Nữ sinh 2002 gieo mầm tri thức về giáo dục giới tính
Ban đầu, Diệu Anh chỉ nung nấu ý định xây dựng dự án tập trung vào vấn đề lạm dụng và xâm hại tình dục. Tuy nhiên, sau quá trình nghiên cứu và khảo sát, cô nàng nhận ra rằng gốc rễ của nhiều định kiến và hành vi sai trái xuất phát từ sự thiếu hụt kiến thức về giáo dục giới tính.
Nguyễn Hoàng Diệu Anh là người thành lập dự án phi lợi nhuận Program for Comprehensive Sex Education. |
"Chúng ta được học về các bộ phận sinh dục, cách thai nhi được tạo ra, hay quyền bảo vệ thân thể khi bị xâm hại theo pháp luật", Diệu Anh chia sẻ. "Nhưng kiến thức này thường rải rác, rời rạc trong các môn học khác nhau từ cấp 1 đến cấp 3. Vậy còn các yếu tố về trách nhiệm trong sức khỏe tình dục, sự đồng thuận lành mạnh, xu hướng tính dục và bản dạng giới thì sao?"
Diệu Anh cho biết, hiện nay chương trình giáo dục giới tính tại Việt Nam vẫn còn nhiều thiếu sót. |
Nhận thấy sự thiếu hụt kiến thức trong chương trình giáo dục hiện tại, Diệu Anh cùng các cộng sự đã quyết định sáng lập dự án phi lợi nhuận PCSE với mục tiêu cung cấp kiến thức giáo dục giới tính toàn diện cho giới trẻ.
Nữ sinh 2002 ấp ủ mục tiêu biến PCSE thành một nền tảng đa phương tiện tiên phong, giúp cộng đồng người trẻ dễ dàng tiếp cận vấn đề và nội dung về giáo dục giới tính. Qua đó, nền tảng PCSE sẽ tập trung vào các chiến dịch truyền thông sáng tạo trên mạng xã hội, nơi thông tin về giáo dục giới tính được chia sẻ rộng rãi và hoàn toàn miễn phí.
Dự kiến vào cuối năm 2024, PCSE sẽ triển khai chuỗi workshop chuyên sâu, mang đến cho các bạn trẻ cơ hội tiếp cận giáo dục giới tính qua chương trình có tính tương tác cao. Thay vì lý thuyết khô khan, các workshop sẽ tập trung vào khám phá bản thân, giúp thanh thiếu niên hiểu rõ hơn về nhu cầu, cảm xúc và giới tính của chính mình.
Để đảm bảo chất lượng chuyên môn cho nội dung của dự án, Diệu Anh đã chủ động liên hệ và hợp tác với các chuyên gia đầu ngành, bao gồm Sex Coach, chuyên gia tâm lý và học giả trong lĩnh vực về giới.
Diệu Anh khẳng định tầm quan trọng của giáo dục giới tính đối với tất cả mọi người, bất kể độ tuổi, giới tính hay xu hướng tính dục. Tuy nhiên, cô nàng cũng nhận thấy việc tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng có thể làm giảm hiệu quả của dự án.
“Mỗi nhóm tuổi có những nhu cầu và đặc điểm riêng khi tiếp cận chủ đề giáo dục giới tính, đặc biệt là trong bối cảnh mạng xã hội và các kênh thông tin không chính thống phát triển mạnh mẽ”, Diệu Anh cho biết. Chính vì vậy, với dự án lần này, nữ sinh genZ quyết định tập trung hoàn toàn vào nhóm đối tượng là học sinh cấp 3 và sinh viên Đại học trong độ tuổi từ 15 đến 22 tuổi.
Diệu Anh cùng cộng sự trong một buổi thử nghiệm chương trình cho dự án PCSE. |
“Giới trẻ đang trong giai đoạn hình thành nhu cầu về tình dục, lại thiếu hụt nguồn thông tin giáo dục giới tính chính thống và toàn diện. Điều này dẫn đến nguy cơ về sức khỏe thể chất và tinh thần cho các bạn. Nhận thức được điều đó, PCSE quyết định tập trung vào nhóm đối tượng này trong giai đoạn đầu. Bằng cách xây dựng nền tảng giáo dục giới tính hiệu quả cho học sinh cấp 3 và sinh viên, chúng mình mong muốn sẽ tạo được nền móng vững chắc cho các hoạt động mở rộng trong tương lai, hướng đến mục tiêu cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết về giáo dục giới tính cho tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác hay giới tính”, Diệu Anh lý giải thêm.
Ước mơ lan tỏa kiến thức giáo dục giới tính toàn diện đến thế hệ trẻ Việt Nam
Điểm độc đáo của dự án nằm ở phương thức truyền đạt mang tính tương tác cao, giúp học viên tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Các hoạt động như học lý thuyết qua game, bàn luận nhóm, khám phá bản thân,... được lồng ghép khéo léo, tạo môi trường học tập cởi mở. Diệu Anh chia sẻ, trong giai đoạn đầu khi thảo luận với bạn bè về việc thành lập PCSE, ai cũng thắc mắc vì sao nữ sinh lại đi vào “lối mòn” cũ kĩ khi trên thị trường đã có rất nhiều chiến dịch cùng chủ đề và mục tiêu.
Một buổi hoạt động nhóm vui vẻ trong dự án PCSE. |
Vượt qua mọi ngờ vực, Diệu Anh xác định giá trị cốt lõi của dự án chính là tập trung vào đối tượng trẻ đã trải qua giai đoạn dậy thì - một đối tượng ít được để ý mỗi khi nhắc về giáo dục giới tính. Bên cạnh đó, dự án chú trọng xây dựng hệ thống nội dung toàn diện, cung cấp thông tin đa chiều về các khía cạnh giáo dục giới tính như: sự đồng thuận tình dục, sức khỏe tình dục, xu hướng tính dục hay bản dạng giới,... Đây là những chủ đề chưa được khai thác sâu rộng tại Việt Nam hiện nay.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi động dự án, Diệu Anh tâm sự: "Để cân bằng giữa chất lượng và mức chi phí đầu tư cho dự án là một thử thách lớn về mặt tài chính. Chúng mình hiện đang ráo riết chuẩn bị cho giai đoạn tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các tổ chức uy tín để đồng hành cùng PCSE trong chặng đường sắp tới."
Diệu Anh đang chia sẻ những kiến thức về giáo dục giới tính tới các học viên đầu tiên của dự án. |
Bên cạnh nỗ lực của đội ngũ, nữ sinh 22 tuổi cũng bày tỏ hy vọng nhận được sự ủng hộ từ các bạn trẻ bằng cách lan tỏa thông điệp và giá trị của PCSE đến cộng đồng xung quanh. “Mỗi hành động chia sẻ dù nhỏ bé cũng góp phần tạo nên sức mạnh to lớn, giúp dự án tiếp cận nhiều bạn trẻ hơn và mang đến những giá trị tích cực cho xã hội”, cô nàng nhắn nhủ.
Trong tương lai, Diệu Anh mong muốn nhân rộng dự án ngay tại môi trường học tập của các bạn trẻ. |
Chia sẻ về mục tiêu tương lai, Diệu Anh cho biết: “Trước mắt, cuối năm 2024, PCSE sẽ triển khai song song chiến dịch truyền thông và chuỗi workshop cho các bạn học sinh, sinh viên”. Hướng đến tương lai xa hơn, PCSE nung nấu ý tưởng xây dựng các trạm thông tin hợp tác với các trường cấp 3 và đại học. Nơi đây sẽ trở thành điểm đến tin cậy, cung cấp dịch vụ hỗ trợ về giáo dục giới tính ngay tại môi trường học tập của các bạn trẻ.
Lấy cảm hứng từ mô hình thành công tại nhiều quốc gia phát triển, Diệu Anh hy vọng một ngày không xa, chương trình giáo dục giới tính bài bản sẽ được áp dụng rộng rãi tại các trường học ở Việt Nam.
(Ảnh: NVCC)