Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh. |
Thưa anh, anh lý giải thế nào về xu hướng nhiều cá nhân tự xuất bản sách trong thời gian gần đây?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Tôi cho rằng đây là một xu hướng tất yếu vì cùng với sự phát triển của xã hội nói chung và của văn hoá đọc nói riêng, nhiều cá nhân sẽ có nhu cầu xuất bản sách. Việc tự xuất bản sách có nhiều lý do, trong đó có một lý do được nhiều tác giả coi trọng là làm thương hiệu cá nhân. Nhiều người đã bắt đầu ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân và bắt đầu đầu tư cho việc đó.
Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn không?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Trước đây, mọi người hay lo lắng về các thủ tục pháp lý để các cá nhân có thể tự liên kết xuất bản sách, nhưng bây giờ mọi thứ rất đơn giản, hầu như nhà xuất bản (NXB) nào cũng có dịch vụ này.
Khi tự xuất bản sách, ngoài vấn đề thủ tục pháp lý (xin giấy phép xuất bản, giấy phép phát hành) thì nhiều cá nhân thường quan tâm đến kênh phát hành. Nhưng với các cá nhân có nhiều người hâm mộ (hiện nay số lượng các cá nhân như thế đang ngày một nhiều trong xã hội) thì họ hoàn toàn có thể tự phát hành trên các kênh cá nhân (hiệu quả nhiều khi còn cao hơn các kênh phát hành truyền thống).
Hai khâu “ngại” nhất (theo quan điểm của người chưa từng xuất bản sách) mà đã giải quyết được rồi thì khâu còn lại để tự xuất bản một cuốn sách không thành vấn đề.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh làm người dẫn chuyện trong lễ ra mắt sách "Cảm xúc là kẻ thù số một của thành công 2" của TS Lê Thẩm Dương tại FAHASA Vạn Phúc, Hà Nội. |
Ai cũng có thể tự xuất bản sách, vậy chất lượng những cuốn sách này có được đảm bảo không, thưa anh?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Đương nhiên là chất lượng được đảm bảo vì 2 lý do sau đây. Thứ nhất, nếu bản thảo không đạt yêu cầu thì NXB sẽ không cấp giấy phép xuất bản. Có nghĩa là đa số những cuốn sách đã được cấp giấy phép để xuất bản đều đạt chuẩn về chất lượng.
Thứ hai, do ý thức được việc xuất bản sách là để làm thương hiệu nên các tác giả rất chăm chút cho sản phẩm của mình. Nhiều người có điều kiện còn mời các chuyên gia tư vấn để có bản thảo tốt nhất. Bản thảo gửi đến NXB để xin cấp giấy phép thường đã là các bản thảo thoả mãn tất cả các yêu cầu của NXB.
Theo anh, những lỗi thường mắc của các cá nhân khi tự xuất bản cuốn sách đầu tiên là gì?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Lỗi thường gặp nhất là về chính tả. Nhiều tác giả không có thói quen đọc lại bản thảo trước khi gửi NXB. Hoặc có khi đọc kỹ bản thảo rồi nhưng lại không đọc kỹ lại bông cuối (file thiết kế hoàn chỉnh gửi nhà in) nên có thể sẽ bị mất chữ so với bản thảo ban đầu.
Lỗi thường gặp thứ hai là các chương/ phần của cuốn sách chưa thực sự gắn kết, thiết kế chưa chuẩn mực. Để tránh lỗi này, nếu tác giả có điều kiện về tài chính thì nên mời một chuyên gia xuất bản có kinh nghiệm tư vấn.
Lỗi thường gặp thứ ba là tác giả hay bán sách trước khi có giấy phép phát hành (in xong là bán luôn). Giấy phép phát hành được cấp bởi NXB đã cấp giấy phép xuất bản cho cuốn sách. Khi tác giả gửi 20 cuốn sách cho NXB, NXB sẽ gửi nộp lưu chiểu tới Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau 10 ngày, nếu Cục Xuất bản, In và Phát hành không có ý kiến phản hồi thì NXB sẽ cấp giấy phép phát hành. Lúc này cuốn sách mới được chính thức phát hành. Với lỗi bán sách trước khi có giấy phép phát hành thì tác giả thường bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
Anh có lưu ý gì với các cá nhân có nhu cầu tự xuất bản sách?
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: Việc tự xuất bản sách hiện nay đơn giản hơn trước đây rất nhiều. Tuy nhiên, các tác giả nên chăm chút tác phẩm của mình hơn để khi được in ra không bị các lỗi về nội dung và hình thức. Khi chưa thực sự hài lòng về cuốn sách thì chưa nên xuất bản bởi sách khi đã xuất bản rồi thì không sửa chữa được. Mà có thu hồi thì cũng bị ảnh hưởng đến thương hiệu, đi ngược lại với lý do ban đầu khi xuất bản sách là xây dựng thương hiệu cá nhân cho tác giả. Vậy lý tưởng nhất vẫn là nên có chuyên gia tư vấn xuất bản ngay từ đầu.
Cảm ơn anh.
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đang làm việc tại báo Tiền Phong. Anh có gần 10 năm kinh nghiệm viết sách best-seller cho nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó có TS Lê Thẩm Dương (Chuyên gia kinh tế), TS Alok Bharadwaj (Chủ tịch Hiệp hội Giám đốc Marketing châu Á)...
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh được đào tạo bài bản về báo chí truyền thông, quan hệ quốc tế, nhân sự, marketing, quản trị kinh doanh...