Nhân chuyến công tác một tuần của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ở Hà Nội, phóng viên có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với nhà báo về hành trình từ một cây bút vô danh đến “vua phóng sự” của làng báo Việt Nam.
Thưa nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, ông có thể chia sẻ về lần đầu làm báo hoặc là công việc đầu tiên sau khi ra trường?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Với câu hỏi này tôi xin phép trở lại những năm bắt đầu tốt nghiệp, ngay từ khi tốt nghiệp tôi đã xác định mình sẽ làm đúng ngành nghề của mình, đặc biệt trong mảng văn nghệ vì gần với ngành học của tôi. Lúc đó, tôi xin vào báo Văn Nghệ và phỏng vấn nhà thơ Bảo Định Giang. Tuy nhiên, tôi không nhận được hồi âm sau cuộc phỏng vấn. Dù vậy, tôi vẫn kiên định với lựa chọn làm báo. Sau đó, tôi được chọn là 1 trong 13 người ra Hà Nội học báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương, điều này giúp tôi tiến xa hơn trong nghề.
Sau khi tốt nghiệp lần thứ hai, tôi đã có nhiều bài viết và sách xuất bản, nhờ đó được 5 đơn vị mời làm việc. Cuối cùng, tôi chọn báo Tuổi Trẻ vì quê nhà ở miền Nam. Tại đây, tôi bắt đầu với mảng an ninh quốc phòng, viết về thanh niên xung phong, rồi được giao thêm văn hóa nghệ thuật và thể thao. Con đường vào nghề của tôi khá thuận lợi nhờ sự đam mê và nền tảng vững chắc từ sớm.
Trong suốt hơn 40 năm làm nghề báo, đặc biệt với vai trò là phóng viên phóng sự, ông đã từng gặp phải khó khăn gì trong quá trình tác nghiệp khiến ông nhớ mãi?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Công việc báo chí luôn là một công việc đầy khó khăn và thử thách. Rất nhiều người đã từng hỏi tôi rằng, trong suốt quá trình tác nghiệp, tôi đã trải qua những câu chuyện éo le nào chưa? Là một nhà báo chuyên viết phóng sự với hơn 40 năm làm nghề, tôi có thể chia sẻ rằng, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt đối với những người làm phóng sự như tôi.
Nghề báo nói chung vốn đã áp lực với thời gian, sức khỏe, và đôi khi là tiền bạc, nhưng riêng với phóng sự, mọi thứ còn phức tạp hơn. Đầu tiên, làm phóng sự không đi theo tập thể mà phải tác nghiệp độc lập. Tôi không có đề tài được phân công sẵn, mà phải tự tìm tòi, tự mình đến với những câu chuyện và khám phá những điều mới mẻ để viết. Điều này đòi hỏi một sự sáng tạo cá nhân rất lớn, vì một bài phóng sự không thể nào theo một công thức cứng nhắc nào của báo chí.
Nếu báo chí nói chung đòi hỏi tính khách quan, thì phóng sự lại mang đậm tính chủ quan, thể hiện qua góc nhìn và quan điểm riêng của người viết. Phóng sự không chỉ là thuật lại sự việc, mà là kể lại câu chuyện theo cách của chính mình.
Có ba khó khăn chính đối với người viết phóng sự. Thứ nhất là thời gian. Một bài báo thông thường có thể viết xong trong vài giờ hoặc một ngày, nhưng để hoàn thành một bài phóng sự, đôi khi phải mất cả tháng trời. Thứ hai là tiền bạc. Chi phí cho các chuyến đi tác nghiệp thường không đủ, và đôi khi tôi phải tự bỏ tiền túi ra. Thứ ba là sức khỏe. Những chuyến đi xa, qua nhiều vùng rừng, núi, biển, và cả những khu vực thiên tai đều là thách thức không nhỏ đối với sức khỏe của người làm phóng sự.
Tôi nhớ có lần xin đi theo máy bay trực thăng đến hiện trường một vụ tai nạn, nhưng không được chấp nhận vì đó là chuyến bay cứu hộ. Chúng tôi đành quay về, nhưng chỉ một ngày sau, chiếc máy bay đó rơi và 7 người trên chuyến bay tử nạn. Nếu tôi được phép đi theo, có lẽ tôi cũng đã không còn ở đây để chia sẻ với các bạn.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. |
Là một người đầu ngành, chắc hẳn ông đã từng nghe qua những tiếng xấu trong xã hội gắn với người làm báo. Ông có cảm nhận như thế nào về vấn đề này?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Câu “nhà báo nói láo ăn tiền” hay “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” đã có từ rất lâu, xuất phát từ dân gian. Tuy nhiên, không phải do dân gian mà những câu nói này dính vào nghề của chúng tôi, mà chính từ những hành vi không đúng đắn của một số nhà báo. Có những điều oan, nhưng cũng có những điều người ta nói đúng. Có trường hợp nhà báo vô tình sai, nhưng cũng có trường hợp cố ý sai, thêm thắt, bóp méo sự thật. Những điều này đã gây ra nỗi buồn và sự đau lòng cho nhiều nhà báo chân chính như tôi.
Dù vậy, tôi nhận thấy rằng lỗi nghề nghiệp, như sơ suất kỹ thuật hay vô tình sai sót, có thể được tha thứ. Nhưng những lỗi cố tình, có chủ đích để câu view, kiếm tiền hoặc thậm chí làm hại người khác, mới đáng bị công chúng phê phán.
Trong suốt mấy chục năm làm nghề, tôi chứng kiến nhiều lỗi sơ suất hơn là lỗi cố ý. Nhưng hiện nay, thật đáng buồn là cũng có một số trường hợp nhà báo cố tình vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điều đó khiến câu nói “nhà báo nói láo” càng trở nên nặng nề hơn.
Dù vậy, chúng ta không thể lấy một vài cá nhân làm sai để đánh giá cả nghề. Con số những người làm báo sai trái chỉ là một phần nhỏ trong hàng ngàn người đang làm việc đúng đắn. Hàng năm, có vài chục nhà báo bị phát hiện sai phạm, nhưng số lượng nhà báo đang cống hiến cho nghề và viết những điều tốt đẹp lớn hơn rất nhiều.
Nếu nhà báo "nói láo", thì việc gì chúng tôi phải đi tận nơi, mất bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền bạc và cả sức khỏe để viết ra những bài báo từ thực tế? Còn rất nhiều nhà báo, đặc biệt là ở các tỉnh thành, vẫn đang làm việc đàng hoàng và cống hiến không ngừng cho nghề mà không bị dính đến tiếng xấu.
Vậy nên, chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng. Đừng để một vài "con sâu làm rầu nồi canh" mà quên đi những người đang cống hiến, đóng góp cho sự phát triển và phản ánh đúng đắn sự thật của xã hội.
Phỏng vấn lấy tin luôn là khâu quan trọng nhưng đồng thời cũng cực kỳ "khó nhằn" đối với người làm báo. Tuy nhiên, không một bài báo nào của ông vắng bóng những chia sẻ, những câu chuyện chân thật, cảm động, những tâm sự tưởng chừng như khó mà khai thác được từ nhân vật. Vậy, bí quyết để phỏng vấn thành công ở đây là gì?
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân: Một trong những điều quan trọng khi phỏng vấn là phải luôn trung thực với nhân vật, đừng bao giờ biến tấu lời họ. Nếu không, sau này có thể xảy ra tranh cãi khi nhân vật cho rằng họ không hề nói điều đó. Ví dụ, tôi từng ghi lại một lời của ông Võ Văn Kiệt, nhưng sau đó phải xin lỗi vì có sự hiểu lầm rằng đó là mệnh lệnh chính thức, trong khi chỉ là lời nói thường. Điều đó dạy tôi rằng khi phỏng vấn, cần phải rõ ràng về mục đích và bối cảnh bài viết.
Muốn phỏng vấn thành công, trước tiên phải tạo được sự tin tưởng từ nhân vật. Cần giải thích rõ bạn đến từ tờ báo nào, vấn đề bạn muốn khai thác là gì, và bài viết sẽ đăng ở đâu. Hãy luôn tôn trọng quyền của nhân vật, đừng ép họ trả lời theo ý mình. Cách tiếp cận này sẽ giúp bạn có được những câu trả lời tự nhiên, chân thật nhất.
Một bí quyết nữa là hãy để nhân vật đọc lại bài viết trước khi xuất bản. Điều này không chỉ giúp họ hài lòng mà còn giúp bạn tránh được những sai sót không đáng có. Đồng thời, bạn cũng nên biết cách kiên nhẫn và khéo léo khi đối mặt với những nhân vật khó tính. Đôi khi, phỏng vấn không chỉ là hỏi đúng câu hỏi, mà còn là khơi gợi đúng cảm xúc của nhân vật.
Nhà báo phải biết điều chỉnh vai trò của mình. Đừng bao giờ tỏ ra mình biết quá nhiều, bởi việc khoe kiến thức sẽ làm nhân vật cảm thấy bị áp lực. Hãy đặt những câu hỏi mở rộng để nhân vật có thể thoải mái chia sẻ thêm thông tin. Ba câu hỏi quan trọng trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào là: cung cấp thông tin, mở rộng vấn đề, và đối chiếu thông tin. Đối chiếu là bước quan trọng để xác nhận độ chính xác và tránh nhầm lẫn.
Cuối cùng, kiên trì là yếu tố quyết định. Rất nhiều nhân vật sẽ từ chối trả lời ngay từ đầu, nhưng nếu bạn bám đuổi, chứng tỏ được sự quan tâm thực sự, họ sẽ dần mở lòng. Có trường hợp như cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ông từ chối trả lời báo Sài Gòn Giải Phóng nhưng lại trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ vì sự kiên trì của họ. Nhà báo không chỉ đơn giản là đến hỏi và đi, mà còn phải tạo ra mối quan hệ, thể hiện sự tôn trọng và cần thiết đối với người được phỏng vấn.
Trong nghề báo, sự nhạy bén, tinh tế và lòng kiên trì luôn là những yếu tố không thể thiếu để tạo nên một cuộc phỏng vấn thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!