Có một câu chuyện kể rằng hai vợ chồng trẻ nọ rất hay cãi nhau, chẳng ai chịu nhường ai, ai cũng muốn mình là người nói câu cuối cùng. Thành ra, có những khi cuộc tranh luận đã đi đến kết thúc, nhưng chỉ vì một người không chịu bớt lời, thành ra một hai câu cuối cùng đó lại mở đầu cho một cuộc cãi nhau mới. Để giải quyết vấn đề này, có lần, họ đã thỏa thuận với nhau rằng từ giờ, khi cãi vã, thì một người nên lên tiếng nhận sai trước, để người còn lại sẽ có thái độ tích cực hơn.
Thế là đến lần cãi nhau tiếp theo, anh chồng bảo: “Nào, thôi lần này đến lượt em cứ nhận sai đi; sau đó anh sẽ thừa nhận quan điểm của em”.
Cô vợ đồng ý, nói: “Thôi được, em sai rồi”.
Anh chồng gật gù: “Phải, em nói đúng đấy”.
Một cuộc tranh cãi đúng-sai lắm khi sẽ kéo dài không có điểm dừng, và trong nhiều trường hợp sẽ dẫn tới những hậu quả lớn ngoài tầm kiểm soát. Cho nên, người ta mới có câu: “Đôi khi, cứ muốn đúng lại là sai”.
Tôi còn nhớ, hồi là sinh viên năm thứ nhất, có lần tôi tham gia vào một cuộc tranh cãi nảy lửa với một người bạn cùng lớp. Thực sự thì tôi không nhớ rằng chúng tôi đã tranh cãi vì chuyện gì nữa, chỉ nhớ rằng cả hai đã suýt xông vào đánh nhau và có lẽ sau đó không bao giờ thèm nói chuyện với nhau nữa. Tuy nhiên, bài học của ngày hôm đó thì tôi sẽ không bao giờ quên.
Lúc đó, tôi tin rằng: “Tôi là đúng còn cậu ta là sai”. Và cậu ta cũng tin điều tương tự: “Tôi là đúng còn cậu ta là sai”. Chỉ có điều, hai nhân vật “tôi” và “cậu ta” trong hai câu đó là khác nhau. Và thế là, thầy giáo của chúng tôi đã quyết định “ra tay”.
Thầy gọi chúng tôi lên gần bục giảng, bảo cậu bạn kia đứng một bên của bàn giáo viên, còn tôi đứng phía bên kia. Ở giữa bàn của thầy là một vật gì đó tròn và khá to. Tôi có thể nhìn thấy rõ là nó màu đen. Thầy hỏi cậu bạn tôi là vật đó có màu gì.
- Màu trắng ạ - cậu ta đáp.
Tôi thật không thể tin nổi rằng cậu ta nói cái vật đó màu trắng. Khỉ thật, rõ ràng nó màu đen cơ mà! Tôi buột miệng nói: “Điên à, nó màu đen!”, và một cuộc tranh cãi mới lại nổ ra giữa tôi và cậu bạn đó, lần này là về màu của vật thể trên bàn.
Thầy giáo liền bảo hai chúng tôi đổi chỗ cho nhau, đứng đúng vào chỗ của người kia vừa đứng. Chúng tôi làm theo, và giờ thầy hỏi tôi rằng cái vật đó màu gì.
Tôi ngập ngừng, và đành phải trả lời:
- Màu trắng ạ.
Nó là một vật thể với hai màu ở hai mặt, và nó được phối màu để có sự chuyển tiếp giữa đen và trắng rất khéo, đến mức, nếu nhìn ở một mặt thì không thể biết được là mặt kia có màu khác đi. Tức là, từ góc nhìn của bạn tôi lúc nãy, thì vật thể đó tưởng như hoàn toàn màu trắng. Còn từ góc tôi đứng, thì tưởng như nó hoàn toàn màu đen. Vào thời điểm hiện tại này thì tôi thấy vụ cãi nhau của chúng tôi hồi đó cũng gần như kiểu tranh luận về chiếc váy trứ danh trên mạng, mà có người nói là váy màu xanh-đen, có người nói là váy màu vàng-trắng ấy.
Nhiều khi, chúng ta cần phải nhìn vào vấn đề từ góc nhìn của một người khác, hoặc cảm nhận một tình huống khi đứng đúng vào vị trí của người khác, thì mới có thể thực sự hiểu được họ.
Đó là bài học mà tôi sẽ không bao giờ quên được.