Một nhóm các nhà nghiên cứu của ĐH Johns Hopkins và Y khoa đã xây dựng một hệ thống robot sẽ cung cấp cho nhân viên y tế khả năng vận hành từ xa máy thở từ các phòng chăm sóc đặc biệt bên ngoài của những bệnh nhân mắc COVID-19.
Đại dịch đã làm phát sinh nhu cầu về một lượng lớn thiết bị phục vụ điều trị các bệnh nhân thuộc diện chăm sóc đặc biệt: máy thở, máy bơm truyền dịch và các thiết bị khác. Điều trị nhóm bệnh nhân này yêu cầu nhân viên bệnh viện phải mặc và trang bị đồ bảo hộ mỗi khi ra vào phòng, ngay cả khi có những điều chỉnh nhỏ đối với máy móc. Quá trình này làm lãng phí thời gian và nhân sự vì quy trình yêu cầu thêm một người để hỗ trợ thay áo choàng, găng tay, khẩu trang và các thiết bị khác.
Jonathan Cope, một nhà trị liệu hô hấp của Bệnh viện ĐH Johns Hopkins cho biết, ngay cả việc đeo và tháo thiết bị cùng làm tốn thêm 6 phút/lần. Làm điều đó 10 lần trong một ca sẽ tốn một giờ quý báu lẽ ra dành để chăm sóc bệnh nhân.
"Khi cuộc khủng hoảng bắt đầu trở nên nghiêm trọng, chúng tôi bắt đầu nghĩ về những gì chúng tôi có thể làm gì đó để giúp đỡ", GS robot Russell Taylor, người chuyên về y học can thiệp tích hợp máy tính và điều phối dự án cho biết. Nhu cầu cấp thiết chính là chăm sóc bệnh nhân thở máy tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt.
Các nhà nghiên cứu của trường Kỹ thuật Whiting của ĐH Johns Hopkins và bác sĩ tại bệnh viện của trường đã cùng nhau nghiên cứu để đưa ra phương án giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất trong đại dịch này là lây lan do tiếp xúc gần.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng một máy tính bảng màn hình cảm ứng trong một căn phòng riêng biệt để thay đổi tỷ lệ phần trăm và thể tích oxy được cung cấp từ một máy thở. Thiết bị robot được dán vào màn hình của máy thở bằng một thanh ngang. Thanh này đóng vai trò như một đường dẫn tĩnh cho chuyển động qua lại của hai thanh dọc mỏng giúp mở rộng toàn bộ chiều cao của màn hình.
Khi các thanh dọc quét qua màn hình, bút stylus mang theo sẽ di chuyển lên và xuống theo các lệnh, tương tự như cách công cụ vẽ của Etch A Sketch được điều khiển qua trục X-Y. Một máy ảnh được kết nối với thanh trên cùng sẽ gửi hình ảnh của màn hình đến máy tính bảng của người vận hành. Hệ thống điều khiển từ xa này sẽ là một hệ số nhân lực cho các bác sĩ tuyến đầu có thể tiết kiệm thời gian để chăm sóc nhiều hơn.
Hệ thống này được phát triển từ tháng 3/2020 và bắt đầu thử nghiệm đã chứng minh cách nó có thể được triển khai để giúp các bệnh viện bảo quản đồ bảo hộ, hạn chế nhân viên tiếp xúc với COVID-19 và cung cấp thêm thời gian cho công việc lâm sàng. Ngoài trường ĐH Johns Hopkins, dự án còn được sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học máy tính, cơ khí, hô hấp và rất nhiều giảng viên, sinh viên của trường ĐH Maryland.