Không bỏ cuộc vì còn nhiều số phận kém may mắn hơn
Hồ Thị Ái Vy, quê ở Đắk Nông, là sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm TP. HCM. Ái Vy đang sinh sống và học tập tại Mái ấm Khiếm thị Nhật Hồng - Thị Nghè cùng với quý Sơ thuộc Hội Dòng Mến Thánh Giá, TP. Thủ Đức.
Từ khi sinh ra, Ái Vy đã không được may mắn như những đứa trẻ khác. Vì là trẻ sinh non, nên từ nhỏ, đôi mắt của em không thể nhìn thấy rõ được mọi thứ xung quanh. Khi lên 5 tuổi, Ái Vy phải phẫu thuật vì mang trong mình căn bệnh sỏi mật.
Sau phẫu thuật, sức khỏe của Vy khá hơn nên cô được học tập và hòa nhập với các bạn học sinh sáng mắt tại trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Buôn Mê Thuột. Sau khi hoàn thành chương trình THCS, Vy tiếp tục học tại trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Mê Thuột. Năm lớp 10, thị lực của Ái Vy đã trở nên rất kém và đến năm lớp 11, đôi mắt Vy đã không còn nhìn thấy mọi thứ xung quanh mình.
Ái Vy đã không thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh từ năm lớp 11. (Ảnh: NVCC) |
Ái Vy chia sẻ: “Khi đôi mắt không còn nhìn thấy gì nữa, mình cảm thấy vô cùng chán nản. Lúc ấy, mình muốn bỏ cả việc học đang còn dang dở. Thế nhưng, mình biết rằng, trong cuộc sống còn rất nhiều hoàn cảnh giống mình, thậm chí là khó khăn hơn nhiều nên mình nhận thức, bản thân phải luôn cố gắng, vực dậy ý chí để phấn đấu và nỗ lực bước tiếp trên con đường mình đã đặt ra”.
Hiện tại, Ái Vy sắp bắt đầu năm thứ hai của chương trình đại học. Trải qua một năm học tập tại môi trường mới, Vy gặp phải một số khó khăn nhất định khi không thể nhìn thấy mọi thứ xung quanh. Chẳng hạn như việc muốn tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, giáo trình, sách vở phục vụ việc học tập thì đối với Vy, để tự đọc được nó là điều không thể.
“Mặc dù mình được tiếp xúc với máy tính xách tay và điện thoại thông minh, các thiết bị này đã được cài đặt thêm chế độ trình đọc màn hình để hỗ trợ cho người khiếm thị, nhưng không phải tài liệu nào cũng có sẵn trên laptop, hay là trên các trang web… Lúc này, mình phải scan tất cả các tài liệu đó lên các thiết bị thông minh để đọc. Nhưng trình đọc màn hình thì cũng chỉ hỗ trợ được một phần nào thôi, còn có một số file định dạng pdf, hay file hình ảnh, các dạng công thức, phương trình… thì mình sẽ không thể tiếp cận được”.
Vượt lên những khó khăn để theo đuổi giấc mơ
Như bao người khiếm thị khác, Ái Vy không thể tự di chuyển đến những nơi mình muốn hay cần mua đồ dùng nào thì phải nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh. Ái Vy tâm sự: “Đại học là giấc mơ và là một môi trường rất thú vị, khi chứa đựng nhiều điều mới lạ nhưng là một người khiếm thị như mình thì việc kết bạn và giao lưu sẽ bị hạn chế hơn nhiều”.
Ái Vy vinh dự nhận được học bổng “Nâng bước thủ khoa” năm 2022 của báo Tiền Phong. |
Bằng câu chuyện nghị lực và truyền cảm hứng của mình, Ái Vy đã chinh phục được học bổng “Nâng bước Thủ khoa” của báo Tiền Phong năm 2022. Ngoài ra, Vy còn nhận được học bổng “Thắp sáng ước mơ” tại trường ĐH Sư phạm TP. HCM và học bổng “Hướng Dương” của Thư viện Sách nói Hướng Dương dành cho người khiếm thị.
Với nỗ lực và quyết tâm theo đuổi ước mơ, Ái Vy mong ước sau này có thể trở thành một giáo viên. “Mình hi vọng, sau này có thể được giúp đỡ và hỗ trợ các em nhỏ khiếm thị khác để các em cũng được đến trường, được học tập và được hòa nhập với cộng đồng mà không hề cảm thấy tự ti, mặc cảm với xã hội”, Ái Vy tâm sự.