Chọn việc làm thêm phù hợp với định hướng nghề nghiệp
Sinh viên năm 3 là những bạn trẻ đang ở độ tuổi sắp ra trường và “tiệm cận” với thị trường lao động. Mỗi cá nhân khi bắt đầu một công việc cần xác định rõ liệu công việc này có giúp mình trau dồi những kỹ năng để phát triển con đường sự nghiệp trong tương lai hay không? Trên thực tế, có không ít bạn sinh viên đi làm thêm và bị cuốn vào vòng xoáy của tiền bạc với những công việc không thực sự phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Tình trạng này sẽ khiến sinh viên trở nên “lạc lối” khi bước ra khỏi cánh cổng trường đại học vì thiếu những kinh nghiệm thực tế mà công việc yêu cầu.
Bạn Nguyễn Thị Ngọc Hà đang là sinh viên năm 3 khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại tại Học viện Ngoại giao đã có những chia sẻ với báo Tiền Phong về công việc làm thêm hiện tại. Với định hướng trở thành 1 content creator (nhà sáng tạo nội dung) sau khi tốt nghiệp, Hà đã thử sức ở vị trí này tại 1 doanh nghiệp kinh doanh đồ công nghệ (Anh Phi bán Táo).
Nguyễn Thị Ngọc Hà là sinh viên năm 3 khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. |
Theo Ngọc Hà, lựa chọn công việc làm thêm sao cho phù hợp với chuyên ngành hay lĩnh vực mình yêu thích là rất quan trọng với một sinh viên năm 3 như cô. “Việc làm quen dần với những nhận xét, đánh giá của mọi người khi đăng tải những nội dung mình sáng tạo lên mạng xã hội đã giúp ích cho mình rất nhiều. Mình đã học được cách đón nhận cả những điều tích cực và tiêu cực từ cộng đồng mạng. Nếu không có những trải nghiệm từ sớm như vậy, khi ra trường và bắt đầu công việc content creator, chắc chắn mình sẽ rất bỡ ngỡ và sợ hãi”, Hà chia sẻ.
Nơi làm việc uy tín sẽ cho bạn nhiều bài học đắt giá
Lựa chọn nơi làm việc uy tín không có nghĩa là bạn phải trở thành nhân viên của những công ty “nổi tiếng” hay xuất hiện trên nhiều mặt báo. Nơi làm việc uy tín hiểu đơn giản là công ty, doanh nghiệp có tầm nhìn, sứ mệnh đúng đắn, môi trường lành mạnh và có đủ không gian cho bạn phát huy thế mạnh của bản thân. Quan trọng hơn nữa, đó là nơi bạn có thể “làm đầy” kiến thức thực tế và kĩ năng sống của mình. Từ quy trình làm việc chỉn chu, bạn sẽ học được nhiều thứ từ cách giao tiếp sao cho đúng mực nơi công sở đến việc giải quyết những đầu việc cần thiết… Tất cả những bài học ấy sẽ là hành trang quý báu để bạn tiến bước vào tương lai và trưởng thành hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Phan Lê Phương Anh là sinh viên năm 3 khoa Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương. |
Đi làm thêm từ năm thứ nhất ở nhiều lĩnh vực khác nhau (truyền thông, sale bất động sản, trợ lý giám đốc), bạn Phan Lê Phương Anh - sinh viên năm 3 khoa Kinh doanh Quốc tế, trường Đại học Ngoại thương đã có vốn kinh nghiệm dày dặn trong việc chọn nơi làm việc tốt. Phương Anh chia sẻ: “Mình quyết định chọn công việc dựa trên yếu tố công việc đó có giúp mình học hỏi được nhiều điều bổ ích hay không, lương không quá quan trọng nhưng trải nghiệm để hoàn thiện kỹ năng và được học hỏi là rất quan trọng”. Với tiêu chí ấy, điều Phương Anh để ý đầu tiên chính là cách nói chuyện và hành động cử chỉ của người sếp/người phỏng vấn mình trong công ty. Cô luôn mong muốn công ty mình làm việc có người sếp/ người dẫn dắt giỏi, tác phong làm việc có những chuẩn mực nhất định.
Đừng “cả thèm chóng chán” mà dễ dàng từ bỏ
Khi bắt đầu một công việc mới, các bạn trẻ sẽ dễ có cảm giác chán nản, áp lực vì chưa quen với tính chất của công việc ấy. Giống không ít các bạn sinh viên khác khi đi làm thêm, Nguyễn Ngọc Diệp, cô sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã gặp một số trở ngại tâm lý khi đảm nhiệm vị trí thực tập sinh Monetization Optimizer (tối ưu hóa doanh thu) tại một công ty về game. Ban đầu, Diệp cảm thấy khá sợ vì bản thân còn non nớt và không biết phải vận hành như thế nào. Cũng có lúc cô muốn từ bỏ vì những khó khăn trong công việc và chưa biết cách cân bằng thời gian học và làm.
Nguyễn Ngọc Diệp là sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Thế nhưng, việc chủ động, mạnh dạn và cởi mở hơn trong môi trường doanh nghiệp đã giúp cô vượt qua được khoảng thời gian chán chường ấy. Với 2 năm gắn bó với vị trí này, cô hiểu rằng: “Chỉ cần bản thân có lòng muốn học hỏi, mọi người chắc chắn sẽ mở lòng giúp đỡ mình vượt qua các vấn đề mà mình gặp phải, vì dù sao đối với một sinh viên chưa ra trường thì việc sai sót cũng không thể tránh khỏi”.
Nhắc đến thế hệ gen Z, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến các bạn trẻ có khả năng sáng tạo, rất năng động và luôn tràn đầy sự hiếu kì về thế giới. Phần lớn các bạn ở lứa tuổi này ưa thích sự trải nghiệm, mong muốn được thử nhiều điều mới mẻ cho tới khi tìm được thứ bản thân thật sự đam mê. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường làm việc với một vị trí mới, gen Z nói chung và các bạn sinh viên năm thứ 3 nói riêng cần có sự kiên nhẫn, chăm chỉ trong quá trình học hỏi kiến thức mới. Sự thiếu cam kết trong công việc, thái độ làm việc không nghiêm túc của sinh viên khi đi làm thêm sẽ trở thành trở ngại để họ có thể tiến xa hơn và tiếp nhận những bài học thực tế đắt giá.
Với tư cách là nhà tuyển dụng đang làm việc với nhiều các bạn sinh viên là sinh viên năm 3, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong - chia sẻ: "Việc đi làm thêm hay thực tập từ năm thứ 3 có ý nghĩa rất quan trọng với các bạn sinh viên theo học hệ 4 năm vì đây là thời điểm các bạn bắt đầu có thể vận dụng các kiến thức đã học vào công việc thực tế và đã có những hiểu biết nhất định về thế giới việc làm.
Theo quan sát của chúng tôi thì thời điểm thực tập và làm thêm của các bạn sinh viên năm thứ 3 giống như đợt thử nghiệm cuối cùng trước khi các bạn bước chân vào thị trường lao động. Nếu qua việc thực tập và làm thêm ở năm thứ 3 mà các bạn xác định được chính xác công việc mình sẽ làm sau khi ra trường thì quãng thời gian học năm cuối sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn nhiều".