Năm 11 tuổi, Kholy thường cùng cha đến cửa hàng sửa chữa ô tô nơi ông làm việc sau mỗi giờ học. Ban đầu, cô chỉ muốn quan sát và xem cách cha sửa xe. Nhưng sau đó, cô cảm thấy rất thích với công việc này và may mắn nhận được sự ủng hộ của cha.
Cha của Kholy thường thoa một ít dầu động cơ lên mặt cô và bảo cô mặc quần yếm khi đến nơi làm việc của ông. Đó là cách cha của Kholy cho mọi người thấy con gái mình cũng là một thợ máy sửa chữa ô tô.
“Tôi chắc chắn rằng có nhiều người phụ nữ khác cũng đam mê công việc này nhưng không tìm được sự hỗ trợ và giúp đỡ thỏa đáng”, Kholy chia sẻ.
Quyết định trở thành thợ máy của Kholy đã khiến nhiều người sửng sốt, đặc biệt là đấng mày râu. Cô phải chịu nhiều lời chỉ trích gay gắt. Nhưng không vì vậy mà nản lòng, Kholy vẫn quyết định theo đuổi nghề nghiệp mình yêu thích, bất chấp những định kiến về công việc dành cho phụ nữ Ai Cập.
Theo chỉ số Khoảng cách Giới Toàn cầu năm 2015, Ai Cập là một trong những quốc gia xếp hạng thấp về bình đẳng giới so với các quốc gia khác trên thế giới.
Còn theo Chỉ số đo lường sự chênh lệch nam và nữ giữa các quốc gia, Ai Cập đứng thứ 136/145; trong đó chỉ có khoảng 1/4 phụ nữ Ai Cập có việc làm được trả lương so với gần 80% nam giới.
Mới đây, Kholy đã mở trung tâm bảo dưỡng ô tô của riêng mình ở Luxor, Ai Cập. Cô cũng đang giúp những thợ máy có nguyện vọng làm việc trong ngành nghề này, một nghề mà mọi người vẫn quan niệm chỉ dành cho nam giới.
“Đó không chỉ là việc tôi thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình mà tôi còn giúp đỡ những người phụ nữ khác đang phải đối mặt với những áp lực và thách thức của xã hội để trở thành một thợ máy”, Kholy chia sẻ trong văn phòng của mình, trên bức tường phía sau bàn làm việc của cô là hình ảnh người cha quá cố.
Kholy đã và đang tổ chức các buổi hội thảo đào tạo cho những người phụ nữ quan tâm đến việc bảo dưỡng ô tô tại quê nhà và ở Tanta, nơi cô từng làm việc trong một doanh nghiệp sửa chữa.
Cho đến nay, đã có khoảng 20 phụ nữ tham gia vào những chương trình này. Kholy cũng cho biết cô dự định sẽ thuê họ làm việc tại trung tâm mới của mình.
“Từ kinh nghiệm đào tạo của tôi cho cả năm và nữ giới, tôi có thể tự tin nói rằng phụ nữ giỏi hơn nhiều nếu họ đam mê với bất kỳ công việc nào họ làm”, Kholy khẳng định.
Cùng với nỗ lực giúp đỡ những phụ nữ khác vào nghề sửa chữa ô tô, Kholy cũng có những kế hoạch đầy tham vọng cho công việc kinh doanh của mình. Ngoài ra, cô cũng hy vọng sẽ mở một chi nhánh ô tô ở Ai Cập, thậm chí tung ra một thương hiệu riêng có thể được chuyển nhượng cho nước ngoài.
Cô chia sẻ: “Đối với tôi, đây là một ước mơ và tôi tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ thực hiện được ước mơ của mình”.