Theo TS Lê Thẩm Dương, khi những thuận lợi trước đây về nguồn tài nguyên sẵn có không còn là lợi thế, mỗi quốc gia, mỗi con người buộc phải chuyển sang cạnh tranh với nhau bằng trí tuệ. Nhật Bản, Israel… chính là dẫn chứng cho những đất nước có thiên nhiên bất lợi, đã chuyển sang vận động tư duy để khai thác nguồn tài nguyên chất xám và trở thành những quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Tương tự vậy, cùng một xuất phát điểm, hoàn cảnh, điều kiện như nhau nhưng tư duy và chương trình hành động khác nhau có thể tạo ra người giàu – kẻ nghèo, người thành công – kẻ thất bại. Vì vậy, thay vì hỏi người khác “Làm giàu thế nào?” thì nên tự hỏi “Vì sao tôi nghèo?”. Nếu muốn thành công, không phải lao động nhiều mà hãy thay đổi để tạo nên những tư duy khác biệt.
Vị diễn giả quen thuộc của chương trình nêu ra bảy nguyên tắc vàng để tạo nên tư duy khác biệt. Thứ nhất là sự khác biệt độc đáo. Hãy liên tục dùng nguyên tắc nghi ngờ, liên tục không bằng lòng với mình để tìm ra những cách làm khác nhau. Mỗi vấn đề là duy nhất nên cũng có yêu cầu giải pháp duy nhất. Thứ hai là nguyên tắc về triển khai mục đích. Theo đó, cần tập trung vào mục đích và triển khai mục đích bằng câu hỏi “mục đích của mục đích, của mục đích… là gì” để tìm ra mục đích sau cùng, từ đó, mở rộng các chiều (không gian, thời gian) giải quyết vấn đề. Thứ ba là phải biết định ra giải pháp tương lai để chỉ hướng cho giải pháp hiện tại, đặt nó trong tổng thể của giải pháp lớn hơn. “Nếu đi học mà chỉ nghĩ đến điểm số, học bổng hay viện cớ làm thêm, tích lũy kinh nghiệm để trốn học thì đó là nghĩ ngắn. Hơn người là phải hoạch định, tập trung sinh lực giải quyết mục tiêu dài, đó mới là đột phá. Vì vậy, các bạn sinh viên học ngày hôm này là để dùng cho tuổi 35, chứ nếu chỉ dùng cho ngày mai thì thua rồi!”, TS. Lê Thẩm Dương nhắn nhủ. Thứ tư là phải biết tư duy hệ thống, xét các giải pháp trong tổng thể. Tư duy này còn được gọi là tư duy hàm số và chỉ được ra quyết định khi hàm số tối ưu, tức là cùng một “phát” phải đạt nhiều mục tiêu mới “ra đòn”. Thứ năm là thu thập thông tin có giới hạn. Có nhiều thông tin sẽ tạo nên kiến thức chuyên gia nhưng quá nhiều thông tin chính là một cách hạn chế khả năng giải quyết vấn đề. Vì vậy, cùng một vấn đề, hãy thu thập càng ít số liệu càng tốt nhưng số liệu ấy phải cùng bối cảnh thì mới ra kết quả đúng. Thứ sáu là yếu tố cộng sự. Phải biết lôi kéo người khác tham gia, tạo sự phấn khởi, kích thích và kêu gọi mọi người cùng tham gia kế hoạch thì sẽ tạo ra sức mạnh tập thể. Thứ bảy là thay đổi và cải tiến liên tục. Trong lúc đang hoàn thiện giải pháp mới, phải tiếp tục định ra giải pháp tiếp theo để tính đổi mới được liên tục. |