Kinh nghiệm đỗ học bổng chính phủ Pháp của nữ thủ khoa

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Gần một năm sau ngày tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UEB), Đỗ Thị Ngoan đã chinh phục thành công học bổng chính phủ Pháp France Excellence Eiffel.

Đỗ Thị Ngoan, sinh năm 2001, quê Quốc Oai, Hà Nội, nhận email thông báo đỗ học bổng France Excellence Eiffel (gọi tắt là học bổng Eiffel) hồi giữa tháng 4. Cô sẽ theo học chương trình thạc sĩ một năm (Master 2) ngành Phân tích kinh tế (Economic Analysis) tại trường Đại học CY Cergy Paris.

Kinh nghiệm đỗ học bổng chính phủ Pháp của nữ thủ khoa ảnh 1

Cô gái 23 tuổi hiện đang chuẩn bị cho chuyến du học Pháp.

Học bổng Eiffel được thành lập bởi Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp, dành cho những ứng viên muốn theo học bậc thạc sĩ và tiến sĩ ở các trường đại học tại đất nước hình lục lăng. Với học bổng này, Ngoan nhận được khoản hỗ trợ 1181 euro/tháng (khoảng 32 triệu đồng) trong suốt một năm.

Các ứng viên nhận học bổng Eiffel còn được miễn phí thị thực, chi trả vé máy bay khứ hồi, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm bổ sung và hưởng trợ cấp nhà ở tại Pháp. Vì CY Cergy Paris là trường đại học công nên sinh viên quốc tế như Ngoan được miễn 100% học phí khi đạt học bổng chính phủ.

Cách cân bằng học tập, ngoại khoá và công việc

Trò chuyện với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Ngoan chia sẻ: “Từ những năm tháng cấp hai, có một lần lỡ bắt gặp bức ảnh tháp Eiffel trong buổi chiều hoàng hôn mà mình đã phải lòng nước Pháp. Từ đó, mình bắt đầu đặt mục tiêu phải một lần đặt chân tới đất nước này”.

Trước đó, Ngoan có điểm tốt nghiệp nằm trong top 1% toàn khoá và đạt hơn 10 học bổng khuyến khích học tập, học bổng doanh nghiệp các loại. Cô là thành viên tích cực của CLB Thuyết trình của trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và có kinh nghiệm 6 tháng thực tập tại một tập đoàn đa quốc gia.

Kinh nghiệm đỗ học bổng chính phủ Pháp của nữ thủ khoa ảnh 2

Ngoan trong một lần nhận học bổng khi là sinh viên.

Trước khi tốt nghiệp, cô đã có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học tại trường và là đồng tác giả 1 bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước. Cùng với đó là nhiều giải thưởng lớn, nhỏ từ cấp Viện, cấp Trường cho tới Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học Euréka - phần thưởng cao quý dành cho các công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc.

Để có thể cân bằng tốt việc học tập, nghiên cứu và ngoại khoá, nữ sinh đã áp dụng một số cách khác nhau để tránh việc bị quá tải:

Thứ nhất, xác định sớm mục tiêu và số điểm mong muốn. Theo cô, nếu nhen nhóm ý định nộp học bổng sau đại học, điểm GPA là một yếu tố cực kỳ quan trọng và cần đặt mục tiêu cao nhất có thể.

Thứ hai, để quản lý thời gian hiệu quả, cần có danh sách các việc cần hoàn thành (checklist). Ngoan thường có một danh sách các việc cần làm hàng ngày, hàng tuần để tránh bỏ sót nhiệm vụ nào.

“Mình luôn cố gắng phân chia thời gian cho mỗi hoạt động một cách linh hoạt, dựa trên độ ưu tiên và khối lượng công việc. Dù tham gia ngoại khóa và đi thực tập, mình vẫn ưu tiên dành thời gian cho việc học tập và nghiên cứu”, cô cho biết.

Cuối cùng, cần có thời gian để bản thân tái tạo năng lượng. Là một sinh viên năng động, Ngoan có những lúc bận không ngơi tay, ví dụ thời điểm vừa đi học, làm nghiên cứu khoa học, tham gia một cuộc thi và thực tập ở doanh nghiệp. Sau mỗi giai đoạn như vậy qua đi, cô luôn dành thời gian để bản thân nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng cho các hành trình tiếp theo.

Ngoan cho biết, chương trình học thạc sĩ một năm khá gấp rút nên cô cần chuẩn bị đề tài cho luận văn tốt nghiệp ngày từ đầu. Việc học là ưu tiên hàng đầu nhưng cô cũng muốn cân bằng cuộc sống với việc nghiên cứu và các hoạt động ngoại khóa, nhằm mở rộng kiến thức, kỹ năng, cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ.

Nữ sinh yêu thích đi du lịch và khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm những nền văn hóa đa dạng và độc đáo. Cô đang rất háo hức được khám phá nước Pháp và hy vọng được trải nghiệm nhiều địa điểm nhất có thể, để mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về thế giới.

Kinh nghiệm đỗ học bổng chính phủ Pháp của nữ thủ khoa ảnh 3

Châm ngôn của cô là "Trust myself and make it happen".

Những lưu ý khi ứng tuyển học bổng Eiffel

Sau tốt nghiệp, với hồ sơ mạnh về học thuật và tình yêu nước Pháp, học bổng Eiffel là sự lựa chọn phù hợp mà Ngoan hướng tới. Đây là học bổng đầu tiên mà cô ứng tuyển và cũng là nguyện vọng được mong chờ nhất.

Ngoan bắt đầu quá trình ứng tuyển từ tháng 9 năm ngoái ngay thời điểm học bổng mở đơn. Theo cô, học bổng chính phủ Pháp có điểm đặc biệt là ứng viên không được trực tiếp nộp đơn mà phải do một trường đại học tại Pháp đề cử.

Bởi vậy, ứng viên phải trải qua 2 vòng: vòng với trường đại học và vòng với Campus France (cơ quan thuộc Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp). Tuỳ mỗi trường đại học mà quy trình nộp đơn sẽ khác nhau. Trong trường hợp của Ngoan, trường CY Cergy Paris không yêu cầu phỏng vấn mà chỉ xét duyệt hồ sơ.

Do đó, các ứng viên cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt quy trình ứng tuyển của trường mà mình đặt muốn học. Ngoài ra, mỗi cơ sở giáo dục lại có quy trình và hệ thống ứng tuyển riêng cho học bổng Eiffel.

Trong trường hợp của Ngoan, nhà trường đã gửi link để cô tự điền và nộp đơn. Với các trường khác, cô gợi ý mọi người cần tìm hiểu kỹ thông tin trên trang web của trường, nếu có điều chưa rõ cần mạnh dạn gửi mail cho trường để hỏi.

Vì ứng tuyển ngành thạc sĩ khác với bậc cử nhân nên trước đó Ngoan đã bị một trường đại học từ chối. Có chút buồn nhưng cô cũng nhanh chóng xốc lại tinh thần để chuẩn bị thư động lực học và bản kế hoạch nghề nghiệp chỉn chu, sâu sắc hơn để ứng tuyển các trường khác.

Ngoan cho biết, dù cùng lĩnh vực kinh tế nhưng mỗi trường đều điểm khác, đặc biệt ở bậc thạc sĩ. Việc tìm hiểu chi tiết chương trình học là rất quan trọng để tìm ra sự phù hợp giữa người học và ngành học. Sau đó cần thể hiện được rõ những điểm này trong bài luận để thuyết phục được trường và cơ quan cấp học bổng.

Khi viết luận, cô đã bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào các con số, cũng như đam mê sâu sắc với việc định lượng và phân tích dữ liệu để đưa ra những phán đoán có tính ứng dụng cao. Nữ sinh cũng tự tin thể hiện những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy hoàn toàn phù hợp với ngành học thạc sĩ, cũng như ước mơ rõ ràng cho sự nghiệp.

“Đối với các bạn ứng tuyển trái ngành như mình, hai bài luận này có lẽ là thứ gây ấn tượng với cả hội đồng tuyển sinh và hội đồng học bổng. Một hồ sơ nổi bật không chỉ dựa vào thành tích học tập xuất sắc mà còn phải thể hiện rõ ràng đam mê và mục tiêu của ứng viên”, cô đưa ra lời khuyên.

Kinh nghiệm đỗ học bổng chính phủ Pháp của nữ thủ khoa ảnh 4

Ngoan trong ngày tốt nghiệp đại học.

Ngoan tin rằng yếu tố then chốt giúp cô chinh phục được Hội đồng học bổng là sự xuất sắc trong quá trình học tập. Điều này không chỉ được thể hiện ở danh hiệu thủ khoa ngành từ một trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn ở kinh nghiệm nghiên cứu và làm việc trong suốt bốn năm.

Ứng tuyển học bổng là quá trình đầy gian nan và thách thức. Mình hy vọng những ai đang đi trên con đường này hãy luôn kiên trì và đừng bao giờ từ bỏ. Khi nào cảm thấy căng thẳng quá, hãy cho phép bản thân được thả lỏng, nghỉ ngơi một chút để lấy lại động lực rồi đi tiếp nhé”, Ngoan nhắn nhủ.

(Ảnh: NVCC)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.