Áp lực chạy theo trào lưu trong giới trẻ
Nguyễn Thành Long, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền là ví dụ điển hình của mẫu người luôn "chạy theo" trào lưu. Nam sinh chia sẻ rằng thói quen theo dõi mạng xã hội đã trở thành một phần trong lịch trình hàng ngày. "Sau giờ học và làm thêm, mình thường dành vài tiếng lướt mạng trước khi đi ngủ. Nó giống như một nghi thức giúp mình giải tỏa căng thẳng sau một ngày dài," Long nói.
Long chia sẻ việc lướt mạng xã hội là niềm vui và thói quen khó bỏ. |
Việc Long coi lướt mạng xã hội là "niềm vui" đã trở thành thói quen khó bỏ. Không muốn bị xem là không theo kịp thời đại, chàng trai trẻ sẵn sàng thức đến khuya để cập nhật những xu hướng mới. Long thừa nhận rằng bản thân thường trực chờ đợi những tin tức nóng, những câu chuyện đang được bàn tán sôi nổi, hay những "drama" không hồi kết trên các nền tảng mạng xã hội: "Mình ghét cảm giác bị bỏ lỡ một điều gì đó. Nếu bạn bè nói về một chủ đề mà mình không biết, mình cảm thấy thực sự lạc lõng".
Hành vi của Thành Long phản ánh một hiện tượng tâm lý phổ biến trong giới trẻ hiện nay – hội chứng FOMO (Fear of Missing Out), hay còn gọi là nỗi sợ bị bỏ lỡ. Đây là cảm giác lo sợ khi không được tham gia vào những trải nghiệm thú vị mà người khác đã trải qua. Đặc biệt, đối với Gen Z – thế hệ sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên kỹ thuật số, FOMO dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
FOMO không chỉ khiến người trẻ luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng khi không theo kịp các xu hướng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Nó khiến nhiều bạn trẻ phải gắn bó với chiếc điện thoại, ngập chìm trong dòng tin tức không ngừng nghỉ, dẫn đến những đêm dài mất ngủ.
Kiều Trang, 22 tuổi, làm việc trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội cũng gặp phải tình trạng tương tự. "Mình không thể ngủ nếu chưa kiểm tra xem có tin tức gì mới không. Cảm giác bị bỏ lỡ thực sự khiến mình bồn chồn, lo lắng. Có lần mình thức đến 3 giờ sáng chỉ để đọc hết những bình luận về một vụ việc đang hot trên mạng," Trang kể lại.
Sau nhiều lần thức khuya như vậy, Trang đã quyết định từ bỏ thói quen cập nhật mạng xã hội sau khi nhận thấy sức khỏe của mình ngày càng giảm sút. "Mình nhận ra rằng việc thức khuya, mất ngủ chỉ để theo kịp những thứ vô bổ trên mạng thực sự không đáng. Sau khi từ bỏ thói quen này, mình cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm hơn, sức khỏe cải thiện rõ rệt," cô nàng chia sẻ.
Trang đã từ bỏ việc chạy theo trào lưu khi nhận thấy sức khỏe của bản thân bị giảm sút. |
Sự căng thẳng do FOMO không chỉ diễn ra trên không gian mạng, mà còn xuất phát từ áp lực đồng trang lứa ngoài đời thật. Minh Châu, 23 tuổi, đang làm việc tại một công ty công nghệ ở Đà Nẵng, từng trải qua giai đoạn căng thẳng vì phải "theo kịp" nhóm bạn thân của mình trên mạng xã hội. "Mỗi khi thấy bạn bè đăng tải những khoảnh khắc đi du lịch, tham gia sự kiện, mình cảm thấy bản thân bị bỏ lại phía sau. Dù mình biết cuộc sống của mỗi người khác nhau, nhưng việc không thể tham gia vào những trải nghiệm đó khiến mình tự ti," cô chia sẻ.
Áp lực đồng trang lứa khiến Minh Châu cảm thấy bắt buộc phải hòa nhập với những gì bạn bè đang làm, mặc dù cô nàng không thực sự hứng thú. "Nhiều khi mình tham gia các sự kiện chỉ vì không muốn là người duy nhất không biết về nó. Sau đó, mình lại tự hỏi tại sao mình lại phải ép bản thân như vậy," cô nói.
FOMO và áp lực đồng trang lứa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng về thể chất. Tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài khiến nhiều người trẻ rơi vào trạng thái kiệt sức. Không ít bạn trẻ đã nhận ra rằng, việc lướt mạng xã hội một cách không kiểm soát đang dần hủy hoại cuộc sống của họ.
Làm thế nào để thoát khỏi FOMO?
Để thoát khỏi FOMO, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thanh Hà khuyên rằng, trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ rằng không phải mọi tin tức hay trào lưu trên mạng xã hội đều quan trọng. Việc cập nhật tin tức không nên trở thành gánh nặng hay một áp lực phải đối mặt hàng ngày.
Bà cho biết thêm: "Người trẻ cần học cách đặt ra giới hạn cho bản thân khi sử dụng mạng xã hội. Thay vì chìm đắm trong dòng tin tức không ngừng nghỉ, hãy tập trung vào những điều thực sự quan trọng đối với cuộc sống của mình. Điều này không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn giúp bạn tránh bị cuốn vào những áp lực vô hình từ mạng xã hội."
Đồng thời, nữ chuyên gia cũng nhấn mạnh, người trẻ cần học cách sống chậm lại, đặt ra giới hạn cho việc sử dụng mạng xã hội, tìm kiếm niềm vui từ những giá trị thực sự trong cuộc sống và chăm sóc tốt cho sức khỏe tinh thần của mình: "Khi đó, họ sẽ nhận ra rằng việc không biết đến một vài trào lưu hay tin tức nóng hổi không quan trọng bằng việc cảm thấy hạnh phúc và bình an trong chính cuộc sống của mình".
Hạnh cho biết, tinh thần mình đã cảm thấy thoải mái hơn khi bỏ việc chạy theo trào lưu. |
Minh Hạnh, 22 tuổi, sinh viên trường Đại học Hà Nội đã quyết định thử "cai nghiện" mạng xã hội trong một tháng và bất ngờ trước những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình. "Trước đây, mình cảm thấy mỗi ngày trôi qua đều giống nhau: học tập, công việc, ăn uống rồi lại nằm trên giường lướt điện thoại đến khuya. Nhưng sau khi mình quyết định giảm dần việc sử dụng mạng xã hội, mình bắt đầu có thời gian cho những sở thích khác như nấu ăn, học thêm kỹ năng mới, và thậm chí là đi du lịch mà không cần phải chia sẻ mọi khoảnh khắc trên mạng," Hạnh chia sẻ. Cô nàng cho biết thêm: "Không còn bị áp lực từ việc cập nhật tin tức hay chạy theo trào lưu, mình thấy tinh thần thoải mái hơn rất nhiều. Đặc biệt, mình không còn cảm thấy mệt mỏi hay mất ngủ vào ban đêm như trước."
Ảnh: NVCC