Làm sao để Trái Đất bớt nóng lên nhỉ? À, bằng cách che mờ Mặt Trời, tất nhiên rồi.
Nghe như một cốt truyện cho phim viễn tưởng, nhưng thực tế, ý tưởng này do các nhà khoa học đưa ra hẳn hoi đấy bạn ạ! Và tuy nó chưa thể trở thành hiện thực ngay lập tức, nhưng về lý thuyết, cách này chính là xịt hoặc phun các chất “làm mờ Mặt Trời” vào khí quyển của Trái Đất.
Nghiên cứu này được thực hiện ở Đại học Harvard và Yale, trong đó, người ta cho rằng có thể giảm một nửa các vấn đề do thay đổi khí hậu gây ra.
Ý tưởng này được gọi là “chiến thuật phun xịt vào tầng bình lưu”. Theo nghiên cứu, thì thứ được phun vào tầng bình lưu của Trái Đất là các nguyên tử sulphate.
Đây là một ý tưởng rất mới mẻ, nhưng cả công nghệ lẫn nền tảng khoa học cho nó vẫn còn chưa được phát triển. Kể cả chiếc máy bay để mang các chất đi phun xịt cũng chưa hề tồn tại.
Phương tiện để thực hiện ý tưởng đem hóa chất đi phun vào bầu khí quyển cũng hoàn toàn chưa tồn tại.Nên, chúng ta không chỉ phải tạo ra một chiếc máy bay hoàn toàn mới, mà còn phải tìm cách tốt nhất để sử dụng nó một cách an toàn.
Các nhà khoa học tính toán, chỉ để bắt đầu chuẩn bị cho quá trình lâu dài này, thì chi phí cho 15 năm đầu tiên đã là 3,5 tỉ đôla rồi!
Chưa kể đến những người theo trường phái “phản đối hóa chất” sẽ đưa ra rất nhiều hậu quả của việc “phun xịt” vào khí quyển.
Nhiều chuyên gia đã xem nghiên cứu này và cũng tỏ ra nghi ngại. Nhà nghiên cứu David Archer ở khoa Địa Vật lý, Đại học Chicago (Mỹ), nói: “Nếu chúng ta thay đổi khí hậu theo cách này, thì đó chỉ là một miếng băng y tế tạm thời dán lên một vấn đề vốn sẽ kéo dài mãi mãi”.
Còn ai nghĩ nên che mờ Mặt Trời nữa không nhỉ?