Với Nguyên Khuê (du học sinh trường Đại học Quốc gia Tyumen, Liên Bang Nga), ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 chưa bao giờ mất đi ý nghĩa của nó. Dù là thuở bé hay hiện tại, những ngày này luôn gợi nhắc chàng trai trẻ về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, đặc biệt là dấu ấn ngày đất nước thống nhất hai miền Nam - Bắc.
Giờ đây, khi đã có cơ hội đặt chân đến một đất nước khác để học tập và giao lưu cùng bạn bè quốc tế, Nguyên Khuê luôn thấy tự hào và biết ơn công lao của thế hệ đi trước, từ đó càng thêm ý thức gìn giữ truyền thống cách mạng của dân tộc và nỗ lực hơn nữa trong cuộc sống.
Lê Nguyên Khuê - Du học sinh trường Đại học Quốc gia Tyumen, Liên Bang Nga. |
Những ngày này ở Việt Nam, Nguyên Khuê không chỉ được hòa chung không khí phấn khởi của dân tộc mừng kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, mà còn có cơ hội được đoàn viên, sum vầy cùng gia đình bởi đây cũng thường là một trong những kỳ nghỉ dài nhất năm khi nối liền với ngày Quốc tế Lao động 1/5.
Chàng trai gốc Bình Định chia sẻ: “Thường những năm mà mình ở Việt Nam, gia đình mình đều sẽ cùng nhau đi du lịch hoặc vui chơi tại nhà bằng các bữa cơm đoàn viên ấm cúng. Ở nước ngoài thì ngày 30/4 dường như trở nên bình thường hơn khi mình vẫn đi học và sinh hoạt như thường lệ. Dù vậy, ý nghĩa của ngày lễ này với mình vẫn không đổi, nên mình cũng sẽ dành chút ít thời gian để liên lạc, thăm hỏi gia đình và bạn bè ở Việt Nam.”
Nguyên Khuê mặc áo dài truyền thống Việt Nam kết hợp với trang phục của các bạn người Ả Rập trong một buổi giao lưu văn hóa. |
Năm nay, Nguyên Khuê đã lên kế hoạch khám phá một số bảo tàng lịch sử ở thành phố nơi mình đang sống nhân dịp 30/4. Đồng thời, chàng trai dự định sẽ dành phần thời gian còn lại để nghỉ ngơi vì theo lịch học thì đó cũng là một ngày mà Khuê không phải đến trường.
Nguyên Khuê bày tỏ: “Mình hi vọng dù các bạn trẻ có đang công tác ở bất cứ đâu thì hãy luôn nhớ về mảnh đất hình chữ S thân yêu mang tên Việt Nam - nơi đã nuôi lớn cả thể xác lẫn tâm hồn chúng ta. Mình luôn mong rằng bản thân và các bạn trẻ sẽ có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong công cuộc gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Và mình luôn tin tưởng rằng dù có đi đâu thì quê hương Việt Nam vẫn sẽ luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc của mỗi chúng ta.”
Đoàn Hà My - Du học sinh trường Đại học Bắc Kentucky, Mỹ. |
Nhắc đến ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Hà My (du học sinh trường Đại học Bắc Kentucky, Mỹ) tâm sự: “Ký ức về ngày 30/4 trong mình là những ngày bé cùng gia đình đến thăm lễ kỷ niệm ở cầu Hiền Lương và sông Bến Hải, Vĩnh Linh, Quảng Trị - chứng tích lịch sử trong hơn 20 năm chia cắt hai miền Nam - Bắc, đồng thời cũng là quê ngoại của mình. Lúc đó, mình chưa đủ lớn để hiểu hết về những sự kiện lịch sử, về Hiệp định Genève, về đường ranh giới quân sự ở vĩ tuyến 17 hay về nỗi đau dân tộc trong suốt những năm tháng ấy. Ký ức của mình thấp thoáng chiếc cờ được kéo lên thật cao, những bài hát được phát lên từ buổi lễ thượng cờ và từng đợt pháo hoa lấp lánh thắp sáng bầu trời đêm. Cái cảm giác lâng lâng và tự hào đến lạ khi được hòa mình trong bầu không khí đặc biệt đó đã đến với mình thật là tự nhiên. Giờ đây, khi đã đủ lớn và có thể gọi tên, thì có lẽ, đó không gì khác ngoài chính là niềm tự hào dân tộc, một cách thuần túy nhất.”
My tự hào mặc áo dài nhận giải thưởng Pinnacle Award cho chiến dịch marketing xuất sắc nhất cùng đồng đội Anne Marie. |
Là những người trẻ sinh sống ở nước ngoài một khoảng thời gian khá dài, My cho rằng một vài người sẽ không tránh khỏi guồng quay của những bộn bề từ học tập, công việc mà đôi khi vô tình quên mất những ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Hoặc điều đó cũng có thể là do sự kết nối với quê hương không được nuôi dưỡng cẩn thận. Mặc dù dịp 30/4 những năm gần đây, My không còn được chứng kiến những ngọn cờ đỏ sao vàng treo phấp phới phía trước mỗi căn nhà trong xóm hay được tận hưởng những ngày nghỉ lễ thật dài nữa nhưng mỗi lúc gọi về nhà, My vẫn không quên hỏi bố mẹ đã treo cờ lên chưa, liệu năm nay có về thăm quê không để được hòa cùng không khí đầy tự hào của dân tộc.
My trong trang phục áo dài gặp gỡ và giao lưu văn hóa với các bạn đến từ nhiều quốc gia khác. |
Hà My hi vọng thế hệ trẻ sẽ luôn nhớ về những người đã hy sinh vì khát vọng thống nhất non sông, đã đánh đổi tất cả cho hòa bình mà chúng ta may mắn có được. Với những bạn du học sinh như mình, My cho rằng dù không có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động kỷ niệm ngày thống nhất của đất nước, nhưng chỉ một hành động nhỏ như chia sẻ bài viết, mẩu chuyện về những tấm gương tiêu biểu cứu nước cũng là một cách thể hiện sự tri ân đến thế hệ đi trước.
Cô gái gốc Quảng Trị cũng khuyến khích các bạn trẻ tích cực tìm xem những bộ phim tài liệu, ký sự hay sách báo về lịch sử. Những nỗ lực tưởng chừng như đơn giản này sẽ không chỉ giúp bản thân hiểu biết thêm mà còn có cơ hội chia sẻ cho bạn bè quốc tế về lịch sử và văn hóa đáng tự hào của đất nước chữ S xinh đẹp này.
Dương Đức Tâm - Du học sinh trường Đại học Nhân dân Trung Quốc. |
Là một người rất yêu thích tìm hiểu lịch sử và văn hoá Việt Nam, Đức Tâm (du học sinh trường Đại học Nhân dân Trung Quốc) cho biết: “Ngày bé, mỗi dịp được nghỉ lễ 30/4, mình luôn tò mò rằng “ngày Thống nhất” là ngày gì mà sao mọi người lại hân hoan đến thế và cờ đỏ sao vàng được treo ở khắp các làng quê, ngõ phố? Cho đến khi mình tình cờ đọc được cuốn sách Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, mình mới thấm thía được ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “thống nhất”. Để có thể giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các bậc cha anh đi trước đã đổ xuống không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu. Vậy nên ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 đối với mình là dịp mỗi chúng ta tưởng nhớ và biết ơn những công lao to lớn của thế hệ đi trước, những người đã hy sinh cho nền độc lập nước nhà.”
Nếu là ở quê nhà vào những ngày tháng tư lịch sử này, việc trước tiên mà chàng trai thường làm đó chính là mang lá cờ Việt Nam treo ở trước cổng nhà. Và đúng sáng sớm ngày 30/4, Tâm sẽ cùng một vài người bạn thân đến Lăng Bác để xem lễ Thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình.
Hiện tại, dù ở nước ngoài không có điều kiện được treo cờ lớn nhưng Tâm vẫn mang theo một chiếc quốc kỳ Việt Nam nhỏ xinh treo ở bàn học, nhờ vậy mà trong lòng chàng trai cũng thấy hân hoan hơn rất nhiều. Kế hoạch của Đức Tâm trong dịp 30/4 này là đi tham quan Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, sau đó sẽ đến một nhà hàng Việt Nam tại Bắc Kinh và gọi món phở bò thân quen.
Đức Tâm nhắn gửi đến các bạn trẻ: “Thế hệ trẻ chúng mình đang là trụ cột của nước nhà, là tương lai của đất nước. Mình hi vọng rằng mỗi chúng ta đều có ý thức học tập và trau dồi kiến thức hàng ngày, như lời Bác Hồ kính yêu từng nói: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Mình tin rằng dân tộc ta - với tinh thần đoàn kết và yêu nước mãnh liệt, sẽ xây dựng Việt Nam ngày càng vững mạnh, tốt đẹp hơn.”
(Ảnh do các nhân vật cung cấp)