Một sinh viên xuất sắc vừa tốt nghiệp tới một công ty lớn nọ để thi tuyển vào vị trí quản lý. Cậu vượt qua được vòng phỏng vấn thứ nhất, giờ cậu sẽ được phỏng vấn bởi giám đốc công ty - cũng là người sẽ đưa ra quyết định cuối cùng. Vị giám đốc xem hồ sơ của cậu, thấy các thành tích học tập đều vô cùng ấn tượng, không có điểm nào để chê trách.
Khi phỏng vấn, vị giám đốc hỏi cậu sinh viên mới tốt nghiệp - ta hãy cứ gọi cậu ấy là John:
- Khi đi học, cậu có học bổng nào ở trường không?
- Dạ không - John giải thích - Tôi đã đi học ở một trường tư danh tiếng, họ không trao học bổng cho bất kỳ sinh viên nào.
- Vậy bố cậu đóng tiền học phí cho cậu phải không? - Vị giám đốc hỏi tiếp.
John đáp:
- Dạ không. Bố tôi qua đời khi tôi còn nhỏ, nên mẹ tôi là người đóng học phí cho tôi.
- Ra vậy. Mẹ cậu làm việc ở đâu?
- Mẹ tôi làm ở tiệm giặt ủi ạ.
Nghe vậy, vị giám đốc bảo John giơ hai bàn tay ra cho ông xem. John giơ tay ra - đôi bàn tay mịn màng, hoàn hảo, như chính bảng điểm của cậu vậy.
Vị giám đốc hỏi:
- Cậu đã bao giờ giúp mẹ cậu giặt ủi quần áo chưa, ở nhà cậu chẳng hạn?
- Dạ chưa. Mẹ tôi luôn muốn tôi có nhiều thời gian để học và đọc nhiều sách hơn nữa. Ngoài ra, mẹ tôi bảo mẹ có thể giặt, ủi, gấp quần áo nhanh hơn tôi, nên hãy để mẹ làm.
- Thế thì tôi có một đề nghị này. Hôm nay, khi về nhà, cậu hãy đi rửa tay cho mẹ cậu. Rồi sáng mai quay lại gặp tôi.
John cảm thấy cơ hội mình được nhận vào làm rất cao. Nên khi về nhà, cậu vui vẻ bảo mẹ để cậu rửa tay cho mẹ. Mẹ John ban đầu cảm thấy rất lạ lùng, nhưng bà cũng rất hạnh phúc, nên bà ra bồn rửa, giơ đôi tay ra cho con trai giúp mình rửa tay. John chậm rãi rửa tay cho mẹ. Và cậu bỗng thấy nước mắt mình rơi khi chạm vào đôi bàn tay của mẹ. Đó là lần đầu tiên cậu để ý thấy rằng đôi tay mẹ rất gầy, rất nhăn nheo, thô ráp, với rất nhiều vết chai, vết trầy xước. Một vài vết xước còn mới đến mức mẹ của John hơi nhăn mặt khi cậu dùng xà phòng cọ vào.
Đây cũng là lần đầu tiên cậu sinh viên xuất sắc nhận ra rằng, chính đôi bàn tay giặt giũ hằng ngày này đã khiến cậu có thể nộp tiền học phí. Những vết chai sần, trầy xước trên đôi tay của mẹ là cái giá mà mẹ trả cho việc cậu tốt nghiệp loại xuất sắc, và cho tương lai của cậu. Sau khi rửa tay cho mẹ xong, John nhất định bắt mẹ ngồi nghỉ, còn cậu đi giặt giũ, phơi quần áo.
Buổi tối hôm đó, hai mẹ con John ngồi trò chuyện rất lâu. Hình như cũng nhiều năm nay rồi, John mới ngồi lắng nghe mẹ, vì trước đây cậu luôn rất bận học, chẳng bao giờ biết mẹ làm những gì, hoặc cảm thấy ra sao.
Sáng hôm sau, John tới công ty gặp giám đốc. Vị giám đốc để ý thấy đôi mắt John sưng hơn hôm qua, nên hỏi:
- Cậu có thể cho tôi biết là hôm qua cậu đã làm gì và học được gì ở nhà mình không?
John đáp:
- Dạ, tôi rửa tay cho mẹ, rồi giặt quần áo, và ngồi nói chuyện với mẹ tôi đến khuya.
- Cảm xúc của cậu thế nào?
- Dạ, tôi suy nghĩ nhiều và nhận ra được rất nhiều điều. Thứ nhất, giờ tôi biết thế nào là sự trân trọng. Nếu không có mẹ tôi, thì sẽ không bao giờ tôi có thành công. Thứ hai, bằng cách giúp đỡ mẹ, thì đến giờ tôi mới nhận ra rằng làm những công việc hằng ngày là khó khăn, mệt mỏi và tốn thời gian đến mức nào. Và thứ ba, tôi đã nhận ra tầm quan trọng và giá trị của gia đình.
Vị giám đốc mỉm cười:
- Đó là điều tôi cũng mong chờ ở một người quản lý cho công ty tôi. Tôi muốn tuyển được một người có thể trân trọng sự giúp đỡ của người khác, một người biết những vất vả và khổ sở của người khác khi làm việc, và một người sẽ không đặt tiền bạc làm mục tiêu duy nhất hoặc cao nhất trong đời. Chúc mừng cậu, cậu đã được tuyển!
Tất nhiên, về sau, John trở thành một vị quản lý giỏi, rất chăm chỉ và được đồng nghiệp cũng như nhân viên tôn trọng. Cậu cũng đem những gì mình học được từ buổi phỏng vấn với vị giám đốc để chia sẻ tiếp với các nhân viên của mình. Bởi vì, giờ thì John đã hiểu rất rõ rằng, mọi thành công hay thăng tiến trong công việc đều có nền tảng và bắt nguồn từ những điều tưởng như bình thường nhất, những nhận thức cơ bản nhất, như các mối quan hệ trong gia đình và những việc chúng ta làm, chúng ta nghĩ mỗi ngày.