Nữ sinh khiếm thị nuôi ước mơ trở thành một nhà công tác xã hội

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Huế, lại bị mù cả hai mắt sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u ác tính vì căn bệnh ung thư mắt, thế nhưng, Hồ Thị Kim Trang (sinh năm 2003) vẫn không bao giờ để bóng tối có cơ hội vùi lấp ước mơ của mình.

Dẫu không thể nhìn thấy mọi thứ nhưng Kim Trang chưa bao giờ từ bỏ việc đi tìm ánh sáng bằng con chữ. Trong 4 năm học THCS, Kim Trang liên tiếp đoạt giải tại cuộc thi “Viết thư quốc tế UPU” dành cho trẻ em. Không chỉ nhận được nhiều bằng khen và học bổng, Kim Trang còn truyền cảm hứng, nghị lực sống cho nhiều người qua bài viết của mình trong group “Flex đến hơi thở cuối cùng”. Đặc biệt, cô gái khiếm thị còn nuôi ước mơ trở thành một nhà hoạt động xã hội để được đi nhiều nơi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Nói về đôi mắt của mình, Trang cho biết, gia đình phát hiện Trang mắc căn bệnh ung thư mắt khi chỉ mới 2 tuổi. Dẫu cuộc phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u ác tính nhưng Trang cũng mất đi thị lực cả hai mắt. Trải qua những ngày tháng đen tối, Kim Trang chưa bao giờ từ bỏ tinh thần lạc quan, luôn cố gắng hết mình để có cuộc sống tốt hơn. “Mình nghĩ là mình may mắn vì ngay từ ban đầu đã không thể nhìn thấy nên mình dễ tập làm quen với mọi thứ. Mình suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tích cực, mọi biến cố, mọi khó khăn càng làm mình có thêm động lực và quyết tâm để vươn lên mỗi ngày”, Kim Trang bộc bạch.

Hành trình theo con chữ, tìm kiếm tri thức

Vào lớp 1 năm 8 tuổi, với đôi mắt không nhìn thấy gì, Kim Trang vẫn bộc lộ tố chất thông minh, ham học hỏi. Trang được thầy cô yêu mến, luôn giành được danh hiệu học sinh Khá, Giỏi trong những năm học tiểu học. Thế nhưng chỉ vì lý do "người mù học để làm gì, sau này cũng không giúp được cho ai" mà Trang bị gia đình cho thôi học năm 12 tuổi.

Suốt một năm nghỉ học, theo chân mẹ rong ruổi khắp các con đường ở TP. Huế bán vé số trang trải cuộc sống, Kim Trang luôn nuôi dưỡng ước mơ được đi học trở lại, được đến trường. Năm 13 tuổi, may mắn mỉm cười với Trang, khi cô được dì thuyết phục bố mẹ cho đi học lại. Trang trở lại trường học, vào lớp 5, với quyết tâm tiếp tục theo đuổi con chữ.

 Nữ sinh khiếm thị nuôi ước mơ trở thành một nhà công tác xã hội ảnh 1

Kim Trang vẫn đang nỗ lực hết mình trong học tập.

“Mình thích học, mình thích được đến trường. Bởi vì đã từng trải qua những ngày không được đi học, không được đến trường nên mình hiểu được cảm giác cô đơn và trống vắng khi phải mưu sinh hay ở nhà một mình. Đến trường, mình được tiếp xúc với nhiều bạn bè, được học hỏi và được vui chơi, mình luôn muốn được hòa nhập với mọi người”, Kim Trang chia sẻ.

Vào THCS năm 14 tuổi, Kim Trang là học sinh khiếm thị duy nhất của lớp. Trang phải tập làm quen với mọi thứ, từ con đường đến trường đến cách học, cách viết và Kim Trang gặp phải không ít khó khăn.

“Khi bắt đầu vào một môi trường mới, mình phải làm quen lại từ đầu với tất cả mọi thứ. Phải mất một thời gian, mình mới nhớ được đường đi, nhớ vị trí của cây cối và đồ vật bên đường, thuộc rồi thì mới đỡ bị đụng hơn. Thêm vào đó, mình không thể viết nhanh được nên phải nhờ anh chị tình nguyện viên đọc lại để chép. Khá rắc rối vì mình không thể chủ động trong việc ghi chép bài vở”, Kim Trang kể về những khó khăn mà mình từng gặp phải trong những năm THCS.

 Nữ sinh khiếm thị nuôi ước mơ trở thành một nhà công tác xã hội ảnh 2

Kim Trang luôn giữ tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Khó khăn là thế, nhưng vượt lên trên tất cả, Trang luôn duy trì học lực ở mức Khá. Ấn tượng hơn Trang giành giải Quốc gia trong "Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 năm 2018 và được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao bằng khen. Năm 2020 và 2021, Trang tiếp tục có giải ở cuộc thi này. Tổng cộng, Trang có 3 giải Quốc gia, 2 giải Nhất cấp Tỉnh và 1 giải Khuyến khích cấp Tỉnh ở cuộc thi có quy mô toàn quốc này.

Niềm khát khao được học, được tìm tòi, được sống đúng với lứa tuổi của mình đã thành hiện thực khi Trang được tuyển thẳng vào trường THPT Hai Bà Trưng ở TP. Huế, cũng là học sinh khiếm thị duy nhất của cả khối 10 vào trường khi đó. Tại đây, Trang tiếp tục phát huy năng lực của mình và gặt hái nhiều thành công.

“Khiếm thị chỉ là sự bất tiện, chứ không phải bất hạnh”

Trước những thành công của Trang, nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và khen ngợi. Nhưng ít ai biết rằng, sau những vinh quang ấy là những nỗ lực không ngừng nghỉ và những đấu tranh không hề dễ dàng của nữ sinh này. Dành hầu hết thời gian trên chiếc bàn học để làm quen với chữ nổi, học cách sử dụng các công cụ hỗ trợ cho người khiếm thị như máy tính, điện thoại, sách nói… để học tập và giao tiếp. Phải tự rèn luyện bản thân để không bị tự ti, mất tự tin và bỏ cuộc. Kim Trang đã phải vượt qua nhiều rào cản về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính bản thân mình để theo đuổi ước mơ.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, trải qua những ngày tháng mưu sinh vất vả, cả gia đình phụ thuộc vào chiếc xe bán cháo của mẹ, Kim Trang luôn thôi thúc bản thân phải cố gắng hơn mỗi ngày để thay đổi tương lai. Trang hiểu rõ, với người khiếm thị, chỉ có học mới có thể giúp tương lai tươi sáng hơn. “Với mình, tri thức giống như ánh sáng và sự học là cánh cửa mở rộng giới hạn của bản thân, giúp mình khám phá ra con đường được trải dài dưới ánh sáng. Không chỉ mở rộng tầm nhìn, nâng cao khả năng và kỹ năng, mà còn giúp mình tự tin, tự lập, hòa nhập với xã hội”, Kim Trang bày tỏ.

Là người lạc quan, song, những lúc yếu lòng, Kim Trang không khỏi cảm thấy lạc lõng, chông chênh, muốn buông bỏ mọi thứ vì chi phí trang trải cho việc học đã khó. Bên cạnh đó, chi phí đi lại cũng trở thành một chướng ngại vật lớn đối với Trang.

 Nữ sinh khiếm thị nuôi ước mơ trở thành một nhà công tác xã hội ảnh 3
Sắp tới, Kim Trang sẽ cố gắng để vào được trường đại học mình mong muốn để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.

“Mỗi ngày mất khoảng 40.000 đến 50.000 đồng tiền đi xe ôm. Hôm nào mà gặp người quen thì mất 30.000 đồng. Có lần, mình bất lực khi nghĩ đến tiền đâu để đi lại hằng ngày”, Kim Trang bùi ngùi.

Tuy có đôi lúc buồn nhưng không phó mặc cuộc sống, Trang nỗ lực nhận học bổng để có thêm tiền di chuyển. Đồng thời, cô cũng dành dụm để gửi về cho mẹ trang trải cuộc sống.

Với Kim Trang, không nhìn thấy ánh sáng sẽ gặp nhiều khó khăn và bất tiện. Nhưng chưa bao giờ nữ sinh này xem đây là bất hạnh. Được sống, được học tập, theo đuổi ước mơ là niềm hạnh phúc của Trang. “Mình rất thích câu nói “khiếm thị chỉ là sự bất tiện, chứ không phải bất hạnh”. Ai cũng sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống, mình không thể nhìn thấy nên sẽ khó khăn hơn một chút nhưng cuộc sống luôn cho mình cơ hội để vươn lên. Đó là lý do mình luôn cố gắng không bỏ qua bất kì cơ hội nào để trở thành một phiên bản tốt hơn của mình ngày hôm qua”, Kim Trang mạnh mẽ khẳng định.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Hai thanh niên Sơn La đưa nông nghiệp sạch lên bản đồ số

Hai thanh niên Sơn La đưa nông nghiệp sạch lên bản đồ số

SVVN - Từ một thanh niên sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn La, Hà Văn Sáng và Quàng Thị Vy không chỉ mang trong mình ước mơ làm giàu từ nông nghiệp mà còn tiên phong áp dụng công nghệ số vào phát triển mô hình chăn nuôi và trồng trọt. Dự án ‘Thanh niên nông thôn chuyển đổi kỹ thuật số’ đã không chỉ tạo ra những sản phẩm nông sản sạch mà còn đưa chúng đến gần hơn với cộng đồng qua nền tảng YouTube, TikTok, Facebook... thu hút hàng nghìn lượt theo dõi.
Cô gái Việt giành 2 học bổng danh giá và cuốn nhật ký tuổi trẻ đặc biệt

Cô gái Việt giành 2 học bổng danh giá và cuốn nhật ký tuổi trẻ đặc biệt

SVVN - Phạm Lê Bảo Ngân, sinh năm 2000, hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Luật Kinh doanh Quốc tế và Trọng tài ở Ba Lan với học bổng 100% của trường Đại học Silesia. Sau khi hoàn thành 1 năm học ở Ba Lan, cô nàng đã nhận được học bổng trao đổi sinh viên Erasmus+ của Liên minh Châu Âu, nên cô sẽ hoàn thành năm thứ hai Thạc sĩ Luật ở Ý.
Không khí lạnh tràn về, sinh viên Thủ đô thích nghi thế nào để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới?

Không khí lạnh tràn về, sinh viên Thủ đô thích nghi thế nào để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới?

SVVN - Nhiệt độ giảm sâu, những cơn mưa bất chợt kéo dài từ đêm 25/11 đã khiến nhịp sống của sinh viên Thủ đô thay đổi đáng kể. Trước sự chuyển biến của thời tiết, các bạn trẻ phải tìm cách cân bằng giữa học tập, sinh hoạt và giữ gìn sức khỏe để chuẩn bị thích ứng cho những ngày Đông sắp tới.
Ký ức thầy cô trong lòng sinh viên

Ký ức thầy cô trong lòng sinh viên

SVVN - Ngày 20/11 không chỉ là dịp để tri ân và bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy cô, mà còn là cơ hội để bạn trẻ cùng tôn vinh trí tuệ và tình yêu mà những người thầy, người cô đã dành trọn cho thế hệ học trò. Đó là những giá trị không thể đong đếm bằng vật chất, mà là những bài học quý giá, những tình cảm chân thành mà thầy cô đã 'gieo trồng' trong lòng mỗi sinh viên.
Nữ 'Sinh viên 5 tốt' đại diện thế hệ trẻ vinh dự trao hoa tặng Tổng Bí thư Tô Lâm trong sự kiện tôn vinh các nhà giáo

Nữ 'Sinh viên 5 tốt' đại diện thế hệ trẻ vinh dự trao hoa tặng Tổng Bí thư Tô Lâm trong sự kiện tôn vinh các nhà giáo

SVVN - Lê Huyền Trang là sinh viên tiêu biểu của khoa Kinh tế Phát triển, trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội). Cô vinh dự đại diện thế hệ trẻ cả nước trao hoa tặng Tổng Bí thư Tô Lâm, tại chương trình 'Gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc', nhân Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).