Khởi nghiệp: Bứt phá giới hạn cùng những ngành học "không dành cho số đông"
Tham gia buổi Talkshow với chủ đề "Khởi nghiệp cho sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn" trong khuôn khổ Ngày hội việc làm do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội tổ chức - USSH Job Fair 2024, ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Cen Group đánh giá về tiềm năng và cơ hội khởi nghiệp của sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn. Theo đó, ông cho rằng bất kì một ngành nghề nào, miễn là xã hội cần thì sinh viên hoàn toàn có thể khởi nghiệp. "Xã hội" ở đây có thể là mỗi cá nhân, cộng đồng, thậm chí là ở tầm Chính phủ, quốc gia.
Shark Hưng cho rằng những ngành học càng đặc thù càng có nhiều cơ hội trong khởi nghiệp. (Ảnh: Phạm Dinh) |
“Vì vậy, các bạn đừng nghĩ rằng là ngành học của chúng ta hàn lâm, lý thuyết mà không thể khởi nghiệp được. Rõ ràng, chúng ta có thể thấy nhiều doanh nhân trên thế giới đều khởi nghiệp trong lĩnh vực chúng ta đang học. Ví dụ như ngành Báo chí, những ‘ông trùm’ về truyền thông, báo chí đều là những doanh nhân thành đạt”, shark Hưng nói thêm.
Doanh nhân sinh năm 1972 nhấn mạnh, những dịch vụ liên quan đến báo chí, phát thanh truyền hình là những dịch vụ xã hội rất cần, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và cả cộng đồng: “Tôi nghĩ, đây là những dịch vụ mà xã hội không những cần, mà là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và cộng đồng”.
Theo Shark Hưng, lĩnh vực càng ít người theo học, càng đặc thù lại càng tiềm năng cho khởi nghiệp. Lý do là bởi sự cạnh tranh thấp hơn, tạo điều kiện cho những người dấn thân có nhiều lợi thế phát triển. Do đó, sinh viên khởi nghiệp trong những lĩnh vực đặc thù như Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ có cơ hội rộng mở hơn.
Tầm quan trọng của trí thông minh cảm xúc
Shark Hưng đánh giá, sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều tiềm năng để khởi nghiệp bởi họ có khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp tốt và kiến thức xã hội. Đặc biệt, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của EQ - trí thông minh cảm xúc - một điểm mạnh nổi trội của sinh viên Khoa học Xã hội và Nhân văn. Doanh nhân 52 tuổi chia sẻ: "Trong các buổi phỏng vấn, tôi thường đặt ra một số câu hỏi để đánh giá EQ của ứng viên, quan sát cách họ xử lý tình huống, mức độ nhạy cảm và khả năng thấu cảm với người đối diện. Kỹ năng này giúp các bạn truyền đạt thông điệp hiệu quả, tạo sự hài lòng và thuyết phục đối tác, đây cũng chính là điểm mạnh của sinh viên Khoa học Xã hội và Nhân văn."
Vị diễn giả đánh giá cao trí thông minh cảm xúc của sinh viên ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn. (Ảnh: USSH Media) |
Ông Phạm Thanh Hưng cho rằng, khởi nghiệp không chỉ là “sân chơi” riêng của sinh viên ngành Kinh tế, mà bất kỳ sinh viên nào, đặc biệt là sinh viên Khoa học Xã hội và Nhân văn đều có thể dấn thân và thành công. Theo ông, kiến thức về kinh tế không phải là rào cản đối với sinh viên ngành này trên con đường khởi nghiệp: “Thiếu hiểu biết về kinh tế không đồng nghĩa với việc chúng ta không thể khởi nghiệp. Suốt cuộc đời, việc học hỏi không bao giờ ngừng nghỉ. Nếu thiếu hụt kiến thức, chúng ta có thể bổ sung bằng cách học hỏi hoặc hợp tác với những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Hãy biến thế mạnh của bản thân thành lợi thế cạnh tranh, đừng vì thiếu sót mà e dè, chần chừ trong việc theo đuổi đam mê khởi nghiệp”. Doanh nhân gốc Hải Dương bày tỏ, mỗi người chỉ cần một tinh thần quyết tâm và đam mê, tìm thấy “long mạch” trong bản thân thì có thể dẫn đến thành công.
3 bài học quan trọng trong quản trị rủi ro
Vị “cá mập” cho rằng rủi ro là điều không thể tránh khỏi trong hành trình khởi nghiệp, và mức độ tổn thương phụ thuộc vào khả năng chịu đựng của mỗi người. Doanh nhân 52 tuổi tâm đắc với triết lý: "Think big, act small" (Suy nghĩ lớn nhưng hành động từ những bước nhỏ) và xem đây là châm ngôn để giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp: “Với số vốn 1 tỷ đồng, nếu các bạn 'tất tay' khởi nghiệp mà thất bại, tổn thương sẽ rất lớn. Thay vì vậy, hãy đầu tư từ từ, bắt đầu với 100-200 triệu đồng, phát triển dần và tăng vốn theo từng vòng. Đây là cách tốt nhất để quản trị rủi ro.”
“Nếu chỉ ‘hé’ ra mà người khác đã bắt chước được, chứng tỏ ý tưởng đó quá dễ dàng và không có gì đặc biệt.” (Ảnh: USSH Media) |
Shark Hưng cùng GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng, PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng USSH tham quan các gian tuyển dụng tại Ngày hội việc làm 2024. |
Bài học thứ hai Shark Hưng chia sẻ để giảm thiểu rủi ro trong khởi nghiệp là kế thừa kinh nghiệm và tri thức từ người đi trước. Ông nhận định nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay mắc phải sai lầm là giấu ý tưởng vì sợ bị sao chép:
“Nếu chỉ ‘hé’ ra mà người khác đã bắt chước được, chứng tỏ ý tưởng đó quá dễ dàng và không có gì đặc biệt.”, doanh nhân 52 tuổi nhận định. Do đó, mỗi bạn trẻ cần ủ ấp, vun đắp ý tưởng của mình và có kế hoạch khoa học để hoạch định ước mơ trong vòng 1-2 năm. Trong thời gian đó, sinh viên nên trau dồi kiến thức bằng cách đi tìm hiểu, khảo sát và lắng nghe ý kiến từ chuyên gia và những người trong ngành.
Bài học thứ ba chia sẻ để giảm thiểu rủi ro trong khởi nghiệp là không nên ôm ấp ý tưởng một mình. Ông cho rằng nhiều bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay thường ảo tưởng về ý tưởng của mình, muốn "làm tất ăn cả", nhưng khi thất bại, họ lại phải gánh chịu hậu quả một mình.
Doanh nhân gốc Hải Dương nhấn mạnh rằng trong những ngày đầu khởi nghiệp, mỗi người cần tìm cho mình một người cộng sự để chia sẻ thành công, thất bại và bù đắp cho những thiếu sót của đối phương: “Người cộng sự tốt sẽ là người đồng hành, động viên, khuyến khích và chia sẻ sự cô đơn trong những ngày đầu khởi nghiệp”, ông cho biết thêm.