10 ngành học cho phép sinh viên liên thông từ bậc đại học lên thạc sĩ ngay từ năm thứ ba, năm thứ tư bao gồm: Quản trị Kinh doanh, Công nghệ thông tin, Khoa học Máy tính, Khoa học Dữ liệu, Kỹ thuật điện tử, Kỹ thuật Điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật Y sinh, Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp, Công nghệ Thực phẩm, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Đối tượng xét tuyển của chương trình là sinh viên đang theo học năm ba, năm tư với số tín chỉ tích lũy tại thời điểm xét tuyển ≥ 50% tín chỉ chương trình đại học và có điểm trung bình tích lũy tại thời điểm xét ≥ 70.
Ngày hội thu hút nhiều sinh viên tham dự. |
Theo TS Huỳnh Khả Tú, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Quốc tế cho biết trường triển khai đào tạo song ngành từ năm 2017 và hiện có 21 chương trình đào tạo song ngành. Theo đó, sinh viên được đăng ký học thêm chương trình đào tạo ngành thứ hai (khác chương trình đang theo học) và chỉ cần tích lũy thêm số tín chỉ cần thiết theo yêu cầu, khi tốt nghiệp sẽ nhận được bằng của hai ngành đào tạo.
Để đăng ký học, sinh viên cần xét tuyển dựa trên kết quả học tập của ngành thứ nhất. Sau đó sẽ được công nhận chuyển đổi tín chỉ chung hoặc tương đương giữa hai ngành để rút ngắn tổng thời gian theo học so với việc học hai ngành riêng biệt, tiết kiệm được chi phí học tập.
PGS. TS Đinh Đức Anh Vũ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế, cho biết đào tạo song ngành cũng như liên thông từ đại học lên thạc sĩ là đáp ứng theo xu hướng của thế giới. Sinh viên chỉ trang bị kiến thức một ngành duy nhất sẽ kém cạnh tranh hơn sinh viên cùng lúc có được những tấm bằng từ các lĩnh vực khác nhau. "Trường mong muốn xu hướng đào tạo này sẽ tạo cơ hội cho sinh viên tối ưu hóa quá trình học, tiết kiệm chi phí cũng như phát triển bản thân, kiến thức để thành công hơn", PGS. TS Anh Vũ chia sẻ.