Hai chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào vận hành ngay trong năm học 2023 - 2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm thứ hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024 - 2025.
Theo cơ sở dữ liệu về đào tạo, trường ĐH Bách khoa mỗi năm cung cấp khoảng 300 sinh viên có liên quan đến vi mạch. Trong khi đó, Việt Nam đang cần khoảng hơn 1.000 kỹ sư vi mạch mỗi năm.
Nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam đã tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao. |
Các môn học thiết kế vi mạch đã được tích hợp trong 3 ngành trình độ đại học bao gồm: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Viễn thông, Hệ thống mạch - Phần cứng (chương trình tiên tiến) và 1 ngành trình độ sau đại học là Kỹ thuật Điện tử - Kỹ thuật Viễn thông. Tất cả đều thuộc khoa Điện - Điện tử.
PGS. TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) cho biết: "Hiện nay, có khá nhiều công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam, tạo ra cơn khát nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn phát triển công nghệ vi mạch bằng chính nội lực trong nước thì bài toán đầu tiên phải đào tạo được nhân lực trong nước”.