Đạt thành tích từ kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Địa Lý, cô gái Mai Thị Lệ Huyền (sinh năm 1998) đã được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học khác nhau trong cả nước. Tuy từng suy nghĩ đến việc chọn lựa học ngành Luật hoặc Du lịch, nhưng nhận thấy bản thân có những tính cách phù hợp, đặc biệt lại được truyền cảm hứng của các thầy/cô giáo đi trước, nữ sinh ấy đã quyết định gắn bó 4 năm với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ duyên đến với nghề giáo của cô giáo trẻ cũng bắt đầu từ đây.
Sau khi tốt nghiệp đại học, theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”, cô Huyền được phân về làm giáo viên môn Địa lý Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm – ngôi trường cấp 3 Huyền từng theo học.
Cô Mai Thị Lệ Huyền – giáo viên môn Địa lý Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC |
Ý thức về việc ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy
Quãng thời gian đầu khi mới vào nghề của cô giáo Huyền cũng là giai đoạn dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, cả giáo viên và học sinh phải tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức dạy – học trực tuyến. Điều đó khiến cho cô Mai Thị Lệ Huyền cũng gặp phải tương đối áp lực.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Huyền nói: “Tuy có một số những áp lực, nhưng may mắn khi trở lại ngôi Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ rất lớn từ phía các đồng nghiệp – là những thầy/cô giáo đã từng dạy dỗ mình. Hơn nữa, học sinh trong trường đều là những học sinh ngoan, có ý thức. Vì thế, những áp lực cũng vơi đi nhiều”.
Là một giáo viên trẻ, cách thức, phương pháp giảng dạy của cô Huyền cũng “trẻ” theo thời đại. Bên cạnh kiến thức chuyên môn, cô Mai Thị Lệ Huyền cũng bắt kịp xu thế, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng của mình.
Các tiết học Địa lý của cô Mai Thị Lệ Huyền luôn phong phú, tạo sự hấp dẫn cho học sinh. Ảnh: NVCC |
Cô giáo ấy đã nghiên cứu, mày mò chuẩn bị các bài giảng thông qua nhiều hình thức khác nhau như powerpoint, xem phim, xem video, hình ảnh động, tạo các mã QR,… cho học sinh tìm hiểu thêm nhiều kiến thức môn Địa lý. Bên cạnh đó, để tránh sự nhàm chán, tạo tâm lý thoải mái cho học sinh, cô Huyền cũng thiết kế nhiều trò chơi thông qua các ứng dụng trò chơi như Kahoot, Quizz, “Ai là triệu phú”, “Rung chuông vàng”,…
Theo học môn địa lý của cô Huyền từ những năm lớp 10, em Trần Thị Quế (học sinh lớp 12 chuyên Sinh, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ cảm nhận: “Em nhớ có lần, thay vì giảng bài theo hướng truyền thống, cô Huyền cất công sưu tầm và cho chúng em xem các video trực quan liên quan đến bài giảng. Chỉ với những chiếc video dài khoảng 5 phút, mà cả lớp đã “ồ” hết lần này đến lần khác, khiến bạn nào cũng hứng thú trao đổi về môn học. Các tiết học của cô vô cùng sinh động, khiến cho một học sinh học thiên về khối khoa học tự nhiên như em cũng cảm thấy rất hứng thú, dễ hiểu”.
Đặc biệt, áp dụng phương pháp dạy học dự án, mỗi kỳ học, cô Huyền luôn đặt ra các chủ đề, phân nhóm học tập nhằm thúc đẩy học sinh thảo luận, tự nghiên cứu về môn học. Trong quá trình này, vai trò của cô là người đồng hành, hỗ trợ và định hướng cho học sinh, giúp các em vừa tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích về môn học, vừa tạo ra những sản phẩm cuối kỳ thú vị như các sơ đồ tư duy, poster triển lãm, tác phẩm báo chí, video...
Khác với phương pháp giáo dục theo kiểu truyền thống, cô Huyền cũng luôn khuyến khích học sinh của mình ứng dụng công nghệ thông tin trong việc học tập.
Nói về tầm quan trọng của vấn đề này, cô Mai Thị Lệ Huyền cho hay: “Trong thời đại công nghệ 4.0, khi các ngành nghề đều ứng dụng công nghệ thông tin, thì giáo dục cũng không ngoại lệ; giáo viên cũng phải ứng dụng công nghệ 4.0 và học sinh cũng thế. Việc sử dụng công nghệ thông tin sao cho phù hợp với từng nội dung, đối tượng trong giảng dạy thực sự đã trở thành một nhân tố thúc đẩy sự phát triển của ngành giáo dục hiện nay.
Hơn nữa, việc cho học sinh sớm tiếp cận với công nghệ số ở thời điểm hiện tại sẽ giúp các em có được các kỹ năng bổ ích, thích ứng tốt hơn ở những môi trường mới trong tương lai”.
Nhờ sự nghiêm túc trau dồi chuyên môn, cô giáo Mai Thị Lệ Huyền đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường.
Trong thời gian giảng dạy, cô Huyền còn tham gia cuộc thi Thiết kế bài giảng E-learning cấp tỉnh và đạt giải Ba chung cuộc.
Dưới sự hướng dẫn, giảng dạy của cô Huyền, Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có 2 học sinh trường đạt danh hiệu "Học sinh 3 tốt" cấp tỉnh và 1 học sinh đoạt giải Ba cấp quốc gia môn Địa.
Cống hiến sức trẻ cho các hoạt động thanh niên
Không chỉ giỏi về chuyên môn, cô Đảng viên trẻ này còn để lại nhiều dấu ấn trong sự phát triển của phong trào thanh niên tại cơ sở. Được sự tín nhiệm của ban giám hiệu nhà trường, tháng 10/2022, cô Mai Thị Lệ Huyền chính thức giữ trọng trách là Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Không chỉ giỏi chuyên môn, Mai Thị Lệ Huyền còn là thủ lĩnh phong trào thanh niên của Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: NVCC |
Năm học vừa qua, cô Bí thư Đoàn ấy đã tổ chức thành công nhiều hoạt động chất lượng, thu hút sự tham gia và phản hồi tích cực của nhiều Đoàn viên, thanh niên trong và ngoài nhà trường. Một số chương trình mà cô Huyền từng tổ chức có thể kể đến như: Xuân tình nguyện, giao lưu với các trường trung học phổ thông khác ở trong và ngoài tỉnh, Tri ân cuối năm…
Trong tháng 8/2023, tham gia Trại thủ lĩnh thanh niên tỉnh Quảng Nam, cô Lệ Huyền đã giành được giải Nhất hội thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi tỉnh Quảng Nam năm 2023.
Đồng thời, cô cũng xuất sắc lọt vào top 72 thí sinh toàn quốc tham gia hội thi Bí thư Đoàn cơ sở giỏi toàn quốc lần thứ I, do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động.
Áp lực, khó khăn trong việc sắp xếp thời gian khi vừa làm công tác giảng dạy chuyên môn vừa tham gia công tác Đoàn Thanh niên đôi khi cũng khiến Lệ Huyền chùn bước. Nhưng bằng tình yêu với nghề, cô giáo Mai Thị Lệ Huyền vẫn cố gắng từng ngày, đem kiến thức và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ để cống hiến, truyền lửa cho các thế hệ mai sau.
Với cô Huyền: “Nghề giáo là một nghề cao quý. Mỗi ngày đến trường, có nhiều trải nghiệm mới với học sinh khiến mình thấy vui, thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa. Và tôi nghĩ mình đã lựa chọn đúng nghề”.