Phạm Hoàng Khang là thủ khoa tuyển sinh và thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. |
Trở thành thủ khoa kép nhờ bí quyết “chuẩn bị bài trước khi đến lớp”
Vào thời điểm tốt nghiệp THPT, mình không quá đam mê bất kỳ một ngành học hoặc ngành nghề nào cụ thể. Mình chọn Ngôn ngữ Anh vì nghĩ tiếng Anh vốn là thế mạnh của mình. Mình chưa bao giờ áp đặt bản thân phải đạt được thành tích; trái lại mình muốn tận hưởng quãng thời gian học tập, vui chơi và làm việc tại trường học. Với mình, việc bản thân cố gắng và nỗ lực làm hết sức mọi thứ là “chìa khóa” để mình phát triển bản thân.
Đạt danh hiệu Sinh viên 5 Tốt cấp Đại học Quốc gia TP.HCM năm 2023. |
Khi nghĩ về việc đạt danh hiệu thủ khoa tuyển sinh và thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, mình rất tự hào và biết ơn. Mình biết ơn nhà trường đã luôn tạo điều kiện để mình được hoàn thành chương trình học, tiếp cận với những học bổng có giá trị và tham gia các chương trình trao đổi sinh viên. Mình biết ơn thầy cô, anh chị, bạn bè đã đồng hành trong chặng đường khám phá tuổi trẻ ở Đoàn khoa, câu lạc bộ và các hoạt động ngoại khóa nói chung. Khi nghe đến việc mình là thủ khoa tuyển sinh, nhiều người ngại tiếp cận với mình vì nghĩ sẽ khó gần. Nhưng sau ngần ấy năm, mình đã chứng minh được việc kết nối giữa người và người có thể thoát ly ra khỏi những phù phiếm về danh hiệu. Những điểm khác biệt giữa các cá nhân mới chính là cầu nối mang ta lại gần nhau hơn.
Đạt giải Nhất cuộc thi chính sách thanh niên “ASEAN Youth Innovation Challenge: Policy Case Competition 2023” tại Indonesia. |
Mình khá tách bạch việc học trên lớp với việc tham gia các hoạt động ngoại khóa để chúng không ảnh hưởng lẫn nhau. Với việc học chính quy, mình ưu tiên việc hoàn thành các quy chuẩn đầu ra của từng môn học, dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu ngoài lớp, chuẩn bị cho các tiết thực hành, học nhóm với các bạn, chủ động trong giai đoạn thi cuối kỳ. Với các hoạt động ngoại khóa, mình hạn chế việc tự đặt giới hạn cho bản thân. Mình cố gắng tìm kiếm những hoạt động đa dạng ở khắp các lĩnh vực để bản thân có nhiều trải nghiệm. Những góc nhìn đa chiều được mình tích góp từ những hoạt động với đặc trưng sai khác giúp mình đánh giá sự tình theo hướng ít định kiến nhất có thể. Ngoài ra, mình cũng đã thử nhiều công việc với chuyên môn khác nhau nên mình hiểu rõ đâu là điểm mạnh và điểm yếu nổi bật của bản thân.
Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn-Hội. |
Có một điều mình luôn chăm chỉ làm trong suốt bốn năm Đại học đó là chuẩn bị bài trước khi đến lớp. Có nhiều môn học dù chưa bắt đầu nhưng mình đã đọc hết tất cả các giáo trình được gợi ý, nhất là những môn chuyên ngành ở năm cuối. Song song với việc đọc, mình sẽ ghi chép lại một cách hệ thống những thông tin quan trọng theo cách nghĩ của mình. Bằng cách này, mình đã có một hình dung nhất định về mô hình kiến thức và việc tham gia tại lớp học sẽ giúp mình củng cố, chỉnh sửa, bổ sung cho hình dung trước đó. Nhờ vậy, mình tiết kiệm được nhiều thời gian ghi chép ở trên giảng đường. Mình dành thời gian tập trung cho quá trình phản biện thông qua thảo luận nhóm và trao đổi với thầy, cô.
Hoàng Khang là Đại biểu của chương trình AFMAM 2023 tại Jakarta (Indonesia). |
Ngoài ra, mình cũng thích thú với việc tự sáng tạo cho các bài tập, bài kiểm tra. Mình nghĩ về cơ bản, mỗi môn học mình chỉ học một lần; giảng viên cũng sẽ chỉ có dịp đánh giá quan điểm của mình một lần. Vậy thì tại sao không thỏa sức thể hiện góc nhìn theo một cách độc đáo, về cả nội dung và hình thức, kiến tạo từ những trải nghiệm cá nhân, cảm xúc trong lúc làm bài, hay các cuộc trao đổi bên ngoài với người trong ngành? Đôi khi kết quả tốt không chỉ phản ánh nền tảng kiến thức vững vàng mà còn là tính cá nhân, độc đáo của mỗi bài làm.
Trân trọng những hành trình đã đi qua và sự cố gắng của bản thân
Trong những năm qua, mình may mắn được tham gia nhiều dự án và được đi đến nhiều đất nước. Chuyến đi khiến mình nhớ nhất là chuyến đi tình nguyện ở Campuchia vào tháng 1. Trong đợt tình nguyện ấy, mình nhiều lần có cơ hội được đến làm việc, tiếp xúc với trẻ em ở các vùng nông thôn còn khó khăn. Ở đó, mình đã dạy tiếng Anh cho các bé. Do các bé chưa có nền tảng tiếng Anh tốt và số lượng giới hạn của các phiên dịch viên người bản địa, mình đã quyết định học một chút tiếng Khmer để có thể thuận tiện trong việc dạy tiếng Anh. Mình đã gần như vỡ òa khi các bé nói được bập bẹ “I love Cambodia” sau khi mình cần mẫn hướng dẫn trong 30 phút. Đến lúc chia tay, một bé đã chạy lại vừa vẫy tay vừa nói với mình: “Jom reap lear bong!” (tạm dịch sang tiếng Việt: “Tạm biệt anh!”). Khoảnh khắc đó, mình cảm nhận được các em đã thật sự xem mình là một người anh trong nhà. Nếu mình không nỗ lực học tiếng bản địa để giao tiếp, mình sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được sự gắn bó từ các em, điều mà mình cho là “Goodbye!” nhiều lúc khó chuyên chở hết được. Ngôn ngữ chưa bao giờ là rào cản của tình nguyện, nhưng nếu hiểu được ngôn ngữ, ta sẽ hiểu thêm về cách người địa phương sinh sống hằng ngày thế nào, mang trái tim gần với trái tim hơn. Chuyến đi này truyền cho mình động lực to lớn để mình tiếp tục chặng đường tình nguyện của mình, không giới hạn về không gian, thời gian và con người. Tất cả đều là nhà.
Đại diện từ Việt Nam tham gia “Dự án tình nguyện ASEAN 2023-2024” tại Campuchia. |
“Hạnh phúc không phải là đích đến mà là chặng đường mà ta đi qua”, mình mong là trong hành trình cố gắng của bản thân, chúng ta không cần phải quá đặt nặng những thành tích, danh hiệu ở cuối chặng mà bỏ qua những khoảnh khắc, cảm xúc trong suốt quá trình cố gắng. Chính ti tỉ những bài học, trải nghiệm nho nhỏ này mới là chất liệu quý giá để ta xây dựng tương lai vững vàng hơn. Đôi lúc, khi ta đọc một quyển sách, điều để lại ấn tượng hơn cả không chỉ là cái kết mà là vô vàn những mảnh ghép xuyên suốt câu chuyện khi ta theo chân của nhân vật chính.
Thành viên của Đoàn Việt Nam tại chương trình YALPI 2023, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan). |
Mình nghĩ không chỉ mình mà nhiều bạn trẻ cũng gặp phải những giai đoạn mà bản thân đột nhiên không có thêm bất kỳ sự phát triển nào, giậm chân tại chỗ, chông chênh không định hướng, tệ hơn nữa là thất bại. Với mình, việc giải quyết tận gốc mới là hiệu quả, có thể gọi đây là thời điểm chúng ta cần “làm việc với bản thân” để lấy lại năng lượng. Trong thời đại mà ai cũng làm việc chăm chỉ, rất khó để thừa nhận rằng cuộc sống vốn dĩ không phải là một cuộc chạy đua. Bạn có thể chạy nhưng không nhất thiết phải đua. Chúng ta đều cần những khoảng nghỉ để hồi sức, lắng nghe cơ thể, vạch ra chiến thuật cho mục tiêu kế tiếp và quan trọng nhất là trân quý từng nỗ lực của bản thân. Nếu chúng ta không cảm thông, nhẫn nại với bản thân thì không thể trông mong người khác nhẫn nại với ta được.
Một số thành tích nổi bật của Hoàng Khang:
- Thủ khoa tuyển sinh và thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh;
- Khen thưởng của Giám đốc ĐHQG TP. HCM vì đã đạt thành tích tốt nghiệp loại xuất sắc năm 2023;
- Danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” cấp Đại học Quốc gia và cấp Thành phố năm học 2022 – 2023;
- Danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” cấp Trường 3 năm liền 2019 – 2023;
- Danh hiệu “Điển hình thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” năm 2023;
- Danh hiệu “Gương sáng sinh viên” trong lĩnh vực Giao lưu quốc tế 2 năm liền 2022 – 2023;
- Danh hiệu “Bộ trưởng giả định Kinh tế xuất sắc nhất” trong chương trình “Ho Chi Minh City Model ASEAN Meeting 2023”;
- Học bổng toàn phần tham gia các chương trình trao đổi sinh viên/ giao lưu quốc tế tại Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia và Nhật Bản;
- Học bổng của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) năm 2023;
- Học bổng của Quỹ Phát triển châu Á (ADF Elite Scholarship);
- Giấy Khen của Đoàn Trường cho thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên năm học 2019 – 2022.
Ảnh: NVCC
Nữ sinh Học viện Phụ nữ Việt Nam trưởng thành qua những trải nghiệm nghề nghiệp
21/04/2024
Nữ sinh Học viện Phụ nữ kiêu sa trong hóa thân thành nữ thần của ánh sáng
21/04/2024
Nam cán bộ Hội với lý tưởng sống cống hiến vì cộng đồng
19/04/2024