1. Một kỹ sư phần mềm
TRƯỚC: Giữa năm 2009, anh ấy là một kỹ sư phần mềm mà không ai muốn thuê. Dù đã có kinh nghiệm cả chục năm ở Yahoo và Apple, nhưng anh bị từ chối bởi hai công ty đang phát triển mạnh nhất trên Internet lúc bấy giờ: Twitter, rồi đến Facebook.
SAU: Khi không xin vào được công ty nào, anh kết hợp với một người bạn là Jan Koum nhắn tin trên điện thoại thông minh, được sử dụng khắp thế giới. Đúng, anh ấy là Brian Acton, nhà phát triển ứng dụng WhatsApp. WhatsApp được Facebook mua lại vào năm 2014 với mức giá 19 tỷ đôla (tiền mặt và cổ phiếu), đưa mức tài sản ròng của Acton lên đến con số 3,8 tỷ đôla.
2. Một người leo núi, một kỹ sư, một nhà lý sinh học
TRƯỚC: Vốn là một tay leo núi tài năng, ở tuổi lên 8, Herr đã leo lên đỉnh Mount Temple, cao hơn 3.500m, ở dãy núi Rockies, Canada. Ở tuổi 17, Herr được biết đến là một trong những người leo núi “thần kỳ” nhất nước Mỹ. Tháng 1/1982, sau khi leo lên một con đường đầy băng rất khó khăn ở núi Washington (New Hampshire, Mỹ), Herr và người bạn là Jeff Batzer bị kẹt trong một trận bão tuyết và mất phương hướng, cuối cùng lại đi xuống Vực Lớn rồi tiếp tục kẹt ở đó ba đêm trong cái lạnh -29 độ C. Khi được cứu, hai người leo núi này đã bị hoại tử nghiêm trọng do tê cóng. Các bác sĩ phải cắt cả hai chân của Herr, từ đầu gối trở xuống. Batzer mất phần dưới chân trái, các ngón chân bên phải và các ngón tay bên phải.
SAU: Khi đang học tại MIT, chuyên về các thiết bị y - sinh học, Herr bắt đầu phát triển những chiếc chân giả tiên tiến, sao chép chức năng của đôi chân người bình thường. Dùng chiếc chân giả đặc biệt do mình thiết kế, ông đã tạo ra cả bàn chân giả với những ngón chân đủ cứng để có thể đứng trên những mép đá nhỏ với bề ngang chỉ bằng một đồng xu và có thể leo lên những dốc băng trơn trượt. Ông đã dùng chính những chiếc chân giả này để tránh những tư thế sai lệch của cơ thể và để bám vào những vị trí mà trước đây ông không làm được. Kết quả là, Hugh Herr đã leo núi cao hơn trước khi ông bị tai nạn, và ông trở thành người đầu tiên bị cắt bộ phận quan trọng trên cơ thể mà vẫn tham gia môn thể thao này cùng với những người bình thường, ở mức độ ưu tú.
3. Một doanh nhân, người làm phim hoạt hình, người lồng tiếng, nhà sản xuất phim
TRƯỚC: Trước khi trở thành một huyền thoại mà cả thế giới biết đến như ngày nay, thì ông ấy rất vất vả để kiếm đủ sống. Năm 1919, khi đang làm việc cho một tờ báo, ông bị đuổi vì “thiếu sự tưởng tượng và không có ý tưởng nào hay”. Tháng 1/1920, ông cùng một người bạn lập công ty nhưng rồi sớm rời đi để kiếm thêm tiền ở Công ty Quảng cáo phim Kansas. Về sau, dù có được studio riêng và khá thành công, nhưng lợi nhuận của studio vẫn không đủ để trả lương cho nhân viên. Công ty mắc nợ nần và phá sản. Sau đó, ông quyết định dựng một studio ở Hollywood, bang California.
SAU: Ông tạo ra nhân vật Oswald, chú thỏ may mắn. Đó là một trong những thành công vang dội của ông trong ngành công nghiệp hoạt hình. Lúc đó, ông chỉ được nhận 20% lợi nhuận từ các bộ phim mình làm. Đang định thương lượng để nâng cao mức thù lao, thì ông lại bị nhà sản xuất của mình ăn cắp nhân vật, và dẫn theo cả đội ngũ làm phim hoạt hình của ông, bằng cách lén thương thảo hợp đồng với họ.
Trong trường hợp này, đa số mọi người sẽ gói ghém đồ đạc, trở về nhà và khóc. Nhưng người đàn ông này không chịu như vậy. Ông tiếp tục tạo ra nhân vật hoạt hình thành công nhất của mình: Chuột Mickey. Đúng vậy, con người tuyệt vời này chính là Walt Disney. Ông kể, ban đầu, có những người nói với ông rằng chuột Mickey sẽ sớm thất bại, vì một con chuột to tướng trên màn ảnh sẽ khiến phụ nữ và trẻ em phát sợ. Nhưng hình ảnh Mickey đáng yêu không hề làm cho ai sợ, và nó vẫn tiếp tục chia sẻ những câu chuyện của mình trên màn ảnh khắp thế giới, cho đến tận ngày nay.