“Khi hơi thở hóa thinh không“

SVVN - Bài bình sách "Khi hơi thở hóa thinh không" (When breath becomes air) của nhà văn Paul Kalanithi tham dự cuộc thi BookDome Competition do trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội - USTH (Đại học Việt-Pháp) tổ chức.
“Khi hơi thở hóa thinh không“ ảnh 1

Đối với mỗi sự vật, sự việc, sự kiện hay một câu chuyện, chắc chắn mỗi người sẽ có một suy nghĩ hay cảm nhận riêng. Với cá nhân mình thì đây là một câu chuyện đã chạm đến cảm xúc và may mắn là mình đã tìm được nó. 

“Khi hơi thở hóa thinh không” thu hút mình ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi bìa sách được thiết kế khá đặc biệt, tạo cảm giác vừa đối lập nhưng lại rất gắn kết. Với cùng một tông màu xanh, một bố cục nhưng lại mang hai thông điệp: giữa một bên là hình ảnh chiếc áo xanh của các bác sĩ phẫu thuật và phía bên kia cũng màu xanh ấy nhưng lại là tấm áo của một bệnh nhân. Bìa sách như một lời nhắn nhủ về sự sống và cái chết tưởng đối lập mà thực ra lại gắn kết như một thể, bởi lẽ dường như người ta sẽ chỉ thực sự sống khi hiểu về cái chết. Sự đối lập mà gắn kết này cũng luôn hiện hữu trong toàn bộ tác phẩm của Paul về sau và ngay chính trong con người tác giả. 

Paul sinh ra trong một gia đình hiếu học và có nhiều kỳ vọng to lớn. Tiếp xúc với văn học từ nhỏ và có một tình yêu sâu sắc với vẻ đẹp của ngôn từ mà theo lý giải của Paul thì đó cũng chính là vẻ đẹp của cuộc sống, Paul đã trở thành thạc sĩ chuyên ngành Văn học Anh tại Standford như một điều hiển nhiên phải đến. Nhưng câu chuyện cuộc đời anh chưa hề dừng ở đó, với khao khát được hiểu đến tận cùng ý nghĩa của sự sống, Paul đã bước chân vào ngành y và trở thành bác sĩ phẫu thuật thần kinh, một vai trò và vị trí tưởng chừng như không thể hòa hợp với một tâm hồn bay bổng văn chương nhưng hóa ra lại rất vừa vặn với Paul. Chính bởi vì anh vẫn luôn có khao khát thấu hiểu được trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời và do vậy nghề y chính là con đường để anh có thể chứng kiến và kiểm chứng rõ ràng nhất những suy nghĩ, tâm tư và trăn trở của mình về lẽ sống. Có lẽ cũng vì vậy mà những dòng ghi chép của anh về khoảng thời gian làm bác sĩ nội trú là trường đoạn sống động nhất của tác phẩm. Với tài năng văn chương của mình, Paul đã khéo léo dẫn lối cho người đọc đi từ những bỡ ngỡ và lo sợ về trách nhiệm lớn lao của nghề y trong những ngày đầu làm bác sĩ nội trú cho tới những hình ảnh trực quan sinh động mà căng thẳng của những giây phút giằng co giữa bác sĩ và tử thần đằng sau cánh cửa phòng mổ, rồi lại đến những cảm xúc chai lì của một bác sĩ đã có tuổi nghề trước những hoàn cảnh và nỗi thống khổ của bệnh nhân và gia đình họ. Ngôn từ mà Paul sử dụng luôn rất giàu hình ảnh nên ngay cả những trường đoạn u tối cũng trở nên rất sắc nét: "Đôi khi trong bệnh viện, tôi cảm thấy như mắc kẹt trong một mùa hè chốn rừng hoang vô tận, người sũng mồ hôi, những cơn mưa nước mắt của các gia đình có người thân bỏ mạng đang ào ào rơi xuống."  Qua lời kể của anh, nghề y cũng được khắc họa rất chân thực, sống động và rất đời: “Là một bác sĩ, lý tưởng cao nhất của tôi không phải là cứu lấy mạng sống – ai rồi cũng sẽ chết – mà là dẫn dắt để người thân có được sự thấu hiểu về cái chết và bệnh tật…Khi không có chỗ cho con dao mổ thì lời nói chính là công cụ duy nhất của bác sĩ phẫu thuật.”‎ Và cũng qua những lời tự sự ấy, ta bỗng nhận ra rằng bác sĩ không chỉ là những thiên thần áo trắng với nhiệm vụ lớn lao và duy nhất là cứu người mà khi đứng trước sinh mạng của một bệnh nhân bản thân họ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn: đó là cứu như thế nào và cứu cái gì? Và đôi khi cũng thật là đau xót khi nhận ra rằng cái chết có khi mới là lựa chọn đúng cho người mà mình đang cố cứu. Khắc nghiệt là thế nhưng cũng không thiếu những cảm xúc ấm áp và xúc động được Paul truyền tải khi tự sự về cái nghiệp mà mình lựa chọn. Mặc dù chính anh cũng phải thừa nhận là có điên rồ mới lựa chọn con đường nhọc nhằn đến vậy làm kế mưu sinh nhưng anh vẫn không ngừng theo đuổi nó vì đó chính là sứ mệnh cuộc đời anh. 

Nếu như phần đầu tập trung khắc họa Paul với vai trò của một bác sĩ, dùng trí tuệ và sự khéo léo của mình để giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ tay tử thần và dùng sự thấu cảm sâu sắc để giúp xoa dịu người bệnh cùng gia đình họ trong những giây phút khó khăn, thì ở phần 2 vai trò của anh đã đột ngột thay đổi. Mang trong mình căn bệnh ung thư phổi hiếm ở độ tuổi 36, Paul cũng đã phải thốt lên một cách phũ phàng: "Tại sao tôi vốn uy quyền trong bộ y phục bác sĩ phòng mổ nhưng lại vô cùng rụt rè khi mặc áo bệnh nhân?". Paul khi đó đã không còn ở vai trò của một bác sĩ. Anh cũng phải đối mặt với cái chết bằng sự trần trụi và yếu ớt của một con người và cũng phải dần chấp nhận sự thật là trước cái chết, mọi người đều như nhau. Trí tuệ, địa vị cũng như sự nghiệp cũng sẽ không còn là lợi thế. Paul đã lựa chọn thành thật với người đọc và cũng là với chính mình. Anh thừa nhận mình đã lo sợ, đã tức giận, đã tuyệt vọng, cũng phải trải qua đầy đủ những giai đoạn phát triển tâm lý như một bệnh nhân ung thư thông thường. Và cuối cùng, anh chọn đối diện với sự thực, chấp nhận và coi nó là một cơ hội để vứt bỏ mọi phù phiếm, đi sâu vào nội tâm mình và sống trọn vẹn khi còn có thể. Và cũng nhờ đó, anh đã viết cuốn sách này, như một món nợ phải trả trong đời.

Trường đoạn mang đến nhiều cảm xúc nhất cho mình có lẽ là những đoạn cuối cùng không được chắp bút bởi Paul mà là từ vợ của anh, Lucy. Lucy khiến mình tự hỏi khi một mối quan hệ sâu sắc bị chia rẽ bởi cái chết thì người ra đi và người ở lại, ai thực sự sẽ là người đau buồn hơn? Cũng như Paul, Lucy cũng là một người kiên cường và dũng cảm. Cô không chỉ cùng người bạn đời của mình trải qua những thăng trầm của hôn nhân giống như nhiều cặp đôi khác, họ còn cùng nhau đối mặt với tử thần và cùng nhau tạo nên một sự sống mới từ cái chết. 

Bệnh tật vốn luôn là một thứ đáng sợ, nó vừa là thứ có thể làm tan vỡ 1 gia đình nhưng cũng là thứ có thể khiến gia đình bạn trở nên mạnh mẽ và gắn kết hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là 1 thông điệp mà mình rất yêu thích của câu chuyện này.  Với mình, 'Khi hơi thở hoá thinh không' là một cuốn sách rất đáng đọc.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bài ca về sức mạnh nội tại của con người trong Thế chiến thứ Hai

Bài ca về sức mạnh nội tại của con người trong Thế chiến thứ Hai

SVVN - Lấy bối cảnh chiến tranh Thế giới thứ Hai, hình ảnh con người vươn lên tìm niềm vui sống được khắc họa qua một số tác phẩm. Một số tác phẩm văn học châu Âu nổi bật trong năm vừa qua có thể kể đến Hiệu sách cuối cùng ở London, Một thư viện ở Paris và Kí họa Venice , vừa được Tân Việt Books mua bản quyền và xuất bản tại Việt Nam.
'Thế giới đương đại' giúp bạn 'đọc' được thế giới đầy biến động

'Thế giới đương đại' giúp bạn 'đọc' được thế giới đầy biến động

SVVN - Những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến tình hình kinh tế - chính trị thế giới biến động không ngừng, sự xuất hiện của đại dịch, rồi xung đột Nga-Ucraine hiện nay, càng khiến chúng ta cảm nhận rõ nét hơn sức ảnh hưởng sâu rộng của cục diện thế giới đối với mỗi quốc gia, cũng như mỗi cá nhân. 
Bên bờ nước - Thơ hóa Thủy Hử?

Bên bờ nước - Thơ hóa Thủy Hử?

SVVN - Sau khi phát hành cuốn thơ sử Việt Nam Lịch sử thú vị hơn em tưởng, tác giả Đỗ Cao Sang vừa tiếp tục cho ra mắt cuốn Bên bờ nước, tập hợp nhiều bài thơ được anh sáng tác trong vòng 6 năm trở lại đây. Bên bờ nước được xuất bản bởi Nhà Xuất bản Hội nhà văn Việt Nam.