Chương trình nằm trong series “Gen Z đi nghiên cứu” nhằm tạo cho sinh viên cơ hội được trau dồi kỹ năng rèn luyện tư duy, cách nhận diện thông tin sai lệch, cách xử lý khủng hoảng truyền thông, làm thế nào để hiểu công nghệ và sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, hữu ích,...
Nhận biết tin giả đúng cách
Tin giả (fake news) hiện nay đang tràn lan trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt, khiến nhiều bạn trẻ lo lắng. Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng biết, nếu tung tin giả làm ảnh hưởng đến người khác có thể bị xử lý hình sự.
Theo các chuyên gia, có 3 loại tin giả: Mis-information (thông tin sai nhưng không ác ý, cố ý), Dis-information (thông tin sai một cách ác ý, cố ý) và Mal-information (thông tin, hình ảnh không sai nhưng bị lồng ghép có mục đích, sai về bối cảnh hoặc thời gian).
Nhằm giúp đỡ sinh viên trên con đường học tập, Đoàn trường ĐH Quốc tế đã tổ chức buổi talkshow với hai diễn giả: ThS Phạm Công Nhật - phụ trách mảng Khởi nghiệp, Nhân sự và Du học của báo Tuổi Trẻ (TP. HCM) và ThS Lê Đình Lực - Founder & CEO tại Học viện tiếng Anh tư duy - DOL English.
Rất đông các bạn sinh viên nghe chia sẻ của hai diễn giả. |
Theo ThS Phạm Công Nhật, Gen Z được gọi là công dân kỹ thuật số vì được tiếp xúc với điện thoại, mạng xã hội từ sớm. Điểm cộng là Gen Z có thể làm việc đa nhiệm, thành tạo công nghệ hơn các thế hệ trước. Nhưng hạn chế là dùng quá nhiều mạng xã hội đã dẫn đến sự mất tập trung của người trẻ, khả năng tập trung ít, ít kiên nhẫn, chưa có khả năng xử lý khủng hoảng, vì vậy, khi gặp sự việc nào đó, dễ bị mất bình tĩnh. Không những vậy, Gen Z còn dễ dàng trở thành người nghiện công nghệ, sống không thể thiếu điện thoại.
“Nếu một ngày mình có 100% thời gian rảnh thì mình dùng 70% thời gian rảnh cho mạng xã hội dùng để lướt Facebook và các thông tin tràn lan trên mạng”, Nhật Anh (năm thứ hai, ngành Công nghệ thông tin) chia sẻ.
ThS Phạm Công Nhật cho rằng, tính cách và thế giới quan của Gen Z đang bị thay đổi bởi mạng xã hội. “Đó là lý do chỉ trong một đêm, thông tin về "nữ sinh trường ĐH Ngoại ngữ Tin học bị hiếp dâm" có tới hơn 30.000 lượt share. Một số bạn sinh viên đã thừa nhận với tôi rằng, nhiều bạn đôi khi chưa đọc hết bài mà chỉ xem cái clip, cảm xúc dâng trào và nhấn share ngay lập tức. Nó ảnh hưởng do tính cách và thế giới quan của các bạn đang bị tác động. Một phần các bạn hằng ngày dành rất nhiều thời gian cho Internet và mạng xã hội, điều đó khiến cho việc này trở nên phổ biến hơn”, diễn giả nói.
Áp dụng tư duy phản biện trong cuộc sống
Thực tế, hiện nay, các bạn trẻ hay tìm kiếm thứ gì trên mạng xã hội thì những nội dung đó sẽ xuất hiện nhiều hơn, đó là thuật toán của Facebook. Theo góc nhìn của hai diễn giả, điều này đã khiến các bạn trẻ mất đi tư duy phản biện.
Tư duy phản biện là dùng những quan điểm, câu trả lời phù hợp, lập luận thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình dựa trên quá trình phân tích và đánh giá thông tin. Nếu có tư duy phản biện, các bạn trẻ sẽ không “trở thành con rối” trong các sự việc. “Nhiều bạn trẻ ngày nay không thích làm teamwork vì không thể thay đổi những góp ý của bạn khác. Không ít bạn trẻ hiểu sai về tranh cãi và tranh luận”, anh Công Nhật bày tỏ.
Các bạn sinh viên cùng chụp hình cùng diễn giả tại chương trình. |
Cũng theo anh Nhật, các trường đại học hiện nay nên tập trung nâng cao về kỹ năng mềm, tư duy phản biện cho sinh viên, hơn là tập trung cho điểm số. Đồng thời, các trường cũng nên làm rõ lợi ích ngắn hạn và dài hạn, ngắn hạn thì giúp các bạn vui, giúp các bạn tìm kiếm việc làm nhưng dài hạn thì các bạn sẽ không có được những kỹ năng mềm, những thứ mà xã hội cần. “Nên tách bạch giữa hai việc đó và thiết kế lại những khóa học. Như vậy, các bạn sẽ cứng cáp và các vấn đề sẽ được giải quyết nhẹ nhàng, không xảy ra những chuyện nghiêm trọng như vụ việc vừa rồi”, anh Nhật chia sẻ.
Cũng theo CEO Đình Lực, tư duy phản biện rất quan trọng trong cuộc sống, đặc biệt là trong lúc khởi nghiệp. “Khi tiếp nhận nhiều thông tin nhưng nó mâu thuẫn nhau thì mình nên “cụ thể hóa vấn đề”, xét từng bối cảnh phù hợp, từng nhân vật và câu chuyện cụ thể. Từ đó, sẽ đưa ra kết luận chính xác nhất, phân tích vấn đề một cách thấu đáo nhất”, CEO Đình Lực nhấn mạnh.