Là một nhà khoa học nữ trong Top 10 chân dung nhà khoa học nhận Giải thưởng 'Quả Cầu Vàng 2022', chị có cảm xúc và suy nghĩ gì?
'Quả Cầu Vàng 2022' là giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ đang học tập, nghiên cứu ở các cơ sở giáo dục đại học, các trung tâm nghiên cứu trong cả nước và ở nước ngoài. Năm nay, tôi được vinh hạnh được chọn là một trong 10 nhà khoa học nhận giải, tôi rất vui và hạnh phúc. Tôi rất cảm ơn Ban Tổ chức đã phát động và triển khai giải thưởng quý giá này dành cho các nhà khoa học trẻ. Và tôi rất biết ơn Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM), là nơi tôi được giảng dạy, nghiên cứu sau khi về Việt Nam.
| |
TS Trần Thị Như Hoa. |
Với hơn 30 bài báo nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí trong và ngoài nước, chị có thể chia sẻ sơ qua về hướng nghiên cứu chính của mình?
Tôi cùng nhóm nghiên cứu về vật liệu quang học, cảm biến và ứng dụng (O&S) được thành lập vào năm 2019 tại Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM). Mục tiêu của O&S là mô phỏng kết hợp nghiên cứu thực nghiệm đề xuất các quy trình cho công nghệ sản xuất các cảm biến dựa trên tính chất plasmonic của vật liệu. Cảm biến quang học sử dụng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt có rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau như vật lý, hóa học, sinh học và y dược, đặc biệt là trong lĩnh vực chẩn đoán bệnh.
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu phát triển các cảm biến quang học có độ nhạy cao, độ tái lập tốt, tính đặc hiệu, thời gian phản hồi nhanh, và có thể mang thiết bị đến tận nơi của người sử dụng. Từ đó, mở ra một hướng mới với các nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong lĩnh vực Y - Sinh
Vì sao chị lại chọn nghiên cứu ngành Công nghệ Vật liệu mới, vốn mới xuất hiện tại Việt Nam? Nó có khó khăn gì trong việc tìm kiếm, nghiên cứu tài liệu trên thư viện thế giới?
Ngành Khoa học và Công nghệ Vật liệu (KH&CN Vật liệu) còn đang rất mới tại Việt Nam, tuy nhiên ở nước ngoài đã phát triển từ lâu. Khi mẹ tôi biết đến ngành này, tại thời điểm đó, chỉ có trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) đào tạo tại miền Nam. Và tôi rất vinh dự khi được tốt nghiệp Tiến sĩ và theo nghiên cứu các sản phẩm về vật liệu cho đến các ứng dụng của chúng.
Tuy bước đầu học về ngành này, tôi rất khó khăn trong việc tìm hiểu tài liệu vì hầu hết là các giáo trình bằng tiếng anh, tuy nhiên, việc tiếp xúc thường xuyên với nguồn tài liệu tiếng anh thông qua bài giảng, giáo trình của thầy/cô, các buổi thực nghiệm, thực hành trực tiếp dần xóa bỏ rào cản nữa về ngoại ngữ.
Để có được những thành tích khoa học ở hiện tại, trước đó, chị đã học tập, nghiên cứu ở Hàn Quốc như thế nào?
Tháng 3/2015, khi bước chân đến một môi trường mới tại Hàn Quốc để học nghiên cứu sinh, với một hướng nghiên cứu mới (tính toán mô phỏng và thực nghiệm), tôi cảm thấy rất khó khăn. Tuy nhiên, với kiến thức đã học ở thời đại học cùng sự dẫn dắt của thầy, niềm tin yêu của gia đình, tôi đã vượt qua nhiều khó khăn và đã hoàn thành các nghiên cứu có ứng dụng cao của mình, tốt nghiệp Tiến sĩ tháng 2/2018.
Là phụ nữ đam mê nghiên cứu khoa học, chắc hẳn, chị đã đánh đổi nhiều thời gian của tuổi thanh xuân? Động lực lớn nhất khiến chị duy trì và phát triển bản thân khi nghiên cứu trong lĩnh vực này là gì?
Con đường đến khoa học quả là gian lao, có khi thức đêm để làm thí nghiệm, có khi phải chịu nhiều áp lực vì hầu hết những tài liệu để bổ sung kiến thức toàn là trong sách tiếng Anh và các tạp chí chuyên ngành kỹ thuật, với những thuật ngữ hoàn toàn mới của những mảng nghiên cứu mới. Nói chung, sinh viên khoa học là phải "ăn, ngủ" cùng khoa học. "Ăn, ngủ" ở đây có cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Khi gặp các thí nghiệm với thời gian tổng hợp và phân tích lâu, thì có khi mình cùng thức đêm hôm với chúng, có khi không kịp có thời gian ăn trưa và chỉ kịp cầm cái bánh ăn nhẹ trong lúc đợi thí nghiệm.
Nữ tiến sĩ theo đuổi nghiên cứu ngành Công nghệ Vật liệu mới. |
Khi được học tập tại môi trường ở Hàn Quốc, tôi có thời gian nhiều vào việc nghiên cứu lĩnh vực mới, và một phần bị áp lực từ Giáo sư hướng dẫn với tần suất (2-3 lần họp/tuần), nên việc thức đêm “ăn, ngủ” cùng thí nghiệm là thường xuyên. Nhưng chính điều đó đã rèn cho tôi có kỹ năng, kiến thức và cách xử lý số liệu hiệu quả.
Theo chị, nhà khoa học nữ sẽ có những hạn chế gì? Đặc biệt là khi lập gia đình, chị đã cân đối thời gian ra sao?
Phụ nữ làm khoa học có những thế mạnh nhất định đó là sự kiên trì, bền bỉ, tinh thần lạc quan, đặc biệt là trước khó khăn. Tuy vậy, gánh nặng chồng con trên vai, nỗi lo cơm áo, vì gánh nặng gia đình là một trong những hạn chế của nhà khoa học nữ. Riêng đối với tôi, sau khi lập gia đình, tôi vẫn có sự hỗ trợ của bố mẹ và chồng để vượt qua các khó khăn đó. Các nghiên cứu của tôi đã được các Quỹ tài trợ (Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia - NAFOSTED; ĐHQG TP. HCM…) nên cũng có các nguồn kinh phí để nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm có ứng dụng.
Giải thưởng 'Quả Cầu Vàng' được đồng hành bởi Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Hiệp Phát, Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên, Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) và trường ĐH Phenikaa.