Bên cạnh đó, công trình này còn có các thông tin song ngữ Việt - Anh, hình ảnh, âm thanh, video... giới thiệu về các khoa, trung tâm, các loại thiết bị phục vụ giảng dạy.
Công trình chuyển đổi số còn tích hợp nhiều tính năng “động” khác, cho phép người dùng thao tác trực tiếp tại bất cứ điểm nào trên mô hình 3D của trường như đo đạc vị trí, tính toán các thông số hình học tọa độ XYZ, chu vi, diện tích, thông số màu, so sánh sự thay đổi về cơ sở vật chất giữa các năm.
Khi được tích hợp vào công trình thực tế ảo, các tính năng “động” trên giúp cung cấp thông tin chính xác và chi tiết về cơ sở hạ tầng của trường, từ đó góp phần tối ưu hóa công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất cũng như tăng cường hiệu quả quản trị số của trường.
Công trình chuyển đổi số trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) đưa vào sử dụng sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên, giảng viên nhà trường trong việc học tập và nghiên cứu. |
Với việc tích hợp một số đầu sách điện tử lên trên nền tảng số, cho phép sinh viên dùng chung cơ sở dữ liệu cùng lúc mà không giới hạn về không gian, thời gian truy cập. Trên không gian ảo của thư viện, sinh viên có thể di chuyển đến giá sách và chọn vào cuốn sách đã được số hóa để đọc chúng.
Đây là một trong những công trình chuyển đổi số toàn diện tại một trường đại học tại TP. HCM. |
Theo PGS. TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, công trình thực tế ảo này đã số hóa toàn bộ không gian trường, toàn bộ hình ảnh, nội dung thông tin, các mô hình 3D đều được thể hiện một cách rất chi tiết, chân thực. Đặc biệt công trình còn chứa rất nhiều tính năng mới so với các nền tảng trải nghiệm thực tế ảo (3D Virtual Tour) như tính toán, đo đạc, thông báo tình trạng thiết bị, tích hợp sách điện tử trong thư viện...
“Đây sẽ là một công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh công tác truyền thông, kiểm định chất lượng cũng như tăng cường hiệu quả quản trị số hệ thống cơ sở vật chất”, PGS. TS Trần Thiên Phúc nói.