Chính phủ yêu cầu trường tổ chức lại cơ cấu, hoạt động theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan. Trong quá trình đó, trường phải bảo đảm quyền, lợi ích của các bên, hoạt động bình thường, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.
Theo mô hình đại học, hội đồng trường và người đứng đầu, Hiệu trưởng trường ĐH Duy Tân tiếp tục làm nhiệm vụ đến khi Công ty Cổ phần Tập đoàn Duy Tân - nhà đầu tư của trường, ra quyết định công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng đại học và giám đốc đại học.
Sinh viên trường ĐH Duy Tân. (Ảnh: NTCC) |
Để chuyển từ trường đại học thành đại học, Nghị định 99 năm 2019 của Chính phủ quy định các trường cần đảm bảo ba điều kiện: được tổ chức kiểm định hợp pháp đánh giá đạt chuẩn chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ, quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp, các nhà đầu tư chấp thuận.
Trường ĐH Duy Tân được thành lập năm 1994 tại Đà Nẵng. Đến nay, trường đã đào tạo hơn 77.600 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, với đội ngũ hơn 1.200 cán bộ, giảng viên cơ hữu. Hàng năm, trường tuyển khoảng 7.000 sinh viên, thuộc 7 trường: Kinh tế, Khoa học máy tính, Công nghệ, Y Dược, Du lịch, Đào tạo quốc tế và Ngoại ngữ - Xã hội nhân văn.
Trường ĐH Duy Tân chuyển thành mô hình đại học sẽ là trường đại học thứ 8 tại Việt Nam. (Ảnh: NTCC) |
Theo bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024 của tổ chức QS, trường ĐH Duy Tân đứng ở vị trí 514 - thứ hạng tốt nhất trong các trường ở Việt Nam. Gần đây, tổ chức xếp hạng đại học US News của Mỹ xếp trường trong top 140 về ngành Khoa học máy tính, top 300 toàn cầu. Dù vậy, kết quả này gây tranh cãi ở trong nước, liên quan đến số lượng công bố quốc tế - vốn được các bảng xếp hạng thế giới tính trọng số cao.
Cả nước hiện có 7 đại học gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TP. HCM. Tất cả đều là cơ sở giáo dục đại học công lập, nhận đầu tư từ ngân sách và thuộc sở hữu của Nhà nước.