Theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học
Trà My chia sẻ: “Mình yêu công việc nghiên cứu từ khi bắt đầu làm việc tại Viện Tế bào gốc (trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP. HCM)”. Khi ấy, TS. Phan Lữ Chính Nhân - Phó viện trưởng là người thầy đã dạy cô những kỹ năng quan trọng nhất của một nghiên cứu viên và truyền cho cô ngọn lửa của tình yêu đối với việc nghiên cứu khoa học. Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, cô nhận ra rằng bản thân có thể đã bỏ lỡ rất nhiều dữ liệu quý giá trong thời kỳ bùng nổ dữ liệu hiện nay, và nếu biết cách sử dụng công nghệ tính toán, cô có thể tiết kiệm thêm thời gian và công sức trong việc phân tích các dữ liệu đó.
Trà My làm việc tại Viện Tế Bào Gốc (trường Đại học Khoa học Tự nhiên). |
Hành trình sau đó, trong khoảng thời gian học thạc sĩ ngành Sinh học, cô tiếp tục may mắn được hướng dẫn bởi TS. Hà Thị Thanh Hương - một người đã đạt không ít thành tựu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào ngành khoa học thần kinh tại Việt Nam và được học hỏi rất nhiều kiến thức từ cô. Là người vốn có nền tảng về nghiên cứu sinh học cơ bản, trí tuệ nhân tạo là một vùng kiến thức gần như mới đối với Trà My. Thế nhưng, dưới sự dẫn dắt của cô Thanh Hương, My đã được tiếp thêm động lực để buông tay ra khỏi những điều chắc chắn, bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để “lăn xả” và học hỏi những kiến thức mới.
Trà My và TS. Hà Thị Thanh Hương tại Hội nghị Nano Life Science: Nano Biotechnology, Biosensor, Computation (NanoBioCoM2023). |
Bên cạnh đó, nhận thấy bản thân cần trau dồi thêm những kỹ năng khác ngoài những kiến thức khoa học, My đã thử sức ở vị trí leader cho một vài dự án, viết thuyết minh để xin quỹ nghiên cứu và tham gia hợp tác với các công ty và bệnh viện. “Chính nhờ khoảng thời gian đó mà mình đã có được nhiều “kinh nghiệm thực chiến”. Nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc quanh quẩn với thí nghiệm, mà còn là kỹ năng quản lý dự án, quản lý con người, chuẩn bị hồ sơ xin các quỹ tài trợ nghiên cứu, và ứng dụng kết quả nghiên cứu ra thực tế”, Trà My nhớ lại.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong khoảng thời gian nghiên cứu khoa học và theo học bậc thạc sĩ, cô đã đạt được liên tiếp những giải thưởng lớn. Điển hình như: Excellent presentation at BrainConnects 2022 Conference (Báo cáo viên xuất sắc tại hội nghị BrainConnects 2022 về đề tài nghiên cứu sự không đồng nhất trong bệnh Suy giảm nhận thức nhẹ), UNLEASH Mental Health Europe Hacks (2022) Champion (Nhà vô địch cuộc thi hackathon UNLEASH Sức Khoẻ Tâm Thần Châu Âu năm 2022) (Nội dung: Đề xuất ứng dụng EmoQ – ứng dụng hỗ trợ cho giáo viên trong việc tư vấn cảm xúc cho học sinh phổ thông), Inclusive prize of The Accessibility Design Competition 2022 (Giải khuyến khích Cuộc thi Thiết kế tạo điều kiện tiếp cận cho tất cả mọi người năm 2022) (Nội dung: Đề xuất ứng dụng có tên Career4ASD – ứng dụng định hướng nghề nghiệp cho người mắc chứng Rối loạn phổ tự kỷ), Học bổng ADAI FELLOWSHIP 2022 (Nội dung: Học bổng khuyến học cho sinh viên và học viên cao học trong nghiên cứu ứng học AI trong việc giải quyết các vấn đề y sinh).
Trà My và thành viên nhóm nhận Giải khuyến khích Cuộc thi Accessibility Design Competition 2022. |
Trà My, TS. Hà Thị Thanh Hương và nhóm nghiên cứu tại lễ trao giải Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. |
Mong muốn trở thành Tiến sĩ Kỹ thuật Sinh học vì một niềm đam mê và cả .. một nỗi đau
“Ngoài việc có đam mê với nghiên cứu khoa học, động lực khiến mình quyết định chọn ngành học này là vì nỗi đau khi chứng kiến bố mình chiến đấu với căn bệnh ung thư”, My tâm sự. Theo cô, việc chẩn đoán và điều trị ung thư vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở Việt Nam, do hệ thống y tế quá tải và thiếu công nghệ hiện đại.
Trà My chia sẻ: “Mình vẫn nhớ cảm giác bất lực khi nhìn bố đau đớn trải qua các tác dụng phụ của hoá trị liệu nhưng không có hiệu quả cao và sự mong chờ của bố vào kết quả giải trình tự gene, để có thể có thể chuyển sang điều trị với liệu pháp phù hợp hơn”. Khi ấy, cả gia đình cô đã đợi rất lâu cho kết quả giải trình tự. Mặc dù những khái niệm như "công nghệ giải trình tự" là những thứ mình được học rất nhiều ở giảng đường đại học, cô đã bất lực vì không biết làm thế nào để đẩy nhanh tốc độ cho ra kết quả. Và điều đau lòng không ai mong muốn đã xảy ra, bố cô mất sau đó không lâu.
Trà My báo cáo tại Hội nghị Nano Life Science: Nano Biotechnology, Biosensor, Computation (NanoBioCoM2023). |
Từ giây phút ấy, cô nhận ra nhu cầu cấp thiết cho việc phát triển một phương pháp phát hiện đột biến chẩn đoán ung thư, tiết kiệm thời gian, chi phí thấp, ít xâm lấn và phù hợp hơn với những cơ sở y tế chưa hiện đại. Như một cơ duyên, sau đó, cô đã có cơ hội biết đến thầy Brian Cunningham, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Biosensor (Cảm biến sinh học) đang nghiên cứu tại trường University of Illinois Urbana-Champaign (UIUC - Hoa Kỳ). Hướng nghiên cứu của thầy cũng tập trung vào phát triển biosensor chẩn đoán đột biến ung thư từ mẫu máu. Vậy nên cô đã quyết định thử sức và nộp hồ sơ vào trường với mong muốn được tham gia vào dự án của thầy.
Đạt học bổng Tiến sĩ toàn phần ở tuổi 26
Năm 2023, cô đã rớt khi nộp hồ sơ vào chương trình Học bổng Khoa học Công nghệ Đào tạo Tiến sĩ Du học Nước ngoài của tập đoàn Vingroup. Lần thất bại ấy khiến cô rất buồn và vơi đi đôi phần niềm tin vào khả năng của bản thân. Tuy vậy, sau khi nhận tin báo rớt, Trà My đã quyết không từ bỏ mà tiếp tục trau dồi kinh nghiệm nghiên cứu bằng việc đảm nhận vai trò leader trong một dự án với TS. Phạm Huy Hiệu từ VinUniversity. Quá trình ấy giúp cô có thêm thời gian để nhận thức sâu hơn về điểm mạnh và yếu của bản thân, đồng thời xác định rõ hơn hướng đi cho tương lai và áp dụng góc nhìn mới này vào bài luận trong hồ sơ tiến sĩ của mình.
Trà My và TS. Phạm Huy Hiệu và poster dự án tại hội nghị Launching Cognitive Science in Vietnam. |
“Mình nhận ra rằng bài luận tiến sĩ không chỉ cần thể hiện đam mê và kinh nghiệm nghiên cứu, mà còn cần phải cụ thể hóa định hướng và có kế hoạch chi tiết cho việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào lợi ích của cộng đồng”, cô nói. Dưới sự động viên của thầy Hiệu, cô đã một lần nữa dám bước ra khỏi vùng an toàn để nộp đơn vào một trường đại học danh giá, ở một ngành chuyên sâu về kỹ thuật -Bioengineering - Kỹ thuật Sinh học, mặc dù chuyên môn của cô chủ yếu là nghiên cứu cơ bản.
Khoảnh khắc nhận thông tin được đậu vào trường University of Illinois Urbana-Champaign lẫn học bổng Toàn phần từ VinGroup và Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois, cô đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Nhìn lại hành trình đã qua, Trà My mong muốn được gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các thầy cô hướng dẫn đã hỗ trợ và chỉ dẫn cô trong suốt thời gian qua, giúp cô tự tin bước ra khỏi vùng an toàn và có cơ hội phát triển bản thân. Cô cũng gửi lời cảm ơn đến tập thể Brain Health Lab và bạn bè thân thiết đã luôn bên cạnh, dù là ở những thời điểm tồi tệ nhất, giúp cô vực dậy tinh thần sau những biến cố. Cuối cùng, bố mẹ chính là người cô biết ơn nhất bởi đã luôn luôn là bờ vai vững chắc và tiếp thêm động lực, ủng hộ cô trên suốt chặng đường phát triển.
Học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự bệnh nhân. |
Vì chưa có nhiều kiến thức về ngành kỹ thuật, cô hy vọng sẽ được trau dồi và hiểu sâu về lĩnh vực này để “vá” vào “lỗ hổng” kiến thức của mình, giúp cô có một nền tảng chuyên môn vững chắc trên con đường theo đuổi hoài. Thông qua cơ hội nghiên cứu tiến sĩ ngành Kỹ thuật Sinh học tại UIUC, cô mong rằng có thể đóng góp vào việc phát triển Biosensor (Cảm biến sinh học) mới. Không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành luận án tiến sĩ, với chương trình hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Thông minh VinUni-Illinois, Trà My ấp ủ dự định có thể áp dụng Biosensor tại các bệnh viện ở Việt Nam và giúp đỡ các bệnh nhân ung thư, giống như cách mà cô mong muốn giúp đỡ người bố thân yêu của mình.
Ảnh: NVCC