Tại khuôn khổ Paris Fashion Week năm nay, trường Institut Français de la Mode (IFM) đã mang đến một bộ sưu tập (BST) lớn để mở màn sự kiện. Đây là một BST lớn tổng hợp từ những bộ BST nhỏ của sinh viên đang theo tại trường. Trong số đó, có BST đến từ sinh viên người Việt tên Dương Bảo Long. Sau khi vượt qua cuộc thi của trường, anh được trao cơ hội trình diễn BST của mình tại Paris Fashion Week năm nay.
Dương Bảo Long sinh năm 1999, tại CH Séc, là sinh viên mới ra trường IFM - một trong những trường danh tiếng nhất của ngành thời trang. Trong các sáng tạo của mình, gen Z này luôn mang đến những hình ảnh, văn hóa đất nước để giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Cùng chúng tôi trò chuyện với nhà thiết kế tài năng Dương Bảo Long để thấy được quá trình học tập và sáng tạo đầy thử thách của anh!
Vừa qua, bạn được chú ý khi có các thiết kế trình diễn mở màn Paris Fashion Week năm nay, để có thể xuất hiện tại đây thì bạn vượt qua những bài test nào ở trường?
Để được suất hiện tại Paris Fashion Week SS24, các bạn sinh viên phải vượt qua một số thử thách ở trường. Khóa học bao gồm 3 năm và khi bắt đầu học thì IFM chỉ nhận đúng 100 bạn, chia thành 4 lớp. Nhưng năm thứ 2 thì chỉ còn khoảng 70 bạn, và để được đi tiếp đến năm thứ 3 thì cuối năm thứ 2, bọn mình bắt buộc phải hoàn thành ít nhất 2 tháng thực tập tại một design studio, brand hoặc tạp chí có uy tín. Năm thứ 3 thật là một thử thách ‘khủng’.
Bước vào thì “luật chơi” rõ với tất cả mọi người, chỉ khoảng 30 thí sinh sẽ được chọn trình diễn tại đây mà thôi. Chúng mình có 9 tháng để hoàn thành BST tốt nghiệp và BST đấy phải trải qua ít nhất 4 lần kiểm tra và đánh giá của hội đồng trường và những chuyên gia trong lĩnh vực thời trang để được trình ở show tốt nghiệp (La Parade) trong khuôn khổ của trường, từ đó sẽ chọn ra khoảng 30 bạn có được cơ hội trình diễn tại show.
Với 7 thiết kế trong BST này, niềm cảm hứng sáng tạo của bạn đến từ đâu?
Với bộ sưu tập Sauce Piquante của mình thì niềm cảm hứng sáng tạo đến từ Việt Nam nói chung, xã hội và những sự tương phản trong cuộc sống hằng ngày ở Việt Nam. Tuy sinh ra và lớn lên bên CH Séc nhưng gia đình Long vẫn luôn giữ được truyền thống của quê hương. Long đã có một vinh hạnh rất lớn khi được đi dự trại Hè Việt Nam, một chuyến đi từ Bắc vào Nam. Do đó, Long cũng hiểu được một phần lớn hơn về Tổ quốc. Như look 6 là một sự tổng hợp của thành thị và các dân tộc ở Tây Nguyên.
Xuất hiện tại Paris Fashion Week là một cơ hội lớn nhưng cũng là thử thách khi đòi hỏi nhà thiết kế trẻ như bạn phải nỗ lực hơn. Bạn có áp lực ra sao sau lần xuất hiện này?
Ngoài áp lực cùng trang lứa với các bạn học ra, áp lực lớn nhất đối với Long là sợ rằng không thể lột tả được hết ý tưởng của mình và phải nhiều lần giải thích với các thầy cô, bởi vì luôn phải cân bằng giữa văn hóa châu Á trong cái nhìn của châu Âu. Ví dụ, Long có làm một cái áo đi nắng nhưng các 'look' còn lại rất sexy cho nên phải thay đổi nó đến nỗi không còn nhận được là 'inspo' từ áo đi nắng nữa.
Vậy bạn thường chọn những chất liệu, hình ảnh nào của quê hương để đưa vào thời trang?
Long rất thích dùng gấm, vì đó là một loại vải đặc trưng của Việt Nam, cũng như mây tre đan (nón và chiếu trong BST). Long nghĩ, Việt Nam có một lịch sử và văn hóa rất phong phú. Và các hình ảnh như cuộc sống hằng ngày, sự nhộn nhịp của thành phố cũng như sự yên bình của miền núi ở Việt Nam luôn có một cái gì đó rất đặc biệt.
Mỗi nhà thiết kế luôn phải có dấu ấn riêng, nét đặc trưng nhận diện. Với Long thì đó là gì?
Một nét đặc trưng hay là dấu ấn là thử thách cả đời một nhà thiết kế đó. Với Long của hiện tại thì nét đặc trưng là góc nhìn của bản thân đặt giữa châu Á và châu Âu. Một người yêu thương quê hương và luôn thiên về giá trị truyền thống Việt Nam sẽ luôn muốn mang những vẻ đẹp của Việt Nam đến thị trường quốc tế.
Theo học về thời trang tại Paris, hẳn sẽ đòi hỏi tài chính phải dồi dào. Theo quan điểm của Long, người trẻ theo đuổi thời trang có cần phải có nhiều tiền để bay bổng với ngành này?
Ngành thời trang là một ngành rất đặc biệt vì nó không chỉ cần tiền mà còn cần cả chất xám, sự sáng tạo và quen biết người đi trước trong ngành. Một lý do Long chọn IFM bởi vì IFM foundation có những học bổng hỗ trợ các bạn sinh viên tài năng có niềm đam mê với thời trang tiến gần hơn với ước mơ của mình.
Là một ngành đòi hỏi sự vận động liên tục, vậy Long làm cách nào để bản thân luôn có sự mới mẻ trong sáng tạo mà không lặp lại chính mình?
Thời trang luôn cần những sự sáng tạo và mới mẻ, và thị trường lúc nào cũng sẽ đòi hỏi nhiều hơn mỗi ngày, chính vì thế lúc nào Long cũng trải nghiệm nhiều hơn và luôn thử sức với những điều khác biệt hoặc những điều bản thân chưa từng biết đến. Nó như là một nỗi sợ, và khi vượt qua được những điều mà bản thân nghĩ là không thể chính là lúc Long có những ý tưởng mới mẻ. Và ở thời điểm hiện tại hay tương lai thì Long luôn muốn rành cho khách hàng của mình những sự trải nghiệm thời trang đặc biệt nhất.
Liệu để phát triển trong ngành này có đòi hỏi một nhà thiết kế trẻ phải có các mối quan hệ tốt?
Trong bất kỳ ngành nào, các mối quan hệ luôn quan trọng. Long có biết một câu rất hay,đó là: “Muốn đi nhanh, thì đi một mình. Và muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”. Long biết như thế tại vì tại điểm xuất phát, Long không có một quan hệ nào cả. Nhưng với nỗ lực bản thân và sự ủng hộ của gia đình thì Long đã tạo ra được một ‘vòng tròn’ mà sẽ chắc chắn cùng hành trình với Long trong tương lai.
Được giới mộ điệu thời trang chú ý hơn sau màn xuất hiện vừa rồi, bạn có dự tính phát triển hơn ở trong nước, đặc biệt là thiết kế trang phục cho các nghệ sĩ Việt?
Long là một người rất thích sự chắc chắn trong công việc và tương lai. Và Long cũng thừa nhận, bản thân chưa đủ khả năng và kinh nghiệm để phát triển hơn tại thời điểm này. Long còn rất nhiều thứ để học và trải nghiệm mới có thể vững bước tiến vào những dự án hay một thương hiệu đúng ý của mình. Thương hiệu hiện tại của Long đã đưa mình đi xa nhưng đó cũng chỉ là một thử thách Long tự đưa ra để học hỏi thêm về công nghiệp. Tuy mục đích của Long bây giờ là đi làm trong công ty thời trang lớn tại Paris nhưng Long vẫn sẽ phát triển những dự án nho nhỏ cho thương hiệu của Long. Mong là vẫn nhận được sự đồng hành của mọi người trong những dự án tiếp theo.
Nếu được làm việc cùng một celeb Việt thì bạn muốn hợp tác cùng ai, vì sao?
Long cũng đã được làm việc cùng một số celeb Việt khi đi thực tập cùng anh Dzung Yoko. Khác là lúc đó, vị trí của Long là một trợ lý thôi. Long rất muốn được làm việc cùng những celeb có màu sắc cá tính riêng biệt như chị Hồ Ngọc Hà, chị Tóc Tiên, anh Sơn Tùng MTP, anh Wean Le, Wren Evans hoặc Thanh Tín Chanyo.
Sau khi trình diễn tại Paris Fashion Week, bạn có những cơ hội mới như thế nào trong công việc?
Sau khi trình diễn tại Paris Fashion Week, nhiều stylist, art director và tạp chí liên lạc với Long để cùng làm việc. Và Long được nhiều thương hiệu uy tín liên hệ để mời đến team làm việc. Đó là những vinh dự của bản thân Long cũng như niềm tự hào cho gia đình. Long rất cảm ơn. Sắp tới, mình sẽ về Việt Nam để thiết kế và sản xuất thêm một số mẫu có hạn cho thương hiệu của Long. Năm nay, Long sẽ bước tới một cơ hội mới để mở rộng tầm mắt và tiếp tục đưa Dương Bảo Long cũng như thời trang Việt Nam tới gần hơn với bạn bè quốc tế.