Phạm Thị Linh Chi hay còn gọi là Chichi Phạm đang làm stylist và kinh doanh thời trang tự thiết kế tại TP.HCM. Thời điểm Chi quyết định thi ngành thiết kế thời trang là khi cuộc thi Nhà thiết kế thời trang Project Runway Vietnam 2015 mùa đầu tiên phát sóng. Điều này tạo động lực cho cô gái sinh năm 1998 theo đuổi nghề thiết kế, cô hy vọng sẽ có nhiều cuộc thi để được truyền cảm hứng và có cơ hội giao lưu học hỏi.
Chichi Phạm là stylist và kinh doanh thời trang tự thiết kế tại TP.HCM. |
Là cựu sinh viên ngành thiết kế thời trang tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech), Linh Chi cũng vừa trải qua khoảng thời gian là sinh viên nhiều khó khăn. Thời gian đầu, cô gái người Thái Bình nhớ nhà, chưa quen với cách học mới, không biết tự chi tiêu, không biết quản lý thời gian... và khó khăn nhất với bản thân khi đó là học cách từ chối những cuộc vui vô bổ cùng vấn đề kinh tế.
Linh Chi cho biết ngành thời trang là ngành khá tốn kém, ngoài tiền học sẽ cần phải chi trả mua đồ như vải, phụ liệu, giấy, màu, máy may, thuê người mẫu…, bạn nào không biết may thì phải thuê người may và còn nhiều thứ cần chi để hoàn thành 1 đồ án. “Trong quá trình học, nhiều bạn bè của mình không theo được đã phải bỏ cuộc vì áp lực học tập và vấn đề tài chính. Đó cũng là lý do mình cần tìm việc làm thêm. Việc làm đầu tiên của mình là phụ bưng bê ở quán ăn, công việc khá vất vả nhưng giúp mình thêm “va vấp” và tốt hơn khi giao tiếp. Để có thể chủ động thời gian cho việc học cũng như tăng thu nhâp, mình chuyển sang bán hàng online, từ công việc này mình đã học được nhiều thứ về kinh doanh. Kể từ đó mình tự chi trả tiền sinh hoạt và học phí”- Chi chia sẻ.
Bên cạnh đó Chi còn làm thêm công việc stylist, được hợp tác với 1 số thương hiệu mỹ phẩm Ri.O, Reni, đồng hồ Xpeda Vietnam.. “Sau quá trình đó mình chợt nhận ra những gì mình học ở trong trường chưa phải tất cả, khi ra khỏi vòng tay của bố mẹ và trường học, ngoài kỹ năng chuyên ngành mình cần có kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quan hệ giao tiếp, kỹ năng quản lý tiền bạc,... Vậy nên mình có lời khuyên dành cho các bạn đang hoặc sẽ trở thành sinh viên là hãy cho bản thân mình nhiều cơ hội học hỏi các kỹ năng sống ngoài việc chỉ chăm chú vào học”- Linh Chi khẳng định.
Vào thời điểm hiện tại mọi người đang phải ngưng mọi hoạt động bên ngoài và ở nhà vì dịch COVID-19. Là một người yêu nghệ thuật, trong thời gian giãn cách Chi đã “mày mò” tạo nên một tác phẩm dựa trên thao tác mỹ thuật gắn với vật liệu đơn giản có sẵn trong nhà như: súng bắn keo, bìa cứng (dùng lại mặt sau tấm bìa cũ), bút màu, ngọc trai (lấy từ chiếc vòng bị đứt) và đặc biệt nguyên liệu chính là hộp mỹ phẩm đã dùng hết cùng những chiếc túi nilon.
Linh Chi sử dụng những vât liệu cũ sẵn có sáng tạo nên 1 tác phẩm nghệ thuật trong mùa dịch, hơn nữa còn tăng vòng đời cho đồ dùng đã qua sử dụng. Sản phẩm đã nhận được nhiều lời khen của bạn bè trên facebook. “Với tác phẩm tận dụng các sản phẩm nhựa tái chế thành sản phẩm có thẩm mỹ và giá trị sử dụng lâu dài, mình mong rằng việc làm của mình sẽ phần nào tạo cảm hứng và giúp mọi người thay đổi suy nghĩ, hình thành thói quen không lãng phí tài nguyên, năng lượng... và giảm bớt những hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là rác thải nhựa với đặc tính bền vững trong tự nhiên”- Linh Chi bộc bạch.
Sản phẩm được làm từ những nguyên vật liệu tái chế. |
Hiện nay ngành dệt may là ngành gây ô nhiễm top đầu thế giới. Nhu cầu về quần áo giá rẻ có thể dễ dàng thay thế, như mô hình kinh doanh “Fast Fashion” đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Tuy nhiên nhiều người, chủ yếu là các bạn trẻ thường bị cuốn vào thói quen mua sắm này, gây lãng phí, không bền và vô tình ủng hộ cho ô nhiễm môi trường. Ở góc độ nhà kinh doanh, nhà thiết kế Chi nghĩ thời trang cần được sản xuất theo lối bền vững, và nỗ lực xanh trong việc mua các sợi vải mang tính bền cao.
Đối với người tiêu dùng, nhất là các bạn trẻ việc mua đồ thời trang cần tính toán, tránh lãng phí và bị trào lưu “Fast Fashion” ảnh hưởng. Một sự lựa chọn khác cho mọi người nói chung và người trẻ nói riêng là có thể sử dụng quần áo hàng thùng. Nó được bán khá rẻ, mẫu mã đa dạng, chất liệu đủ loại, thậm chí có loại thuộc "hàng hiệu xịn"… “Việc bỏ đi một món đồ mua cái mới rất đơn giản nhưng sự hao hụt tài nguyên thiên nhiên thì khó bù đắp! Việc tái sử dụng hàng thùng giúp giảm thiểu lượng rác thải khổng lồ ra môi trường mỗi năm, giảm ô nhiễm nguồn nước, tiết kiệm nguồn nguyên liệu vải... Chỉ cần chú ý vệ sinh chúng sạch sẽ trước khi mặc, việc mua hàng thùng có thể thêm món đồ giá hời và góp phần bảo vệ môi trường ”- Chi chia sẻ.
Trên thế giới đã xuất hiện phong trào “thời trang chậm” và các chiến dịch như Fashion4Climate (Thời trang vì Khí hậu) nhằm khuyến khích người dân mua quần áo chất lượng cao và bền được sản xuất theo lối bền vững. “Bản thân mình là người yêu thời trang và môi trường, mình định hướng thương hiệu thời trang của mình theo một phong cách bền vững với thời gian không bị ảnh hưởng bởi “trend”. Mình mong với tất cả những điều vừa chia sẻ sẽ giúp các bạn có thêm động lực để thể hiện trách nhiệm của mình đối với sự sống hiện tại và tương lai của Trái Đất”- Chi nhấn mạnh.