Thưa tiến sĩ Phạm Chiến Thắng, dưới góc nhìn của một chuyên gia, giảng viên về truyền thông, ông nghĩ sao về lối sống “phông bạt” của một số bạn trẻ hiện nay?
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng: Tôi thấy rằng nhiều bạn trẻ bây giờ đang dành rất nhiều thời gian và năng lượng để xây dựng hình ảnh cá nhân, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội. Điều này vô tình đã kéo họ vào vòng xoáy của lối sống “phông bạt” hiện nay. Họ bị cuốn hút bởi những lượt thích, bình luận và người theo dõi, họ coi đó như một thước đo giá trị và sự thành công của bản thân.
Điều này dẫn tới những áp lực phải duy trì một hình ảnh hoàn hảo, cố gắng “đu” theo những xu hướng mới nhất và thậm chí là theo đuổi những hình mẫu mà họ cho rằng nó là hoàn hảo nhưng lại không phù hợp với vị trí, năng lực của mình. Sự coi trọng quá mức các giá trị ảo có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ tinh thần của giới trẻ, một số trường hợp còn khiến họ bị cô lập khỏi xã hội thực.
Theo ông, sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội có phải là yếu tố quan trọng để trào lưu sống “phông bạt” lên phát triển?
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng: Đúng vậy, theo quan điểm của tôi, sự lên ngôi của các nền tảng mạng xã hội chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy trào lưu sống “phông bạt” của giới trẻ. Bởi mạng xã hội cung cấp môi trường thuận lợi cho việc chia sẻ hình ảnh, video, câu chuyện cá nhân một cách rộng rãi và đi kèm với đó là những tính năng như lượt thích, bình luận, chia sẻ…tạo ra hệ thống phản hồi tức thì, khuyến khích người dùng đăng tải nội dung để nhận được sự công nhận từ cộng đồng. Từ đó, số lượng người theo dõi, những lời khen, lượt thích trở thành thước đo mà các bạn trẻ dùng đánh giá sự thành công, độ nổi tiếng cho bản thân mình.
Hơn nữa, các thuật toán của mạng xã hội thường hiển thị nội dung dựa trên mức độ phổ biến và lượt tương tác cao, làm gia tăng sự cạnh tranh và thúc đẩy người dùng tạo ra nội dung hấp dẫn hơn, giật gân hơn, đôi khi không phản ánh đúng sự thật. Bên cạnh đó, việc theo đuổi những hình ảnh "hoàn hảo" của người khác trên mạng xã hội cũng góp phần làm gia tăng áp lực phải "phông bạt" để dễ được chú ý và nổi tiếng.
“Việc theo đuổi những hình ảnh "hoàn hảo" của người khác trên mạng xã hội cũng góp phần làm gia tăng áp lực phải "phông bạt" để dễ được chú ý và nổi tiếng”.
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng – Trưởng khoa Báo chí Truyền thông Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Ảnh: Lê Vượng. |
Làm thế nào để phân biệt được những giá trị thật và giá trị ảo trên các nền tảng mạng xã hội hiện nay?
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng: Để phân biệt được giá trị thật và giá trị ảo trên mạng xã hội cần có sự tỉnh táo và đánh giá khách quan. Trong đó, cần tập trung vào tính chân thật và minh bạch của nội dung, những giá trị thật thường phản ánh chính xác những cảm xúc, suy nghĩ, khó khăn…trong xã hội, còn giá trị ảo thường “tô hồng” các sự việc xảy ra một cách quá mức để tìm kiếm sự hoàn hảo mà đôi khi không có thực.
Ngoài ra, các nội dung có giá trị thật thường hướng tới việc cung cấp thông tin hữu ích, có giá trị truyền cảm hứng hoặc giáo dục thì giá trị ảo chủ yếu để thu hút sự chú ý, lượt thích, lượt theo dõi hoặc để thể hiện hình ảnh cá nhân. Những giá trị ảo này không có tác động tích cực, thậm chí gây áp lực tâm lý hoặc cảm giác thiếu tự tin cho người theo dõi.
Do đó, để đánh giá các giá trị này cần tập trung vào những điểm chính như xem xét xem nội dung có mang lại thông tin hữu ích, kiến thức mới hoặc giá trị giáo dục không. Đối với thông tin quan trọng, cần kiểm chứng qua các nguồn đáng tin cậy khác. Xác định xem nội dung đó khiến bạn cảm thấy tích cực hay tạo ra áp lực và nhìn vào cách mọi người chia sẻ tương tác với nội dung đó, họ có phản hồi với nội dung một cách chân thành và xây dựng không.
Vì sao xu hướng sống ảo có vẻ như đang phát triển trong một bộ phận giới trẻ hiện nay, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng: Xu hướng "sống ảo" trong giới trẻ hiện nay là kết quả của nhiều yếu tố phức tạp, đầu tiên, phải kể tới sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội, sự phổ biến của smartphone và internet giúp giới trẻ dễ dàng truy cập các nền tảng mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi. Các nền tảng mạng xã hội lại cung cấp nhiều tính năng tương tác, sáng tạo nội dung và tăng cường kết nối “ảo”, thu hút người dùng tham gia một cách tích cực.
Tiếp theo là như cầu khẳng định bản thân và tìm kiếm sự công nhận của giới trẻ, giai đoạn thanh thiếu niên là thời kỳ tìm kiếm bản sắc cá nhân và mong muốn được công nhận từ gia đình, bạn bè cũng như xã hội. Do đó, những lượt thích, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội tạo ra cảm giác họ được quan tâm và đánh giá cao. Bên cạnh đó, là áp lực từ xã hội và bạn bè đồng trang lứa, họ nhìn thấy hình ảnh "hoàn hảo" của người khác trên mạng dễ dẫn đến sự so sánh và áp lực phải đạt được những tiêu chuẩn tương tự. Điều này, càng khuyến khích họ tham gia vào các xu hướng "hot" giúp giới trẻ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, để tránh bị lạc lõng hoặc cô lập.
“Nhìn thấy hình ảnh "hoàn hảo" của người khác trên mạng dễ dẫn đến sự so sánh và áp lực phải đạt được những tiêu chuẩn tương tự”.
Theo tiến sĩ Phạm Chiến Thắng, để tránh lối sống "phông bạt" đòi hỏi sự tự giác và nỗ lực từ bản thân. |
Một lý do cũng khá quan trọng đó là các bạn trẻ hiện nay thiếu các sân chơi, hoạt động ngoại khóa hoặc cộng đồng thực tế khiến giới trẻ tìm đến mạng xã hội để kết nối. Trong khi đó, ở nhà thì sự bận rộn của cha mẹ và thiếu giao tiếp trong gia đình có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, thúc đẩy việc tìm kiếm sự kết nối trên mạng. Một số bạn trẻ lựa chọn sử dụng mạng xã hội như một cách để trốn tránh căng thẳng, áp lực hoặc vấn đề trong cuộc sống thực.
Cuối cùng là các bạn trẻ bây giờ vẫn còn thiếu kỹ năng và nhận thức về sử dụng mạng xã hội. Nhiều người chưa được trang bị kiến thức để đánh giá và sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, bên cạnh đó việc thiếu kinh nghiệm sống khiến giới trẻ dễ bị tác động bởi thông tin và hình ảnh trên mạng mà không có sự phân tích sâu sắc.
Hậu quả của lối sống “phông bạt” là gì, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng: Lối sống phông bạt, coi trọng các giá trị ảo trên mạng xã hội có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đối với sức khoẻ tinh thần, các mối quan hệ và sự phát triển cá nhân của giới trẻ. Áp lực từ việc luôn phải duy trì hình ảnh hoàn hảo, nhận được nhiều lượt thích và bình luận có thể dẫn đến căng thẳng và stress. Bên cạnh đó, dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội có thể làm giảm thời gian và chất lượng giao tiếp trực tiếp với gia đình và bạn bè. Sự phân tán từ mạng xã hội có thể làm giảm tập trung trong học tập và công việc, cũng như hạn chế cơ hội phát triển kỹ năng hay tiếp thu kiến thức mới.
Việc đánh giá giá trị bản thân dựa trên lượt thích và theo dõi thay vì những thành tựu thực tế cũng gây ra những áp lực phải tuân theo những tiêu chuẩn phi thực tế, có thể dẫn tới những rối loạn về tinh thần hoặc dễ trở thành mục tiêu của các hành vi lừa đảo, công kích cá nhân…
Ông có lời khuyên gì với các bạn sinh viên về vấn đề này?
Tiến sĩ Phạm Chiến Thắng: Để tránh lối sống "phông bạt" đòi hỏi sự tự giác và nỗ lực từ bản thân. Các bạn sinh viên cần nâng cao nhận thức để có thể đánh giá một cách khách quan nội dung trên mạng, không dễ dàng bị cuốn theo những xu hướng không lành mạnh. Cần dành ra những khoảng thời gian trong ngày hoặc tuần không sử dụng mạng xã hội để tập trung vào các hoạt động khác như gặp gỡ bạn bè và gia đình, xây dựng mối quan hệ chân thành ngoài đời, hoặc tham gia vào các câu lạc bộ, thể thao, nghệ thuật hoặc bất kỳ hoạt động nào bạn yêu thích.
Hãy tập trung vào những mục tiêu phát triển bản thân một cách cụ thể và thiết thực như mục tiêu trong học tập, nâng cao thành tích, nâng cao kiến thức. Để làm được điều này cần tích cực đọc sách, tham gia các khoá học hoặc tìm hiểu về những tri thức mới. Đặc biệt là hạn chế so sánh mình với người khác, điều này vô tình sẽ khiến bạn bị áp lực phải theo đuổi những giá trị không phù hợp với bản thân mình, hãy học cách chấp nhận và yêu thương bản thân mình, thay vì theo đuổi những hình ảnh phi thực tế trên mạng.
Cuối cùng, các bạn sinh viên cần nâng cao kiến thức về kỹ năng sử dụng mạng xã hội, hiểu các thuật toán và cách vận hành của nền tảng truyền thông này. Từ đó, xây dựng các phương án kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, để mang lại những giá trị hữu ích cho bản thân.
Trân trọng cảm ơn ông!