SVVN - Thợ xăm ở Auschwitz là cuốn tiểu thuyết dựa trên một câu chuyện có thật. Nhân vật chính, Lale, là một tù nhân ở trại tập trung Auschwitz, chịu trách nhiệm xăm mã số tù lên cánh tay các tù nhân khác. Anh đã yêu Gita, một cô gái mà anh xăm số lên cánh tay.
Là tác phẩm đầu tay của Heather Morris, cuốn sách từ trên trời rơi xuống này đã được dịch sang 17 thứ tiếng, bán bản quyền đến 43 quốc gia. Ở Mỹ, cuốn sách đứng đầu trong danh sách bestseller của New York Times với trên 1 triệu bản được bán ra; và tới tháng Mười năm ngoái, trên 3 triệu bản đã đến tay độc giả trên toàn thế giới.
Cũng vẫn là câu chuyện ở “Ao Tuýt” (Auschwitz), nhưng nếu Chú bé mang pyjama sọc là tình bạn thật đẹp giữa hai đứa trẻ thấu hiểu lẫn nhau, vượt qua hàng rào sắc tộc, thì Thợ xăm ở Auschwitz, là câu chuyện cảm động về tình yêu. Thợ xăm ở Auschwitz dựa trên lời kể trực tiếp của một người sống sót thoát khỏi trại tập trung Auschwitz - Lale Sokolov, một người Do Thái ở Slovakia, bị ép phải xăm dãy số lên cánh tay của hàng nghìn tù nhân đến trại. Ở trại tập trung, Sokolov đã gặp một cô gái tên Gita Furman, và họ yêu nhau. Đây là một câu chuyện khác thường, thậm chí là so với những câu chuyện về Holocaust nói chung – nó cảm động, thẳng thắn và nâng cánh cho tâm hồn, và dĩ nhiên nó là một cánh cửa sổ để nhìn vào sự kiện khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử loài người. Ở nơi mạng sống luôn luôn treo đầu sợi tóc, có thể chết bất cứ lúc nào chẳng vì lý do gì, những tù nhân như Lale, Gita và nhiều người khác vẫn luôn cố gắng giữ vẹn phẩm giá của mình, mong mỏi một ngày kia sẽ thoát khỏi địa ngục để trở về cuộc sống bình thường, sống như một con người. Trong nghịch cảnh, tình yêu vẫn nảy sinh và trở thành động lực để họ chiến đấu. Trong cảnh then chốt của tiểu thuyết, Lale lần đầu gặp Gita khi bà đứng ở đầu hàng chỗ ông, còn ông phải ấn mũi kim vào cánh tay trái bà rồi bắt đầu xăm bốn chữ số: 4, rồi 5 - 6 - 2. Đôi mắt bà đầy sợ hãi. Bà mấp máy môi định nói nhưng ông “suỵt” bà. Rồi khi đã xăm xong, ông giữ cánh tay bà lâu hơn cần thiết, nhìn vào mắt bà và nhoẻn miệng khẽ cười. Bà cũng cười khẽ đáp lại. Thời khắc quyết định đó kéo theo mọi sự. Độc giả yêu Thợ xăm ở Auschwitz bởi nó dựa trên một câu chuyện có thật. Đó là câu chuyện của hai người bình thường, sống trong một thời đại khác thường, bị tước đoạt không chỉ tự do của mình mà còn cả nhân phẩm, tên họ và nhân dạng. Cuốn sách ra đời hơn 70 năm sau những sự kiện nó thuật lại, và nó nhắc nhở chúng ta rằng có rất nhiều câu chuyện sẽ mãi mãi không bao giờ được kể. Nó cũng nhắc chúng ta nhớ rằng trong số nạn nhân lớn đến không thể tưởng tượng nổi của Holocaust, mỗi người là một cá nhân với một câu chuyện độc nhất vô nhị.
Sokolov ngoài đời thực là thợ xăm ở Auschwitz, ông đã gặp Gita Furman ở đó. Hai người kết hôn vào tháng Mười năm 1945 rồi về sau chuyển đến định cư ở Melbourne, Úc và có một con trai. Cuộc sống của họ sau này đã đủ đầy, với con cái, bạn bè, kinh doanh thành công, tất cả được nâng đỡ bằng một tình yêu mà không một khó khăn nào có thể phá vỡ. Morris đã phỏng vấn Sokolov suốt vài năm trước khi ông qua đời năm 2006. Quá trình phỏng vấn không hề dễ dàng, phải mất khá nhiều thời gian Sokolov mới sẵn sàng dấn sâu vào việc xem xét lại mình, chia sẻ nỗi sợ rằng mình bị xem là đồng lõa của Đức quốc xã (do đã giúp Đức quốc xã thực hiện công việc xăm số lên tay tù nhân). Ban đầu Morris định viết một kịch bản phim về cuộc đời ông. Về sau bà quyết định biến kịch bản ấy thành một tiểu thuyết. Phần “Thông tin thêm” ở cuối tiểu thuyết cung cấp những dữ kiện chính về câu chuyện thực sự. Gita tên khai sinh là Gisela Fuhrmannova, bà bị đưa đến Auschwitz ngày 3/4/1942 và được xăm số 4562. Lale có tên khai sinh là Ludwig Eisenberg, ông bị đưa đến Auschwitz ngày 23/4/1942 và được xăm mã số 32407. Gita mất năm 2003, Lale mất năm 2006. Cuối sách còn có một số hình ảnh, bản đồ và tài liệu cũng như những quan sát của tác giả từ chuyến đi thăm Auschwitz và quê của Lale ở Krompachy, Slovakia. “Có nhiều tài liệu ghi lại sự thật về giai đoạn lịch sử khủng khiếp này, chi tiết hơn rất nhiều so với những gì được giải thích trong một cuốn tiểu thuyết; và tôi khuyến khích độc giả quan tâm tìm hiểu thêm. Có trường hợp tôi sáng tạo ra một số nhân vật đại diện cho không chỉ một cá nhân và đã giản lược hóa một số sự kiện nào đó,” tác giả Heather Morris cho biết. Bà đã kể câu chuyện của Lale bằng sự kiềm chế, không bao giờ để ý kiến riêng của mình xâm phạm vào, hay để cho câu chuyện tình yêu lấn át cái bối cảnh lớn hơn của dịch chuyển, chấn thương tâm lý và sinh tồn. “Người ta quả thực quan tâm đến tác phẩm hư cấu dựa trên lịch sử và con người có thật,” Sara Nelson, chủ tịch, tổng biên tập và cố vấn đặc biệt cho Nhà xuất bản Harper nhận định. Bà gọi cuốn sách là một sự lai chủng khác thường giữa hồi ký và hư cấu lịch sử. “Thứ người đọc nhận được gần như là một hồi ký,” bà nói. “Họ cảm thấy như mình biết người này và đã đi qua cuộc đời của người đó.”
Ảnh tư liệu: Lale và Gita ngoài đời
Gary Sokolov, con của Lale và Gita, năm vừa qua đã được nhiều độc giả cuốn sách của Morris liên hệ, cả người Do Thái lẫn không phải Do Thái. “Rất nhiều người khắp thế giới nói với tôi về tác động tích cực của cuốn sách đối với họ.” Hiện tại anh đang trao đổi với một nhà sản xuất để dàn dựng một nhạc kịch. “Việc cha tôi sau rất nhiều thập niên lại có được một ảnh hưởng tích cực như vậy quả là một điều phi thường.” Anh kể lại rằng có một vài điều vẫn đeo đẳng cha mẹ mình mãi. Ví dụ như khi gia đình họ đi trên đường, Gita hay cúi xuống hái cỏ bốn lá trên mặt đất, bởi vì hồi còn ở trại, nếu bà tìm được một cây cỏ này và đưa cho lính Đức - những người tin chúng mang lại may mắn - bà sẽ nhận được một suất ăn thêm gồm xúp và bánh mì.
Nếu độc giả đã từng rơi nước mắt khi đọc Chú bé mang pyjama sọc, Có được là người, Nhật ký Anne Frank hay Danh sách của Schindler, những kiệt tác văn chương viết về Lò Thiêu, thì một chỗ trên giá sách chắc chắn nên dành cho Thợ xăm ở Auschwitz, một tường trình về tình yêu vượt qua nghịch cảnh. Như Lale đã nói, ông sống cuộc đời mình với phương châm, “Nếu bạn còn thức dậy vào buổi sáng, thì đó là một ngày tốt lành”, còn Gita thì bảo với con trai mình rằng, “Khi người ta đã sống bao nhiêu năm trong hoàn cảnh chẳng biết 5 phút sau mình có chết hay không thì chẳng có gì mà người ta không thể xử lý được. Miễn là chúng ta vẫn còn sống và khỏe mạnh, mọi thứ sẽ ổn cả thôi.”
Nếu độc giả đã từng rơi nước mắt khi đọc Chú bé mang pyjama sọc, Có được là người, Nhật ký Anne Frank hay Danh sách của Schindler, những kiệt tác văn chương viết về Lò Thiêu, thì một chỗ trên giá sách chắc chắn nên dành cho Thợ xăm ở Auschwitz, một tường trình về tình yêu vượt qua nghịch cảnh. Như Lale đã nói, ông sống cuộc đời mình với phương châm, “Nếu bạn còn thức dậy vào buổi sáng, thì đó là một ngày tốt lành”, còn Gita thì bảo với con trai mình rằng, “Khi người ta đã sống bao nhiêu năm trong hoàn cảnh chẳng biết 5 phút sau mình có chết hay không thì chẳng có gì mà người ta không thể xử lý được. Miễn là chúng ta vẫn còn sống và khỏe mạnh, mọi thứ sẽ ổn cả thôi.”
VỀ TÁC GIẢ HEATHER MORRIS
Heather Morris (sinh năm 1953) là nhà báo và nhà văn người New Zealand. Tác phẩm Thợ xăm ở Auschwitz của bà đã đoạt giải thưởng Audie năm 2019 dành cho văn chương hư cấu, và lọt vào danh sách bestseller của New York Times năm 2019 với lượng bán ra trên một triệu bản.