Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đang là Trưởng ban Sinh viên, Báo Tiền Phong. Trước đó, anh đã có 20 năm làm việc tại báo Sinh Viên Việt Nam – Hoa Học Trò. Anh cũng là tác giả nhiều cuốn sách best-seller: Trường học hay Trường đời, Xây dựng thương hiệu cá nhân để tự bán mình với giá cao nhất...
Thưa nhà báo Nguyễn Tuấn Anh, anh đã có hơn 20 năm làm việc với nhiều thế hệ sinh viên và giảng viên đại học, anh thấy sự khác biệt nổi bật của mối quan hệ giảng viên và sinh viên hiện nay là gì?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi nhận thấy mối quan hệ giữa giảng viên và sinh viên hiện nay được hỗ trợ nhiều bởi mạng xã hội. Trước đây, khi mạng xã hội chưa phát triển, việc sinh viên được gặp gỡ thầy cô sau giờ lên lớp không hề đơn giản. Nhưng bây giờ, ngoài giờ học trên lớp, các thầy cô và sinh viên hoàn toàn có thể gặp gỡ, giao lưu ở một nền tảng mạng xã hội nào đó.
Nhiều khi không cần đến lớp, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn, hàng vạn sinh viên vẫn có thể theo dõi một buổi học của thầy cô... Ngày xưa, thông tin cá nhân của giảng viên rất khó tiếp cận, bây giờ thì có đầy đủ, chi tiết “hơn mức cần thiết” trên các trang mạng xã hội. Ngày nay, rất khó tìm thấy một thầy cô giảng viên không tham gia một mạng xã hội nào đó.
Theo anh, đâu là món quà quý giá nhất mà thầy cô các thế hệ luôn mong muốn được nhận từ sinh viên trong Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Trong ngày 20/11, món quà nào được nhận từ sinh viên cũng khiến các thầy cô cảm động. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy rằng món quà mà tất cả các thầy cô của tất cả các thế hệ đều mong muốn nhận được từ sinh viên của mình là những tiết học sinh viên học tập trung cao độ để “thu lượm” được nhiều kiến thức nhất có thể từ các thầy cô. Trong thời đại mà các thiết bị cầm tay và mạng xã hội phát triển bùng nổ khiến sinh viên dễ sao nhãng như hiện nay thì những giờ học tập trung càng có giá trị. Bởi tất cả chúng ta đều biết rằng, làm bất cứ công việc gì nếu không tập trung cao độ thì rất khó thành công.
Việc tập trung cũng rất cần nỗ lực từ phía sinh viên. Ví dụ như chuẩn bị bài từ trước, cố gắng không làm việc riêng trong giờ học, chuẩn bị đủ sức khỏe (ngủ đủ giấc, uống đủ nước) để không mệt mỏi trong những tiết học dài. Bên cạnh đó, việc chủ động ghi chép bài vở cũng là một cách để giữ sự tập trung vào lời giảng. Một vài sinh viên còn chia sẻ với tôi rằng các em thường nhai kẹo cao su để giúp tinh thần tập trung, tỉnh táo hơn, và điều này cũng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh. Có thể thấy, việc sinh viên nỗ lực tập trung là không hiếm gặp và đó cũng chính là điều mà mọi thầy cô hy vọng ở các em.
Anh có nghĩ các trường đại học nên xem xét yêu cầu sinh viên không sử dụng điện thoại trong giờ học?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Hiện có những môn học mới đặc thù cần tương tác và linh hoạt với sự hỗ trợ của các thiết bị cầm tay. Hoặc một số giảng viên có phong cách giảng dạy mới yêu cầu sinh viên tìm hiểu kiến thức trên mạng trong giờ học... Những trường hợp này thì việc sử dụng điện thoại trong giờ học là bắt buộc.
Cá nhân tôi cho rằng ngoài những trường hợp đặc thù như trên thì các trường nên có phương án để sinh viên tình nguyện không sử dụng điện thoại trong giờ học, vì có 2 lý do chính.
Không chỉ các bạn sinh viên đâu, ai trong chúng ta cũng dễ bị các nội dung “hấp dẫn” hiện nay trên các thiết bị cầm tay cuốn đi hàng giờ đồng hồ mà không hay biết. Đầu óc đã tập trung vào thiết bị cầm tay rồi thì thầy cô giảng có hay mấy cũng không “ngấm” vào đầu được nữa. Như vậy rất lãng phí.
Lý do thứ hai là nếu được sử dụng điện thoại thoải mái trong giờ học thì tất cả những gì thầy cô nói đều có thể được sinh viên ghi âm, quay chụp, và trong một bối cảnh nào đó lại vô tình trở thành một “miếng mồi ngon” trên mạng xã hội, ảnh hưởng không tốt đến công việc và cuộc sống của các thầy cô. Tâm lý như vậy thì thầy cô sẽ khó có được những giờ giảng bài thăng hoa. Sinh viên sẽ lỡ cơ hội có được nhiều kiến thức thực tế quý giá dễ hiểu nhưng có phần “bỗ bã” từ trường đời mà chỉ những lúc giảng viên thăng hoa, tin tưởng và thân tình thì mới chia sẻ.
Như vậy, thời của mạng xã hội có vẻ như khiến nhiều giảng viên gặp bất lợi?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi không nghĩ vậy, nếu biết tận dụng các nền tảng mạng xã hội thì giảng viên càng dễ dàng xây dựng thương hiệu cá nhân phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu tại trường đại học.
Thời nay, việc các giảng viên cần phải xây dựng thương hiệu cá nhân là điều hiển nhiên. Xây dựng thương hiệu cá nhân không phải là “sống ảo”, “làm màu”, mà là quá trình tạo giá trị cho bản thân và chia sẻ giá trị đó đến sinh viên. Khi những giá trị giảng viên muốn trao gửi đến sinh viên được sinh viên công nhận và chào đón thì giảng viên có thương hiệu cá nhân. Càng được nhiều sinh viên đón nhận thì thương hiệu cá nhân của giảng viên càng lớn. Ngày nay, chỉ cần giảng viên có một giá trị nào đó nổi bật (USP) thì ngay lập tức sẽ được các nền tảng mạng xã hội hỗ trợ hiệu quả.
Anh có cho rằng cùng với sự phát triển của công nghệ, vai trò của giảng viên trong lớp học ngày càng giảm đi?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi lại nghĩ theo hướng là, cùng với sự phát triển của công nghệ, giảng viên càng phải học hỏi nhiều hơn để đem lại những giờ giảng thú vị cho sinh viên trên lớp. Công nghệ không phải chỉ dành cho người trẻ, mà những người không trẻ cũng hoàn toàn có thể tiếp cận và làm chủ được với tư duy học hỏi và phát triển bản thân không ngừng. Công nghệ chỉ là công cụ, làm sao để sử dụng công cụ này hiệu quả nhất thì không ai có thể thay thế được các giảng viên. Quá trình đi học của sinh viên cũng là quá trình học cách để tư duy và biết chọn công cụ nào cho bản thân để có thể thành công trong công việc và cuộc sống.
Theo anh, trong bối cảnh hiện nay, các giảng viên cần phải làm gì để mối quan hệ với sinh viên ngày càng tốt đẹp?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Ý tưởng chính khiến tôi viết cuốn sách Trường học hay Trường đời là dựa vào công thức 10:20:70. Theo công thức này thì toàn bộ kiến thức chúng ta học được ở trường lớp chính quy, từ lớp một đến lớp 12, rồi đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, sau tiến sĩ, dù là cơ bản, là nhân (lõi) thì cũng chỉ chiếm 10% kiến thức thức trong cuộc đời của mỗi người. Kiến thức đến từ những người xung quanh như người thân trong gia đình, bạn bè... chiếm 20%. 70% kiến thức còn lại đến từ những công việc làm thực tế.
Như vậy, học tập và phát triển không ngừng là một hành trình không có điểm dừng, điểm nghỉ. Quá trình giảng dạy và tiếp xúc với sinh viên hằng ngày đem lại khoảng 90% kiến thức cho các giảng viên. Nếu các thầy cô coi việc mình đi dạy và tiếp xúc với sinh viên hằng ngày cũng là quá trình đi học để làm giàu hơn kho kiến thức của mình thì sẽ luôn luôn cảm hứng. Đương nhiên, sinh viên đến trường học là để thu nhận kiến thức từ giảng viên, nhưng nếu sinh viên có cơ hội được chia sẻ những điều/thứ họ giỏi nhất thì lại càng khiến cho mối quan hệ giảng viên – sinh viên được cải thiện. Tôi luôn quan niệm không ai có thể giỏi tất cả mọi thứ, nhưng luôn có một điểm giỏi nhất. Thời bây giờ, có nhiều thứ các thầy cô có thể học hỏi được từ sinh viên của mình.
Trân trọng cảm ơn anh!