Hệ thống phòng lab bao gồm hệ thống điện và hệ thống thiết bị mạng. Thông qua hệ thống phòng lab này, giảng viên và sinh viên các trường có thể thực hành mô phỏng các tính năng cần thiết cho chuyên ngành mạng viễn thông, mạng máy tính, tương đương chương trình học mạng của Cisco như: CCNA, CCNP, CCIE…
Bà Võ thị Kim Hồng - Trưởng phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực, FPT Telecom chia sẻ: “Việc đưa vào vận hành phòng lab sẽ giúp sinh viên có cơ hội được tiếp xúc gần hơn hệ thống thực và có thêm những kinh nghiệm thực tế, giúp rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa người vừa ra trường và người đang vận hành mạng lưới. Với hệ thống này, sinh viên được đào tạo sát thực tế hơn, ra trường có thể làm việc ngay. Nhờ đó mà các doanh nghiệp viễn thông cũng sẽ có lợi lớn khi giảm bớt gánh nặng phải đào tạo lại”.
Theo PGS. TS Đỗ Hồng Tuấn - Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) cho biết: “Ngành kỹ thuật rất cần phòng thí nghiệm, đặc biệt là ngành Viễn thông, sinh viên rất cần những hệ thống thực tế để các em có thể thực hành và hình dung được công việc sau khi ra trường đi làm. Đây là một sự hỗ trợ thiết thực, cần thiết cho môi trường đào tạo và tăng cường kiến thức thực tế cho sinh viên ngành viễn thông, công nghệ...”.
ThS Lê Phước Lâm – Phó Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng kỳ vọng, với sự hỗ trợ từ công ty công nghệ viễn thông lớn như FPT Telecom, đây chính là cơ hội để nhà trường và sinh viên sẽ có thêm điều kiện tạo ra nhiều ý tưởng mới đóng góp cho hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ mới của ngành viễn thông Việt Nam nói chung và phát triển nguồn nhân lực của FPT Telecom nói riêng.
FPT Telecom cho biết sẽ liên tục cập nhật hệ thống để các trường được học tập và nghiên cứu song hành cùng với các bước tiến về công nghệ ở Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, FPT Telecom cũng sẽ tạo điều kiện để các sinh viên các trường có cơ hội thực tập, làm việc trong môi trường công nghệ chuyên nghiệp.