Phạm Ngọc Ánh (22 tuổi, cô sinh viên năm cuối, chuyên ngành Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đã đạt điểm tổng kết 3,98/4. |
Bắt đầu với Sinh học từ con số 0
Tiếp cận môn Sinh học từ những năm học cấp 2, nhưng ký ức của Ngọc Ánh chỉ là các bài toán di truyền khó hiểu, không hề gẫn gũi. Thời gian đầu năm lớp 10, nữ sinh đến từ xã An Thịnh huyện Văn Yên, Yên Bái, từng là người có điểm thi thấp nhất lớp trong những bài kiểm tra môn Sinh học. Ý thức được việc học tập của mình đang có dấu hiệu đi xuống, cô thiết lập cho mình một kế hoạch học tập rõ ràng, không ngừng chăm chỉ, cố gắng rèn luyện để cải thiện điểm số cũng như kiến thức cho bản thân.
Cô nữ sinh ngành Sinh học chọn cho mình phương pháp học hiệu quả bằng cách đọc nhiều và tự đặt cho mình những câu hỏi, sau đó tự tìm câu trả lời hoặc nhờ thầy cô, bạn bè giải đáp. Việc này không những giúp cô mở rộng vốn kiến thức của mình mà còn nâng cao khả năng tư duy cũng như kỹ năng đặt câu hỏi cho bản thân trong mọi tình huống.
“Bắt đầu học tập một môn học không phải thế mạnh của mình là một điều không hề đơn giản. Thật may mắn cho mình khi được học môn Sinh học với thầy Dương Thanh Tú ngay từ khi vào lớp 10. Cách dạy của thầy đơn giản, luôn gắn lý thuyết với thực tiễn giúp học sinh dễ dàng hiểu và vận dụng. Bên cạnh đó, thầy luôn là người cổ vũ, động viên, tiếp thêm niềm tin để mỗi học sinh nhận ra được năng lực của mình và cố gắng phát huy năng lực ấy. Thầy đã thay đổi mình, để từ một học sinh gần như mất gốc Sinh được đặt chân vào đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia môn Sinh học của tỉnh Yên Bái.”
“Mình cũng muốn đem sự may mắn này đến với nhiều em học sinh đang còn đắn đo, ngờ vực về khả năng của bản thân, mình muốn cổ vũ, giúp đỡ và đồng hành cùng các em học sinh trên con đường khai phá tri thức. Chính vì vậy, mình đã quyết định chọn trường Đại học Sư phạm Hà Nội để có thể hiện thực hóa ước mơ đó.”
Phạm Ngọc Ánh trong buổi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp K68, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Năm 2018, Ngọc Ánh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào ngành Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Suốt 4 năm theo học tại trường, cô gái đến từ Yên Bái đã học tập làm việc có trách nhiệm với mục tiêu mình đã đặt ra. Với những kế hoạch rõ ràng. Trong quá trình học tập, điểm trung bình chung toàn khóa của Ngọc Ánh đạt 3.98/4. Ba năm liên tiếp tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên tại trường, cô đạt một giải nhì cấp trường, một giải nhất cấp khoa và đang chờ kết quả cuộc thi năm nay.
Viết tiếp ước mơ của mẹ bằng sự thấu hiểu và nỗ lực
Sinh ra trong gia đình thuần nông, từ nhỏ Ngọc Ánh đã ý thức được hoàn cảnh khó khăn và những vất vả mà bố mẹ phải gánh vác để được đến trường. Cô gái 22 tuổi tâm sự: “Mẹ mình thích đi học lắm, nhưng phải nghỉ học sớm vì nhà ông bà nghèo quá, mẹ vẫn kể mãi sau này khi đã sinh chúng mình, mẹ vẫn mơ được đi học. Cả bố và mẹ mình đều không được học cấp 3, bố thì học chưa hết lớp 4, mẹ thì hết lớp 9. Mẹ vẫn luôn tiếc nuối điều đó và mong chúng mình không chỉ được đi học mà còn phải học thật giỏi”.
Ngọc Ánh là một người sinh viên luôn tích cực chủ động, tiên phong trong học tập, rèn luyện. |
Với Ngọc Ánh, mẹ là người có sức ảnh hưởng và động viên cô nhiều nhất, không chỉ những vấn đề trong cuộc sống mà còn trong công việc và học tập. Ngọc Ánh nói: “Mẹ luôn nói với chúng mình là phải cố gắng học hành, để viết tiếp ước mơ dang dở của mẹ. Lúc bé chưa hiểu được nhiều, mình nhớ câu nói ấy trong vô thức, nhưng sau này nghĩ lại càng thấy thấm thía và trách nhiệm của mình là phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn”.
Khi quyết định chọn trường Sư phạm Hà Nội là nơi nuôi dưỡng ước mơ, Ngọc Ánh đã nhận được không ít lời khuyên ngăn từ họ hàng và bạn bè. Hầu hết mọi người cho rằng, học Sư phạm ra trường sẽ khó xin việc, nguy cơ thất nghiệp rất cao. Tuy nhiên, Ánh không nhụt chí mà cô càng quyết tâm hơn.
Bên cạnh những thành tích đạt được trong học tập, Ngọc Ánh còn là tấm gương vượt khó vừa học vừa làm để trang trải chi phí sinh hoạt và giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, cũng như chuẩn bị hành trang kỹ hơn cho tương lai của mình. Từ năm nhất đại học, cô đã làm gia sư, vận dụng những kiến thức và hiểu biết của mình về Sinh học để dạy cho các em học sinh có thêm hứng thú với môn học. Từ đó, giúp các em có cái nhìn khác hơn về Sinh học, biến môn học trở nên gần gũi và thân thuộc hơn với các em học sinh.
Sau những giờ học, cô chọn âm nhạc để giúp bản thân giải tỏa những căng thẳng, chính vì vậy mà Ánh đã chọn học và biết chơi cả đàn guitar lẫn piano.
Với Ngọc Ánh, để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình cần phải có tri thức, mà tri thức chỉ có thể được dung nạp và mở rộng khi chúng ta thật sự thích và đam mê nó.
“Hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình bằng sự nỗ lực và trách nhiệm. Chính niềm đam mê và sự nghiêm túc mới giúp bạn vượt qua những khoảng thời gian khó khăn, đi được lâu và xa hơn trên con đường mà bạn đã lựa chọn”, Ngọc Ánh nói.