Theo chân nhóm sinh viên lớp Văn học ứng dụng MMC305 (trường ĐH Văn Hiến) sản xuất phim ngắn cuối kỳ, mới thấy hết được sự lăn xả, quyết tâm của các bạn trẻ trên con đường theo đuổi nghề nghiệp của mình.
Nhóm thực hiện bộ phim ngắn với tên gọi HẠ. Phim nói về Dũng - một thiếu niên đang đi tìm con đường riêng của mình. Lớn lên trong gia đình truyền thống, bảo thủ, nghiêm khắc, hay phủ nhận con cái nên Dũng đã trở thành người vô cùng khép kín, không có bạn. Cậu sống trong những giấc mơ và đắm chìm trong đó. Trong mơ, cậu được là chính mình, là một người con gái (HẠ). Mãi trốn chạy trong những giấc mơ dẫn đến bỏ bê thực tại, đến mức cậu sinh ra ảo giác rằng, Hạ bước ra từ trong giấc mơ và ở bên làm bạn với cậu. Cậu muốn thay đổi khi được bạn bè giúp đỡ. Nhờ vào nỗ lực và sự dũng cảm của Dũng, đồng thời là sự công nhận cùng động viên của bạn bè, Dũng đối diện với nỗi niềm sâu kín nhất của mình và hiểu được mình là ai, mình muốn gì, mình muốn trở thành người như thế nào, theo cách tích cực hơn trước.
Nhóm sinh viên lớp Văn học ứng dụng MMC305 (trường ĐH Văn Hiến) miệt mài thực hành sản xuất phim ngắn cuối kỳ. |
“Để khắc họa thành công nhân tính cách vật trong phim, tụi mình đã phải bỏ thời gian rong ruổi khắp nơi từ sáng đến chiều để tìm bối cảnh, đạo cụ phù hợp với ý đồ kịch bản”, Lê Tấn Ngà (lớp Văn học ứng dụng MMC305 - trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ.
Để sản phẩm được chỉn chu, mỗi cảnh quay đều được các sinh viên trao đổi rất kỹ trước khi bấm máy. |
Để đáp ứng nhu cầu truyền tải thông điệp cho các bạn trẻ, ngoài những vai diễn sinh viên có thể tham gia hóa thân có những vai diễn lớn tuổi buộc sinh viên phải mời những diễn viên gạo cội có tuổi tác phù hợp với vai diễn về tham gia đóng phim.
Sinh viên tìm cách hóa trang thành vai người trung niên trước khi bấm máy. |
Là người tham gia hỗ trợ cho nhóm sinh viên, diễn viên Trần Thị Thanh Hiền cho biết: "Khi nhận lời mời tham gia diễn xuất trong dự án của các bạn sinh viên tôi cảm thấy rất vui. Mặc dù các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng cách các bạn làm việc giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất khiến cho tôi rất cảm phục".
Diễn viên Trần Thị Thanh Hiền tham gia diễn xuất trong dự án phim ngắn của sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện (trường ĐH Văn Hiến). |
Ngoài ra, để có thể quay được những cảnh diễn ưng ý có trong kịch bản, nhóm sinh viên đã phải chi tiền thuê thiết bị, tự thiết kế poster và kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp... Tất cả đều hoạt động với tinh thần hợp tác và sáng tạo không ngừng.
“Có một chi tiết mà cho đến giờ, mình và các bạn trong lớp chẳng bao giờ quên, đó là khi quay bối cảnh nhà ở TP. Thủ Đức (TP. HCM), vì thiết bị quay phải đi thuê nên lớp phải tranh thủ quay nhanh để kịp giờ trả thiết bị. Việc trả thiết bị gấp gáp nên có những cảnh phim quay rất tệ, thậm chí chất lượng vẫn không ổn nên cả lớp phải xin chủ nhà thêm thời gian để quay lại, khiến cho nhiều bạn kiệt sức”, Nguyễn Hoàng Văn (lớp Văn học ứng dụng MMC305, trường ĐH Văn Hiến) chia sẻ.
Hiện tại, dù chỉ mới tung trailer và các ấn phẩm poster truyền thông trên nền tảng mạng xã hội, thế nhưng phim ngắn HẠ của nhóm sinh viên lớp Văn học ứng dụng MMC305 (trường ĐH Văn Hiến) đã để lại ấn tượng và thu hút nhiều người xem, đặc biệt là các bạn trẻ.
Để phục vụ cho việc công chiếu, sinh viên tự thiết kế poster cho bộ phim. |
“Mặc dù chưa biết rõ nội dung của phim, nhưng qua trailer mà các bạn đăng tải, mình cảm thấy bộ phim này có câu chuyện mang rất nhiều ý nghĩa hay, truyền động lực sống cho rất nhiều bạn trẻ”, Võ Vũ Châu Giang (Q. Bình Thạnh) chia sẻ.
Là người luôn hỗ trợ cho các nhóm làm phim sinh viên, TS Huỳnh Thị Mai Trinh (Giảng viên khoa Xã hội - Truyền thông, trường ĐH Văn Hiến) bày tỏ: "Để một bộ phim ngắn ra đời là công sức của cả tập thể sinh viên. Tuy nhiên, những áp lực sẽ được đền đáp khi khâu dựng phim hoàn thành. Bên cạnh đó, nhóm sinh viên còn tổ chức sự kiện cho buổi ra mắt bộ phim nhằm nghe góp ý và điều chỉnh từ giảng viên và chuyên gia. Quá trình này là một bài học kinh nghiệm thực tế, giúp sinh viên định hình công việc trong tương lai của một người làm truyền thông".
PGS. TS Trần Luân Kim (nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban Lý luận phê bình, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. HCM) cho biết, việc làm phim báo cáo cuối kỳ không chỉ là phương án hay để giúp sinh viên truyền tải thông điệp một cách hiệu quả bằng kịch bản do chính mình viết, mà còn đang góp phần xây dựng cầu nối văn hóa, thúc đẩy thay đổi xã hội và tạo ra sự tương tác trong cộng đồng. "Mỗi tác phẩm phim ngắn của sinh viên dù chất lượng chưa cao nhưng hầu hết đều mang những giá trị ý nghĩa", PGS. TS Trần Luân Kim nói.
Ngoài hình thức thi tập trung hoặc viết tiểu luận để nộp cho giảng viên, sinh viên lớp Văn học ứng dụng của ngành Truyền thông đa phương tiện (trường ĐH Văn Hiến) còn được giảng viên cho thực hiện phim ngắn để báo cáo kết thúc môn học. Theo đó, các sinh viên sẽ được làm việc theo nhóm, mỗi nhóm sẽ bao gồm 5 - 10 thành viên, phân chia đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau, như viết kịch bản, quay, dựng phim, làm truyền thông, hậu cần và điều phối nhân sự... để hoàn thành một bộ phim hoàn chỉnh có độ dài 10 - 25 phút.