SVVN - Thoái thực ký văn là một bộ sách tổng hợp bách khoa thư có giá trị, ghi chép lại nhiều sự việc xếp theo từng loại, trải dài trên nhiều lĩnh vực. Thoái thực ký văn tuy được quan tâm và dịch từ sớm nhưng lại chưa từng có một bản dịch hoàn chỉnh. Gần 100 năm sau, bằng việc bám sát nguyên văn, so sánh đối chiếu với nhiều tài liệu sử khác, dịch giả Nhượng Lê đã hoàn thành bản dịch hoàn chỉnh Thoái thực ký văn.
Thoái thực ký văn có thể hiểu là “ghi chép những điều nghe thấy khi nghỉ việc quan về nhà”. Đây là một bộ sách dạng tổng hợp bách khoa thư, ghi chép nhiều sự việc lặt vặt xếp theo từng loại, gồm tám quyển như sau: 1. Phong vực: nói về cương vực, địa lý hành chính nước ta từ thời Hùng Vương đến thời Minh Mệnh, ngoài ra còn đề cập đến thiên văn, tiết khí, đường sá, núi sông, phụ chép về các nước Cao Man, Xiêm La, Miến Điện và một số tục lạ người man. 2, 3. Chế độ: nói về tước cấp, bổng lộc, khoa cử, binh chế, quan chế, lệ thuế, đàn miếu, lăng tẩm, áo mũ, lễ nhạc v.v... từ thời Lý đến thời Minh Mệnh. 4. Nhân phẩm: kể về các danh công cự khanh, những người có nhân phẩm khí tiết, trí tuệ mưu lược từ thời Trần đến thời Minh Mệnh. 5. Cổ tích: chép về các di tích, danh lam thắng cảnh, từ núi động sông hồ đến thành trì chùa miếu của nước ta, có phụ chép về núi sông và đê điều ở các tỉnh. 6. Trưng kỳ: chép các chuyện kỳ lạ, thần tiên ma quái có liên quan đến các nhân vật lịch sử. 7. Tạp sự: chép các chuyện vặt về thơ văn, khoa cử, nhân phẩm, xử án v.v… 8. Vật loại: ghi chép nhiều loài động, thực vật của nước ta.
Thoái thực ký văn là một tác phẩm có giá trị nên đã được giới nghiên cứu quan tâm và dịch từ rất sớm. Dù vậy, các bản dịch từ trước đến nay đều chưa hoàn chỉnh. Cố học giả Phan Khôi có trích dịch vài mẩu truyện đăng báo. Năm 1944, nhà xuất bản Tân Việt phát hành bản dịch của cố Giáo sư Nguyễn Đổng Chi và Nguyễn Lợi, nhưng mới chỉ có ba phần là Trưng kỳ, Tạp sự, Vật loại. Khoảng năm 1997, cố học giả Hoàng Văn Lâu dịch Mẫn Hiên thuyết loại của Cao Bá Quát, trong đó có chép lẫn hai phần Cổ tích và Nhân phẩm từ Thoái thực ký văn. Vì đây chỉ là phần chép lẫn nên không tránh khỏi sai khác thiếu sót so với tác phẩm chính thức. Ngoài ra một số mẩu truyện trong Thoái thực ký văn còn được trích dịch in trong các sách như Tuyển tập truyện ma Việt Nam, Truyện Việt Nam thế kỷ 19 v.v… Tóm lại, Thoái thực ký văn tuy đã được dịch từ rất sớm nhưng mới chỉ rải rác, cho đến nay vẫn chưa có một bản dịch hoàn chỉnh nào. Với một tác phẩm có giá trị như vậy, việc dịch đầy đủ trọn vẹn là điều nên làm. Trong quá trình chuyển ngữ cuốn sách, nhiều bản chép tay và tư liệu đã được tìm kiếm nhằm sử dụng để so sánh đối chiếu. Có thể nói, tác phẩm Thoái thực ký văn đã được tập hợp và dịch gần như trọn vẹn nguyên văn.
Về việc phân chia nội dung, cuốn sách được chia làm bảy chương theo đúng bảy mục mà tác giả đã chia. Trong từng chương dịch giả chia thêm các mục nhỏ để người đọc tiện theo dõi.
Ngoài việc bám sát nguyên văn, dịch giả còn đối chiếu với nhiều bộ sử khác của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc để có được bản dịch hoàn thiện và đầy đủ chú thích.
VỀ TÁC GIẢ
Trương Quốc Dụng (1797-1864) là bậc danh thần thời Nguyễn, làm quan trải ba đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Xuất thân trong một gia đình Nho học, ông là người học rộng, ham đọc sách, đặc biệt giỏi về thiên văn lịch số. Trong đời làm quan được đi khắp Bắc, Trung, Nam nên kiến văn lịch duyệt khá nhiều. Đại Nam nhất thống chí có chép: “Ông tính liêm khiết, giữ được phong độ. Lúc làm ở bộ Hình, nhiều án được ông điều tra ra sự thực. Ông học rất rộng, lại rất giỏi môn chiêm tinh.” Còn Đại Nam liệt truyện nhận xét về ông như sau: “Quốc Dụng là người trầm tĩnh, dẫu làm quan song chưa từng rời quyển sách, mọi người đều suy tôn là học rộng. Tương truyền nhà làm lịch bị thất truyền, khi Quốc Dụng làm quản lĩnh Khâm thiên giám, hằng ngày truyền dạy cho, đến nay mới nối được nghề học ấy. Quốc Dụng ngày thường có kiến văn được điều gì đều ghi chép cả, có tập Thoái thực ký văn truyền lại ở đời.”
Ngoài việc tham gia biên soạn các sách như Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Nam thực lục, Chiếu biểu luận thức, Văn quy tân thể… ông còn có những tác phẩm riêng bằng cả chữ Hán và chữ Nôm, nổi bật có Trương Nhu Trung thi tập và đặc biệt là Thoái thực ký văn.