Với “kho báu” hơn 200 mẫu tiêu bản bọ cánh cứng, Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt (sinh năm 2001, trường CĐ FPT Arena TP. HCM) mong muốn mọi người sẽ có cảm hứng tìm hiểu và giữ gìn sự đa dạng của các loài côn trùng trước nguy cơ giảm dần số lượng trong tự nhiên.
Từ năm 2015, Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt bắt đầu tìm hiểu thú chơi sưu tầm bọ cánh cứng. Sở thích ấy khởi nguồn khi Kiệt trông thấy hình ảnh bọ cánh cứng đầy màu sắc xuất hiện trong các ấn phẩm truyện tranh Nhật Bản.
Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt dành thời gian với thú chơi tiêu bản sưu tầm bọ cánh cứng. |
Ở Việt Nam, thú chơi này chưa được phổ biến. Ban đầu, Kiệt gặp khó trong việc tìm hiểu, vì những tư liệu về các loài bọ như thế này ở nước ta không có nhiều, phải tìm hiểu ở những website và hội nhóm nước ngoài.
“Rất may mắn, mình tìm gặp được những người đàn anh chơi trước chỉ dẫn lại… để hiểu biết rõ sự đa dạng về hình dáng, chủng loại và độc đáo của các loài bọ. Từ đây, mình cảm thấy hứng thú để sưu tầm bọ cánh cứng…”, Kiệt nói.
Lúc đầu, Anh Kiệt mua lồng, tủ lạnh, thức ăn… để nuôi, nhân giống các loại bọ cánh cứng, rồi thả về tự nhiên. Dần về sau, do bận công việc, anh không thể chăm sóc những con bọ của mình. Thế nên, Kiệt quyết định chuyển từ thú chơi bọ sống sang sưu tầm xác bọ làm tiêu bản bọ cánh cứng.
Giai đoạn đầu gắn bó với thú chơi sưu tầm bọ cánh cứng, Anh Kiệt luôn nhận những câu hỏi thắc mắc từ bố mẹ: “Con bọ này có nọc độc không?”; “Bọ này có gây nguy hiểm không?"... Kiệt giải thích rõ cho bố mẹ hiểu đam mê của mình. Song hành với thú sưu tầm, cậu được một số tổ chức mời tham gia các sự kiện triển lãm có liên quan đến thú chơi bọ cánh cứng, nên gia đình dần yên tâm và ủng hộ.
Với định hướng sưu tầm xác bọ cánh cứng làm tiêu bản, Anh Kiệt kỳ vọng có thể lưu giữ được hình ảnh, mẫu vật về những loài bọ cánh cứng hiếm, đẹp của Việt Nam và thế giới.
Các tiêu bản được Kiệt cố định vào mặt phẳng, đóng trong hộp gỗ có nắp đậy bằng kính trong suốt để trưng bày. |
Câu hỏi nhiều người đặt ra rằng, việc làm tiêu bản sẽ như gây ảnh hưởng đến số lượng sinh sản, môi trường sống tự nhiên của bọ… Anh Kiệt cho rằng, khi sưu tầm bọ thì phải xác định được mình cần đảm bảo được vòng đời sau cho chúng. Kiệt không sử dụng bọ sống làm tiêu bản.
Công việc của Kiệt là thu các mẫu bọ sống ngoài tự nhiên từ các vùng núi cao, rừng cây, công viên… rồi nuôi dưỡng cho sinh sản, khi bọ sống hết vòng đời sẽ lấy làm tiêu bản. Kiệt còn nhờ sự giúp đỡ của những người dân bản địa hoặc bạn bè đi rừng để thu xác mẫu vật chết trong rừng về làm tiêu bản…
“Đối với những loài quý hiếm chỉ mới phát hiện được vài mẫu, mình không thu mẫu để nuôi, dù trong lòng thật sự rất muốn có mẫu đó nhưng bản thân không cho phép, vì sẽ gây ảnh hưởng đến số lượng bọ ngoài tự nhiên”, Kiệt nói.
Sau khi thu được mẫu vật, Kiệt ngâm qua dung dịch (thường pha cồn với nước theo tỷ lệ nhất định) để ngăn chặn quá trình phân hủy của mẫu vật. Tiếp đến, cậu đem ghim kim và phơi nắng. Tùy vào kích thước của con bọ để xác định khoảng thời gian ngâm dung dịch cũng như quá trình phơi nắng (3 - 6 ngày) để xác bọ không bị phân hủy.
Mẫu tiêu bản đầu tiên mà Kiệt thực hiện tiêu bản là bọ cứng kẹp kìm (tên khoa học: Prosopocoilus Spineus). Quy trình xử lý mẫu tiêu bản đầu tiên thành công, Kiệt tiếp cận với các loài bọ khác: Bọ sừng, bọ hoa, bọ xén tóc…
Kiệt với thú chơi độc đáo. |
Sau hơn 7 năm miệt mài thu thập, Anh Kiệt đã có bộ sưu tập hơn 200 mẫu tiêu bản bọ cánh cứng. Trong số này, có những phân loài đặc hữu tại Việt Nam như: Dorcus Curvidens Babai, Lucanus Kraatzi Giangae… Và một số mẫu nước ngoài như: Bọ voi Nam Mỹ (Megasoma Elephas), Bọ kẹp kìm cầu vồng Úc (Phalacrognathus Muelleri)...
“Mình thường dành khoảng 1 - 2 tiếng đồng hồ trong ngày để đọc các tư liệu, thu nạp thêm kiến thức mới để biết cách định danh những mẫu vật bọ cứng mới. Đồng thời, mình tìm cách bảo quản mẫu tiêu bản ở nơi khô ráo, tránh nấm mốc, nhiệt độ quá nóng, khiến mẫu vật giòn, đôi cánh bọ dễ hư hỏng…
Bọ voi Nam Mỹ (tên khoa học: Megasoma Elephas) là loại bọ có kích thước lớn nhất trong bộ sưu tập của Kiệt. |
Tất cả các mẫu vật tiêu bản được mình bảo quản kỹ lưỡng, đúng chuẩn trong hộp gỗ có nắp đậy bằng kính trong suốt… đáp ứng nhu cầu ngắm nhìn, nghiên cứu của người chơi, khách tham quan…”, Kiệt giải thích.
Bộ sưu tập độc đáo hơn 200 mẫu tiêu bản bọ cánh cứng của Kiệt đang được trưng bày tại một quán cà phê ở quận 3 (TP. HCM). Người chơi bọ cánh cứng và giới nghiên cứu côn trùng đánh giá rất cao bộ sưu tập này. Bởi tại đây, Kiệt lưu lại tiêu bản của một số loài bọ đã không còn xuất hiện trong tự nhiên.
|
Bộ sưu tập bọ cánh cứng của Kiệt từ vài con đến hơn 200 mẫu tiêu bản. |
Đến với thú chơi bọ cánh cứng, Kiệt thường nhận được nhiều thắc mắc từ mọi người: “Con bọ này là thật hay giả”; “Nhìn trông nó giống như con gián, sao bạn lại sưu tầm tốn thời gian vậy?"... Không cay cú hay khó chịu, trái lại, Kiệt cảm thấy vui vì bước đầu có nhiều bạn tò mò về thú chơi mới này.
Kiệt dành thời gian giải thích cho mọi người hiểu rõ đam mê cá nhân và diễn giải vanh vách tên khoa học, vùng khí hậu sinh sản, phát triển của các loài bọ mà cậu sưu tầm… Kiệt bày tỏ: “Mình đã được những người đi trước chỉ dẫn nhiều thứ nên bây giờ cũng sẵn sàng trả lời với những ai cần tìm hiểu về bọ cánh cứng”.
Kiệt bảo, khi có người hỏi cậu thích người khác gọi mình là “nhà sưu tầm côn trùng”, “chàng trai GenZ Bọ Kiệt”... Kiệt đã đáp lại: “Thông qua bộ sưu tập bọ cánh cứng, mình mong muốn mọi người biết đến công việc bản thân đang làm hơn là cố định Kiệt trong một biệt danh. Mình nghĩ, để theo đuổi đam mê này, người chơi hãy tìm hiểu đủ sâu, có lượng kiến thức nhất định thì mới nên bắt đầu, nếu không sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến giống loài đó và môi trường sinh sống của chúng…”.
Việc làm tiêu bản bọ cánh cứng cũng đem lại cho Kiệt niềm cảm hứng trong học tập cũng như giải tỏa áp lực từ công việc graphic designer freelance. Những tiêu bản bọ cánh cứng như “kho báu” độc lạ của chàng trai trẻ, cậu lưu giữ để nhìn ngắm và nghiên cứu chúng, dù nhiều người trả giá rất cao nhưng Kiệt không bán.
Nguyễn Huỳnh Anh Kiệt và bộ sưu tập hơn 200 mẫu tiêu bản bọ cánh cứng... |
Kể từ khi bước vào thú chơi mới lạ này, Kiệt nhận thấy bản thân học được những kiến thức về giải phẫu học, sự đa dạng về màu sắc, hình dáng cấu tạo, sự phân bố địa lý của loài côn trùng nói riêng và các loài động, thực vật trong tự nhiên nói chung.
“Sắp tới, mình sẽ dự định mở một triển lãm cá nhân nho nhỏ để trưng bày các mẫu vật bọ cánh cứng sưu tầm. Từ đó, mọi người có thể hiểu thêm đam mê của mình. Hơn hết, mình nghĩ đơn giản, việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ nơi sống của các loài bọ, giúp giữ chúng ở ngoài tự nhiên nhiều hơn…”, Kiệt cho biết.