, gồm những bạn trẻ tài năng thuộc khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học, trường ĐH KHTN (ĐHQG TP. HCM): Hùng Thị Huyền Trang, Nguyễn Trương Minh Ái và Nguyễn Trọng Khương. Với vai trò là trưởng nhóm, phụ trách mảng kinh tế và quản lý nhân sự, Huyền Trang đã cùng các cộng sự bắt đầu thực hiện dự án từ tháng Chín năm trước. Nhóm đã gây ấn tượng mạnh tại nhiều cuộc thi, nổi bật là việc giành giải Ba tại cuộc thi “Ý tưởng Sáng tạo Khởi nghiệp Quốc gia - RnD to Startup năm 2023” do ĐHQG Hà Nội tổ chức. Không dừng lại ở đó, nhóm tiếp tục chinh phục những sân chơi lớn hơn, đạt thêm thành tích trong năm 2024.
Chia sẻ về mối duyên thành lập dự án, Huyền Trang kể: “Ý tưởng dự án xuất phát từ một nỗi đau “đời thường” của mình. Hôm đó, mình đi trễ và bị phỏng pô xe, lúc đó vì phải vào học nên mình không xử lý vết thương như rửa nước hay bôi thuốc, mình đã phải chịu đau suốt buổi học dẫn đến để lại sẹo. Tình cờ lúc đó, bạn Trọng Khương đang làm đề tài liên quan đến chiết xuất nha đam và kết hợp với sự việc bị đau khi đó, mình đã nghĩ tại sao một dược liệu có giá trị cao như thế mà chưa được ứng dụng vào việc trị bỏng. Ý tưởng đã ra đời, mở ra hành trình dài theo chân dự án”.
Nhóm Alloeh nhận giải thưởng tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp quốc gia - SV.STARTUP năm 2024”. |
Theo các thành viên trong nhóm, trước đây đã có phương pháp dùng nha đam chữa bỏng tại nhà, nhưng đó chỉ là phương pháp truyền thống người ta truyền tai nhau, sẽ dễ gây kích ứng nếu không sử dụng đúng cách. Nhóm Alloeh quyết tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm “Miếng dán gel nha đam”, giúp người dùng sơ cứu tức thì khi bị bỏng, giảm đau, ngăn ngừa thâm sẹo tại vị trí vết thương.
Huyền Trang chia sẻ về khó khăn lớn nhất mà nhóm Alloeh gặp phải khi bắt tay thực hiện dự án: “Nhóm mình gặp khó khăn ban đầu khi có ý tưởng nhưng chưa biết cách triển khai về mặt kinh tế lẫn truyền thông. Vì tụi mình chủ yếu là “dân công nghệ kỹ thuật”, không hiểu biết sâu cách triển khai hướng đi của dự án sao cho đúng đắn. Lúc đó, mình đã liên hệ đến nhà trường và nhận được sự hỗ trợ của TS Trần Ngọc Diễm My (giảng viên khoa Công nghệ sinh học), từ đó nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của cô, đưa dự án ngày một hoàn thiện và giải quyết được vấn đề khó khăn đó”.
Sản phẩm miếng dán gel nha đam được thiết kế nhỏ gọn, dễ dàng mang theo bên người. Đồng thời có khả năng kháng khuẩn, bảo vệ vết thương tránh nguy cơ nhiễm trùng. |
“Chúng mình tham gia với mục tiêu cọ xát tại môi trường sáng tạo chuyên nghiệp, bởi khi được gặp gỡ hơn 700 dự án của những đối thủ “nặng ký”, tiếp xúc với những bạn sinh viên tài năng giàu chuyên môn, thứ tụi mình hướng đến chính là thu thập kinh nghiệm, mở rộng kiến thức của bản thân. Đây còn là dịp để tụi mình hội ngộ với những người cùng chí hướng đam mê khởi nghiệp, thế nên dù kết quả có như thế nào, tụi mình đều sẽ vui và tự hào, vì đã vượt lên chính bản thân khi trải nghiệm một sân chơi trái với chuyên ngành học”, Huyền Trang bày tỏ.
Nhóm vẫn kiên trì nỗ lực để hoàn thiện sản phẩm, mang đến những giải pháp hữu ích cho cộng đồng. |
Trong quá trình thực hiện dự án ‘Miếng dán gel nha đam’, nhóm đã phải thay đổi thiết kế liên tục, bởi có những ý kiến tưởng sẽ khả thi, nhưng lúc thực nghiệm thì kết quả lại không như mong muốn. Bài học mà nhóm Alloeh rút ra được là lý thuyết đôi khi khác xa với thực tế, và các bạn trẻ học được điều đó bằng những tháng ngày dài vùi đầu vào nghiên cứu, tìm kiếm công thức và phương án mới. Vừa thực hiện dự án, vừa phải theo kịp tiến độ học tập của nhà trường, nhưng những khó khăn và nỗ lực ấy đã trở thành những kỷ niệm đẹp, tựa như nét nhiệt huyết tuổi trẻ mà nhóm dành cho niềm đam mê nghiên cứu.
Từ những trải nghiệm đó, Huyền Trang còn thấm nhuần một bài học về sự đoàn kết: “Xuất phát ý tưởng là ở mình, nhưng nguồn động lực thúc đẩy tinh thần dự án để thành công được như thế này là nhờ sự gắn kết và tinh thần đồng đội của tất cả thành viên trong nhóm. Mình hiểu rằng, trong bất kỳ lĩnh vực, để đánh giá hoạt động nhóm thành công thì việc đề cao yếu tố phát triển con người rất quan trọng”.
Dự án nhận được sự đánh giá cao qua các cuộc thi khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần cho nhóm Alloeh tiếp tục phát triển, hoàn thiện dự án lên một tầm cao mới. |
Theo một số chuyên gia tại cuộc thi, dự án “Miếng dán gel nha đam” hỗ trợ sơ cứu bỏng nhiệt của nhóm Alloeh mang đến bước đột phá trong ngành y tế và cộng đồng, với 3 mục tiêu: Giải quyết nguồn đầu ra giúp người dân trồng nha đam ở tỉnh Bình Thuận có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người hiện đại, cuối cùng là mong muốn truyền cảm hứng nghiên cứu khoa học đến các bạn sinh viên.
Hiện tại, Huyền Trang và đồng đội đang có kế hoạch tiếp tục nghiên cứu, phát triển dự án để mở rộng quy mô. Cô chia sẻ, nhóm đang tìm kiếm đối tác từ các chương trình quỹ khởi nghiệp nhằm tiến hành sản xuất quy mô lớn, đồng thời có kế hoạch cải tiến để sản phẩm hoàn thiện hơn.