Ngay từ khi còn nhỏ, mình đã nhận thức được những khó khăn về tài chính của gia đình. Mình còn nhớ thời điểm học cấp 1 - cấp 2, bố mẹ thậm chí còn không có đủ tiền để đóng học phí cho mình. Mình luôn là người đóng tiền học chậm nhất lớp, đi học thì bị bạn bè cười nhạo vì luôn để thầy cô nhắc nhở về vấn đề này nhiều lần.
Bùi Mạnh Tiến là cựu sinh viên chuyên ngành Báo in tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Đỉnh điểm nhất là lúc mình học lớp 11, nhà mình làm ăn thua lỗ, bố mẹ liên tục cãi nhau, mẹ phải bỏ nhà đi nhiều tháng khiến mình và em trai khá suy sụp. Khoảng thời gian đó, mình nhiều lần không thể tập trung học tập, kết quả cuối kỳ giảm sút và từng có suy nghĩ dừng lại việc học, tìm kiếm một công việc lao động nào đó để phụ giúp gia đình. Nhưng mình nhận ra rằng bản thân phải cố gắng học tập để có thể thay đổi cuộc sống trong tương lai vì “Tri thức chính là lối đi ngắn nhất để đến được với thành công”.
Thời điểm mình suy sụp nhất thì may mắn có dì ruột luôn ở bên động viên và hỗ trợ giúp mình có động lực, tiếp tục học tập và nuôi dưỡng ước mơ học đại học. Nhìn lại cả hành trình đã qua, nếu không có sự hỗ trợ từ dì thì có lẽ mình đã không hoàn thành 4 năm học đại học đáng nhớ này.
Mạnh Tiến bén duyên với nghề báo từ câu nói đùa của bố. |
Nhắc về cơ duyên đến với báo chí có lẽ là từ một câu nói đùa của bố mình. Ngày bé, mình là một người rất thích xem các chương trình thời sự và đặc biệt thường cập nhật các tin tức mới nhất để có thể kể lại cho mọi người nên bố có nói rằng: “Con sau này nên làm nhà báo sẽ rất phù hợp”.
Dù chỉ là một câu nói vu vơ của bố nhưng nó đã theo mình suốt những năm tháng trung học và trở thành mục tiêu số 1 của bản thân tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Mình đăng ký tổng cộng 10 nguyện vọng và đặt hết hy vọng tại mái trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền. May mắn thay, mình đỗ hết tất cả 10 nguyện vọng và được trở thành tân sinh viên báo chí đúng như ước mơ ấp ủ.
Trở thành một phóng viên là điều Mạnh Tiến luôn mơ ước và nỗ lực phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. |
Gia đình mình không có ai từng theo học ngành báo nên khi biết mình lựa chọn mọi người cảm thấy khá lo lắng về “đầu ra” tương lai. Họ hàng mình ai cũng bảo “Bây giờ báo in hết thời rồi, học xong ra bán báo cũng chả ai mua” hay có người còn kỳ thị rằng “tại sao con trai lại đi học báo, nghề đó phải là của con gái mới đúng”. Những lúc như vậy mình chỉ biết mỉm cười cho qua chuyện vì mình biết ngành báo chí rất đa dạng về công việc tương lai. Học báo in không phải ra là sẽ chỉ làm về báo giấy mà ngành này chính là cái nôi của báo chí, tập trung rèn luyện khả năng viết bài. Sau khi ra trường, chúng mình có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau có thể là báo mạng, truyền thông, quảng cáo,…
Bố mẹ mình vốn chỉ học đến cấp 3 nên việc định hướng nghề nghiệp cho mình là không có. Tất cả đều do mình tự tìm hiểu và lựa chọn, bố mẹ bảo sướng khổ sau này ở mình nên quyết định sao cho đúng và hợp lý. Và mình may mắn khi được sự ủng hộ về ngành học từ gia đình.
Mình bén duyên với công việc cộng tác viên khá tình cờ và có phần “hơi muộn” so với nhiều người bạn cùng khoá. Sau khi trải qua kỳ thực tập tại cơ quan báo chí, mình được các anh chị trong tòa soạn gửi lời mời cộng tác và bắt đầu gắn bó với công việc này từ lúc còn là sinh viên năm tư cho đến tận bây giờ.
Mạnh Tiến (thứ hai từ phải sang) tham gia cộng tác với mong muốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. |
Với bản thân mình, trở thành một phóng viên là điều mình luôn mơ ước và nỗ lực phấn đấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Bước chân vào con đường này, mình may mắn được các anh chị phóng viên đi trước chỉ dẫn cho rất nhiều kiến thức chuyên môn và tạo cơ hội để mình được tác nghiệp thực tế. Trong một năm qua mình đã có cơ hội tham gia và đưa tin cho nhiều sự kiện văn hoá, giải trí lớn nhỏ diễn ra tại Hà Nội.
Sự kiện mình nhớ nhất có lẽ là lần đi lấy tin về buổi biểu diễn của nhóm nhạc Blackpink tại Hà Nội. Mình vinh dự được đi theo các anh chị phóng viên trong tòa soạn thực hiện tác nghiệp suốt 3 ngày liên tiếp tại nhiều địa điểm khác nhau từ sân bay đến khách sạn lưu trú của nhóm và ngoài sân vận động Mỹ Đình. Lần đầu tiên phải tự đi xa, chủ động tìm nhân vật phỏng vấn, đóng giả làm người mua vé trực tiếp để lấy tin, thậm chí bị đối tượng xấu dọa nạt… Lần đầu tiên mình biết thế nào là áp lực “chạy bài sự kiện”. Mình nhớ như in hình ảnh tất cả các anh chị phóng viên cùng ngồi chung ở 1 góc trong quán cà phê để dựng bài và phát sóng trực tiếp những tin tức nóng nhất ở hiện trường. Tất cả những kỉ niệm này khiến mình nhớ mãi về khoảng thời gian làm tin thực tế đầy thú vị này.
Mạnh Tiến cùng những người bạn thân tại đại học. |
Trong suốt 1 năm qua, bản thân mình đã cố gắng thay đổi rất nhiều. Từ bé mình vốn là một người hướng nội, ngại thể hiện trước đám đông và khá nhút nhát, thậm chí không ai tưởng tượng được cái đứa yếu đuối như mình có thể theo đuổi ngành nghề đòi hỏi sự hướng ngoại cao như báo chí này.
Sau khi tiếp xúc với báo chí mình đã trở thành con người mới. Mình bạo dạn hơn, tự tin đi tác nghiệp một mình ở những nơi đông người, sẵn sàng thể hiện thế mạnh của bản thân để có những cơ hội tốt.
Với mình, nghề báo là nghề rất thiêng liêng và cao quý. Nhờ có báo chí, mình có thể mở rộng mối quan hệ, được lắng nghe những chia sẻ từ nhiều nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc sống. Với mỗi một bài viết phỏng vấn mình như được sống trong chính câu chuyện của họ. Bằng chính “ngòi bút” của phóng viên mà nhiều người tốt, tài năng được đến gần hơn với độc giả. Nhìn thấy nụ cười của những nhân vật, sự tự hào của gia đình họ khi có con được lên báo chính là niềm vui lớn nhất đối với mình khi quyết định trở thành một phóng viên thực thụ. Cảm ơn nghề báo khi đã cho mình những cơ hội tốt để tiếp xúc, gặp mặt nhiều nhân vật giỏi, trở thành cầu nối, đại diện cho tiếng nói của độc giả để phản ánh những vấn đề nhạy cảm trong đời sống.
Mình nghĩ rằng, lứa 2001 bọn mình đã trải qua khoảng thời gian khó khăn trong 4 năm học tập, bắt đầu từ đại dịch COVID - 19 cho đến những tác động của việc suy thoái kinh tế.
Mạnh Tiến xây dựng những kế hoạch định hướng phát triển bản thân trong năm 2024. |
Mặc dù trải qua 4 năm đại học nhưng phải đến gần 2 năm, chúng mình phải ở nhà và học tập trực tuyến qua màn hình máy tính. Mình còn nhớ khoảng thời gian học môn chuyên ngành, đáng lẽ chúng mình phải được ra ngoài tìm kiếm đề tài phỏng vấn, tác nghiệp như nhiều anh chị khóa trên thì lại bị cách ly giữa các tỉnh và phải ở trong nhà thực hành online bằng những bài tập thay thế.
Thậm chí, ở chuyến đi công tác chính trị xuống các tỉnh do trường tổ chức cũng phải huỷ ở phút chót do vấn đề dịch bệnh lan nhanh. Điều này khiến cho mình và các bạn trong lớp khá buồn vì không có nhiều kỉ niệm đẹp bên nhau.
Báo chí vốn là ngành cần phải thực hành nhiều thay vì chỉ học trên sách vở nên trong suốt 2 năm bị dịch bệnh hoành hành mình và các bạn chung khó đã mất rất nhiều cơ hội để học hỏi và trải nghiệm thực tế với nghề.
Khoảng thời gian 4 năm trôi qua quá nhanh, bản thân mình vẫn chưa cảm nhận, tích lũy được nhiều thì lại phải đương đầu với những khó khăn mới đó là suy thoái kinh tế hậu COVID - 19. Các công ty gần như không tuyển dụng, cắt giảm lương. Thời gian đầu mới ra trường, mình khá chật vật đi tìm kiếm công việc phù hợp. Mình nhớ nhất thời điểm xin vào 1 công ty truyền thông, trải qua 3 vòng phỏng vấn, bài thi IQ… đến khi vào làm thì công ty đột ngột thông báo ngừng nhận nhân viên mới vì phải cắt giảm nhân lực do ảnh hưởng kinh tế.
Đặc biệt, hiện nay nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với các bạn Gen Z chúng mình. Đa phần đều cho rằng chúng mình “làm ít đòi hỏi nhiều”, thích là nghỉ làm, không sống quy củ như thế hệ trước. Vào làm các công ty và nhận phải ánh nhìn hoài nghi của các thế hệ đi trước khiến mình và các bạn khá áp lực. Họ thậm chí còn trả lương khá thấp cho chúng mình, chỉ khoảng 4-5 triệu và đặt khá nhiều các yêu cầu cao trong công việc. Việc bị bóc lột sức lao động, cắt giảm quyền lợi tối thiểu, không được công nhận khả năng làm việc… là những gì mà nhiều bạn trẻ sinh năm 2001 như mình phải trải qua khi mới ra trường. Khi vượt qua giới hạn chịu đựng, bạn bè mình nhiều người lựa chọn về quê để tìm kiếm cơ hội khác, làm trái ngành trái nghề,…
Có một câu nói khá tâm đắc và đã trở thành kim chỉ nam cho mình trong suốt nhiều năm qua đó là: “No one has the power to shatter your dreams unless you give it to them” (tạm dịch: Không ai có quyền phá vỡ giấc mơ của bạn trừ khi bạn trao nó cho họ). Với mình đã theo đuổi gì là sẽ quyết tâm đến cùng, không vì vài sự khó khăn mà nản chí bỏ cuộc để rồi tiếc nuối. Lựa chọn báo chí, mình muốn bản thân dành ra 1 vài năm tích lũy, học hỏi các kinh nghiệm. Mình còn trẻ nên có cơ hội thì sẽ nắm bắt phát triển hết mình, nếu cái duyên với nghề không còn thì mình mới tìm hướng đi khác cho bản thân. Mình biết vấn đề tài chính luôn là điều khiến người trẻ quan tâm nhưng mình không muốn để nó thao túng và ảnh hưởng quá nhiều đến các quyết định của mình.
Năm 2024 với mình sẽ là những bước ngoặt mới, định hình rõ con đường mà bản thân sẽ theo đuổi. Sẽ không còn là một cậu nhóc gắn mác “sinh viên mới ra trường” nữa, mình sẽ dùng những kinh nghiệm tích lũy được để đón nhận những cơ hội mới, tập trung rèn luyện bản thân và có những chuyến đi khám phá mới.
Dự định năm mới của mình đó là tiếp tục theo đuổi nghề báo, dành thời gian học một số kỹ năng mềm và ngoại ngữ mới để phục vụ cho công việc. Nếu có cơ hội mình muốn thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong báo chí, có thể là mảng người dẫn chương trình.
(Ảnh: NVCC)