Do đặc thù năm nay TP. HCM đăng cai tổ chức vào tháng Năm, nhưng đến ngày 12/3, Trung Nghĩa và các trại sinh TP. HCM mới được thông báo tập trung nên có thể nói thời gian luyện tập, chỉnh sửa kiến thức là rất ít. Đây cũng chính là khó khăn duy nhất trong quá trình luyện tập mà Trung Nghĩa cảm thấy kể từ khi đến với Trại Nguyễn Chí Thanh lần thứ 23.
Nhận định được khó khăn, Trung Nghĩa đã tập trung ôn luyện, thực hành theo sự chỉ dẫn của CLB Huấn luyện. “Hành trình này bắt đầu từ những ngày tháng đầu tiên khi thành phố ra thông báo tập trung sát hạch, sau đó là những ngày tháng đồng hành cùng các anh chị Hội đồng, CLB Huấn luyện, các bạn đồng khóa mỗi ngày mỗi rèn luyện và là 7 ngày cùng ăn, cùng ngủ, cùng thi tại Trung tâm sinh hoạt dã ngoại Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP. HCM). Kỉ niệm đáng nhớ nhất của mình có lẽ chính là những giờ phút mọi người cùng trên chuyến xe di chuyển từ trung tâm thành phố đến Cần Giờ, có tiếng cười, có sự lo lắng, có sự mệt mỏi, nhưng mình thấy được sự đồng lòng, sự đoàn kết của tập thể K23 - TP. HCM”, Trung Nghĩa nhớ lại.
Trần Lê Trung Nghĩa (giữa) được xướng tên với ngôi vị thủ khoa |
Với Trung Nghĩa, anh ấn tượng nhất với phần thi "Semaphore". Trung Nghĩa cho rằng, đây là phần thi có độ thách thức cao, tạo cho trại sinh nhiều khó khăn trong Hội trại lần này. Trung Nghĩa chia sẻ thêm, Trại Nguyễn Chí Thanh lần thứ 23 là một bệ phóng tốt để anh phát triển, danh hiệu thủ khoa là một cột mốc, một danh hiệu khẳng định đánh dấu công sức, quá trình mà chàng trai thủ khoa đã dành ra có thể tính từ năm 2020.
Trung Nghĩa trong phần truyền lửa tại đêm bế mạc. |
Chia sẻ về bí quyết giành được vị trí cao nhất của hội trại, thủ khoa Trần Lê Trung Nghĩa cho biết: “Bí kíp ở đây chắc là sự kiên nhẫn, kiên trì, nhẫn nại, chịu khó tìm hiểu, rèn luyện, phấn đấu mỗi ngày, vì không có đường tắt để đi đến thành công”.
Sau khi giành được ngôi vị thủ khoa, Trung Nghĩa thể hiện mong muốn, đóng góp cho công tác Hội và phong trào thanh niên trong giai đoạn sắp tới: “Trong tương lai, mình sẽ giúp đỡ địa phương giúp đỡ đơn vị trong công tác Hội và phong trào thanh niên, sau đó là CLB Huấn luyện và Hội động Huấn luyện để đào tạo ra những lứa huấn luyện viên mới, những lứa hội viên mới”, Trung Nghĩa bộc bạch.
Trần Lê Trung Nghĩa với nụ cười thân thiện, giàu nhiệt huyết với công tác Hội. |
Trung Nghĩa cho biết thêm, động lực của anh khi đến với hành trình Trại Nguyễn Chí Thanh lần thứ 23 là đam mê mãnh liệt. Chàng trai thủ khoa còn nhắn nhủ đến các bạn trẻ: “Mình nghĩ, để có được đam mê với sân chơi kỹ năng này là một điều khó, giữ được ngọn lửa đam mê là một điều khó hơn. Ngoài ra, còn phải lan truyền đam mê này đến nhiều thanh niên khác tại địa phương cũng như trong khu vực. Do các anh chị thanh niên ngày nay không có hứng thú nhiều với sân chơi này, nên việc phát triển sâu rộng tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn. Mình hy vọng là các bạn thanh niên sẽ dần được tiếp cận nhiều hơn và có nhiều hoạt động để các bạn tham gia trải nghiệm”.
Qua 32 lần tổ chức theo khu vực trên phạm vi toàn quốc, Trại Nguyễn Chí Thanh đã công nhận hơn 3.500 huấn luyện cấp I Trung ương. Đây là đội ngũ cán bộ Hội vững lý luận, giỏi kỹ năng, luôn hun đúc ngọn lửa khát khao, cống hiến với lý tưởng vì Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh và văn minh.