Sáng ngày 12/2, vòng Bán kết, Chung kết cuộc thi 'Công nghệ Chế biến sau thu hoạch' năm 2023 được tổ chức tại trường ĐH Công Thương TP. HCM.
Qua 2 tháng triển khai và tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, Ban Tổ chức cuộc thi 'Công nghệ Chế biến sau thu hoạch' đã tiếp nhận 57 hồ sơ đăng ký dự thi với 213 thí sinh đến từ 9 trường đại học trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận.
Lễ khai mạc vòng Bán kết, Chung kết cuộc thi 'Công nghệ Chế biến sau thu hoạch' năm 2023. (Ảnh: Lan Huỳnh). |
Phát biểu tại lễ khai mạc vòng Bán kết, Chung kết cuộc thi, ông Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ cho biết: “Việt Nam chúng ta có rất nhiều lợi thế trong lĩnh vực nông nghiệp để phát triển ngành chế biến sau thu hoạch. Nếu chọn đây là một hướng đi để đầu tư, đẩy mạnh công nghệ, tạo điều kiện đổi mới sáng tạo thì có thể đạt được những kết quả khả quan”.
Ông Trần Đức Sự khuyến khích sinh viên giữ lửa đam mê nghiên cứu sáng tạo và khởi nghiệp từ chính sản phẩm nghiên cứu của mình. (Ảnh: Lan Huỳnh). |
Ông Trần Đức Sự cũng đưa ra ví dụ về sản phẩm mì tôm thanh long hiện đang viral (nổi bật) trên mạng xã hội, đồng thời đặt kỳ vọng các sản phẩm từ nông sản Việt tham gia cuộc thi năm nay cũng sẽ được biết đến rộng rãi, thương mại hóa và tạo ra giá trị kinh tế như hiện tượng trên.
Ông còn chia sẻ thêm, cuộc thi 'Công nghệ Chế biến sau thu hoạch' do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và trường ĐH Công Thương TP. HCM phối hợp tổ chức hằng năm là cơ hội cho các bạn sinh viên, thanh niên sáng tạo, nghiên cứu, chế tạo, giới thiệu những ý tưởng từ các sản phẩm thực hiện công nghệ chế biến sau thu hoạch, từ đó nâng cao giá trị nông sản Việt.
Ông Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công Thương TP. HCM cũng khẳng định, công nghệ chế biến sau thu hoạch là một trong những lĩnh vực đang được quan tâm ở Việt Nam. Ông Thái Doãn Thanh còn cho biết, dù nền nông nghiệp Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhưng để đáp ứng giá trị chuỗi sản phẩm thực sự chất lượng thì Việt Nam cần có những bước đi mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là về công nghệ nghiên cứu chế biến sau thu hoạch.
“Trong phát triển lĩnh vực mũi nhọn của trường ĐH Công Thương TP. HCM, nhà trường rất quan tâm đến các nghiên cứu chuyển giao, nghiên cứu tạo ra sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm từ công nghệ chế biến sau thu hoạch”, ông Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công Thương TP. HCM chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công Thương TP. HCM Thái Doãn Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. (Ảnh: Lan Huỳnh). |
Chuẩn bị cho phần báo cáo poster, thí sinh Đỗ Gia Mẫn (khoa Dược của trường ĐH Nguyễn Tất Thành) cảm thấy hơi lo lắng nhưng cũng vô cùng háo hức trước phần thi.
“Sau khi thu hoạch rau càng cua, nhóm mình sẽ áp dụng những phần mềm tối ưu để chiết xuất polyphenol, chất chống oxi hóa có nhiều lợi ích cho sức khỏe của con người”, Gia Mẫn chia sẻ về đề tài tham dự thi của nhóm mình.
Nhóm Gia Mẫn chuẩn bị trước phần báo cáo poster. (Ảnh: Lan Huỳnh). |
Đề tài của nhóm Nguyễn Thị Trâm Anh (trường ĐH Công Thương TP. HCM) sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại TP. HCM là nấm bào ngư, kết hợp công nghệ chiên chân không hiện đại, cùng với ly tâm dầu để tạo ra sản phẩm ăn mạnh lành mạnh, ít calo, tốt cho sức khỏe, giúp cải thiện đường huyết, giảm cholesterol và khả năng mắc bệnh Alzheimer ở người già.
Nhóm Trâm Anh đã chuẩn bị đề tài nghiên cứu này trong vòng một năm. (Ảnh: Lan Huỳnh). |
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, Trâm Anh nói: “Sau đại dịch COVID-19, nguồn nấm bào ngư không thể xuất khẩu ra nước ngoài và tồn đọng khá nhiều ở Việt Nam. Sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có có thể giúp đất nước phục hồi kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết vấn đề về nông sản Việt”.
Tại vòng Bán kết, 35 đề tài tốt nhất sẽ triển lãm sản phẩm và thuyết minh giới thiệu sản phẩm thông qua poster. Hội đồng Giám khảo sẽ chấm điểm và chọn ra từ 3 đến 5 đề tài xuất sắc nhất mỗi bảng để tham dự vòng Chung kết. Ở vòng Chung kết, các đề tài xuất sắc của mỗi bảng sẽ tham gia phản biện trực tiếp trước Hội đồng Giám khảo để tranh thứ hạng cao nhất trong cuộc thi.
Các đội thi thuyết trình poster trước thành viên trong Hội đồng Giám khảo. (Ảnh: Lan Huỳnh) |
Cuộc thi 'Công nghệ Chế biến sau thu hoạch' được tổ chức nhằm giới thiệu, triển lãm các công trình nghiên cứu, những ý tưởng sáng tạo mang tính ứng dụng cao trong lĩnh vực công nghệ chế biến sau thu hoạch: các sản phẩm ứng dụng về công nghệ chế biến lương thực - thực phẩm, công nghệ kiểm tra, kỹ thuật bảo quản... Bên cạnh đó, cuộc thi cũng khai thác những sáng kiến nhằm hỗ trợ cho sự phát triển, gia tăng giá trị tài sản trí tuệ, thông tin thương hiệu cho ngành nông nghiệp, lương thực - thực phẩm tại thành phố. Ngoài ra, cuộc thi còn tạo sân chơi giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm; tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm mang tính đột phá có khả năng áp dụng vào đời sống để giải quyết những vấn đề hiện hữu trong ngành nông nghiệp, lương thực - thực phẩm.