Nguyễn Lê Vĩnh Tường (SN 1999) là một nhà thiết kế trẻ đang trên đường học hỏi và trau dồi công việc trong lĩnh vực thời trang. Nhưng có điều bất ngờ, Vĩnh Tường chỉ là ‘dân tay ngang’, chàng trai gen Z vốn theo học ngành Kỹ sư chăn nuôi, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM.
Nói về việc theo đuổi công việc trái ngành học, Vĩnh Tường cho rằng: “Đối với mọi người thì cảm thấy phí nhưng đối với mình, đó có thể là một cái duyên. Mình không chọn nghề mà nghề chọn mình. Học trái nghề nhưng mình xác định nó có thể làm ra tiền nuôi sống bản thân”.
Nhà thiết kẻ trẻ nghĩ rằng, "mông lung" hay không khi chọn theo trái ngành, cũng không quan trọng. Các bạn vẫn có thể nuôi bản thân từ nghề tay trái đó, có quyền thử sức với đam mê, với ước mơ và biết đâu sẽ được hái quả ngọt. Nếu lo lắng khi làm trái nghề sẽ phải cạnh tranh với những nhà thiết kế được học hành bài bản thì bản thân càng phải nỗ lực hơn.
Vĩnh Tường (giữa) bên thiết kế "National costume" của mình. |
Cơ duyên đưa Vĩnh Tường đến với thời trang bắt đầu từ những cuộc thi thiết kế trang phục dân tộc cho các đại diện Việt Nam đi thi Hoa hậu quốc tế. Điều đó giúp anh xác định được mình cần gì và phù hợp với nghề nào. Còn với các áp lực làm nghề, Vĩnh Tường chia sẻ: “Mình không thấy quá lo lắng. Cứ hết mình làm những gì theo sở thích, nỗ lực sáng tạo. Cho dù môi trường khắc nghiệt nhưng bản thân vẫn có chất riêng, luôn thay đổi tạo ra cái mới thì mình vẫn có thể đứng vững”.
Sau khi được biết đến với giải thưởng “Best national costume” tại Miss Grand International 2023, do Hoa hậu Lê Hoàng Phương trình diễn, công việc và cuộc sống của Vĩnh Tường cũng có nhiều thay đổi, nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người hơn trên mạng xã hội. Nhớ lại hành trình thực hiện bộ trang phục mang tên “Vũ khúc Thiên long” cho Lê Hoàng Phương, Vĩnh Tường kể: “Mình cứ nghĩ mọi chuyện sẽ trôi qua nhanh nhưng áp lực về sự thay đổi trang phục là rất lớn. Đó là lý do phải sửa lại trang phục này nhiều lần”.
Vĩnh Tường (ngoài cùng, bên phải) tại Miss Grand International 2023. |
Theo đuổi thiết kế mang chất liệu văn hóa, dân tộc Việt Nam thì đòi hỏi sự am hiểu và kiến thức tốt để không tạo ra những tranh cãi không cần thiết, Vĩnh Tường tránh những điều tiêu cực bằng cách chấp nhận lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người.
Là một người trẻ, việc giữ gìn các giá trị truyền thống văn hóa mà vẫn có được sự mới mẻ, cấp tiến, là yêu cầu bắt buộc. Anh bày tỏ: “Đối với mình, giá trị truyền thống văn hóa dân tộc là một nét đẹp. Để quảng bá nét đẹp đó trên trang phục thì mình phải không ngừng sáng tạo, cũng như dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại”.