“Anh Đỗ, anh có muốn cưới cô gái xinh đẹp này làm vợ không?” - trong căn nhà nhỏ nơi tổ chức đám cưới, con gái Đỗ Hân Vũ hỏi cha mình, với tư cách là người dẫn chương trình. Người bố cầm trên tay một bông hồng và đáp: “Tôi sẵn lòng”. Cô con gái hỏi mẹ đang nằm trên giường bệnh: “Cô Phạm, cô có muốn lấy anh Đỗ đẹp trai này không? Nếu cô không nói có nghĩa là cô đã ưng thuận”. Khung cảnh đám cưới đầy sự ấm áp yêu thương, tràn ngập tiếng nói nụ cười nhưng lại khiến người xem muốn khóc.
Trước đó một ngày, Đỗ Hân Vũ vừa đếm số tiền tiết kiệm được vừa từ tốn nói ước nguyện đã lên kế hoạch từ lâu của mình: "Ngày mai là Lễ Thất tịch. Con đã tiết kiệm được ngần này tiền. Con không biết một chiếc váy cưới là bao nhiêu tiền. Dù sao đi nữa, con chỉ muốn ngày mai sẽ mua được cho mẹ một chiếc váy cưới, chụp ảnh cưới cho bố và mẹ, thỏa lòng mong ước của mẹ, và cũng là mong ước của con ".
Vào đêm trước của Lễ thất tịch, Đỗ Hân Vũ đã định mua một chiếc váy cưới cho mẹ với số tiền 392,1 nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu đồng) mà cô thu được từ việc bán phế liệu. Cô bé ngây thơ đến một hiệu chụp ảnh cưới gần nhà nhất. Đây là cửa tiệm duy nhất cô bé tìm được. Đỗ Hân Vũ cảm thấy hơi hồi hộp và lo lắng vì tiền không đủ để mua áo cưới cho mẹ.
Ông chủ là một người ông tốt bụng, sau khi hỏi han biết về hoàn cảnh của cô gái nhỏ, ông đã từ chối thu tiền và đưa ra đề xuất để cô bé sử dụng miễn phí chiếc váy cưới. Ông chủ cửa tiệm chỉ dặn cô bé trả lại váy sau khi sử dụng xong. Sự tốt bụng của ông chủ tiệm đã khiến cô bé ngây thơ Đỗ Hân Vũ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Cô bé mang chiếc váy cưới chạy thẳng về nhà và giấu nó đi, cô muốn tạo bất ngờ cho bố mẹ vào ngày lễ Thất tịch.
Bố mẹ của cô bé – Đỗ Hải Dương và vợ gặp nhau khi đang làm việc tại miền Nam, họ kết hôn sau vài năm yêu nhau. Tuy nhiên họ đã không thể thể tổ chức đám cưới do điều kiện thiếu thốn. Họ có cùng mục tiêu và ước mơ: làm việc chăm chỉ để kiếm tiền sở hữu một gia đình nhỏ thuộc về mình, rồi sau đó tổ chức một đám cưới đẹp. Ngày 23/12/2008, con gái Đỗ Hân Vũ chào đời khiến hai vợ chồng làm việc vất vả hơn. Trải qua hơn mười năm đi làm thêm vất vả, cuối cùng họ cũng tích góp được một số tiền tiết kiệm, nhưng khi ước mơ ngày càng đến gần thì tai nạn xảy ra.
Sau hơn hai năm điều trị, Phạm Tố Phương đã bình phục từ trạng thái thực vật để mở mắt và tỉnh lại. Việc điều trị kéo dài khiến Đỗ Hải Dương tiêu hết tiền tiết kiệm của gia đình trong khi nợ nần chồng chất khắp nơi. Hiện tại, tổng cộng anh đã tiêu hơn 600.000 nhân dân tệ (~2 tỉ đồng), không còn khả năng chi trả các chi phí bệnh viện. Anh chỉ có thể đưa vợ về nhà, ở bên vợ 24/24 và chăm sóc chu đáo cho cô. Căn phòng nhỏ có đầy đủ các dụng cụ và thuốc men, và nó trông giống như một phòng khám nhỏ.
Dựa vào kinh nghiệm điều dưỡng lâu năm, Đỗ Hải Dương hiểu rõ bệnh tình của vợ, chỉ cần nhìn ánh mắt và cử động, anh có thể biết vợ mình khó chịu ở đâu, đau hay ngứa. Nhưng điều kiện ở nhà không tốt bằng bệnh viện, nên tình trạng của vợ anh ngày càng xấu đi. Vì không thể để vợ ở bệnh viện điều trị nên Đỗ Hải Dương đã tực học cách tiêm và truyền nước. Lúc tiêm lúc truyền, nóng lạnh đau ngứa, ăn uống và vệ sinh, anh đều có thể xử lý theo trật tự như một bác sĩ.
Cô con gái nhạy cảm Đỗ Hân Vũ sau khi học bài xong cũng trở thành "y tá nhỏ" của mẹ, thường xuyên giúp cha chăm sóc mẹ. Mỗi khi về nhà nghỉ, em giúp bố việc nhà, giặt giũ, nấu nướng và giúp mẹ hút đờm, cho uống nước và ăn cơm. Khi không bận việc gì, cô bé lại bận rộng với việc vẽ tranh, mong rằng cha có thể giúp mình bán tranh để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ. Mặc dù có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng cô bé 11 tuổi lại có thành tích học tập khá xuất sắc và thường xuyên nằm trong top 3 các kỳ thi. Những bằng khen của em dán đầy tường trong nhà.
Hiện tại, Đỗ Hải Dương không thể chi tiền để đưa vợ vào bệnh viện, và chỉ có thể dựa vào thuốc để duy trì cuộc sống cho vợ ở nhà. Nhiều loại thuốc được mua từ bên ngoài và không được hoàn trả cho các hợp tác xã nông thôn khám chữa bệnh. Du Haiyang cần phải chăm vợ 24/24 và không thể ra ngoài làm việc kiếm tiền. Diện tích đất canh tác chỉ có 3 mẫu của gia đình cũng không thể làm ruộng nên cho người khác thuê với giá thuê hàng năm là 300 nhân dân tệ (~1 triệu đồng). Đây là thứ duy nhất mà có thể tạo ra thu nhập cho gia đình ba người họ.
Nhìn thấy tình trạng của vợ ngày một xấu đi, Đỗ Hải Dương thực sự bất lực. Cuộc đời thằng trầm khiến anh từ một chàng thanh niên đẹp trai giờ đây không khác gì một kẻ lang thang. Tất cả những điều này đều được cô con gái Đỗ Hân Vũ nhìn thấy, ghi nhớ trong lòng và ghi vào nhật ký của mình. Cô bé tự nhủ mình cần phải có hành động, cho dù có bao nhiêu gian khổ và nhẫn nại đằng sau chuyện này.
“Con có một điều ước, con muốn mẹ con khỏi bệnh càng sớm càng tốt, bởi vì mỗi lần con nhìn thấy những bạn khác đi cùng với bố mẹ, con rất ghen tị, họ thực sự hạnh phúc. Mong mẹ sớm khỏi bệnh và đừng bỏ con” - cô bé 11 tuổi Đỗ Hân Vũ đã khóc khi nói về điều ước của mình. Đằng sau những giọt lệ ấy, đó là một sự mềm yếu đáng thương, nhưng cũng ẩn sâu một sự mạnh mẽ đáng khâm phục. Câu chuyện cô bé mua váy cưới cho mẹ bằng tiền tiết kiệm bán phế liệu của mình, tổ chức cho bố mẹ một đám cưới như mong ước hiện đang gây bão mạng xã hội Trung Quốc. Câu chuyện chạm tới trái tim của người đọc và hiện đang thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà hảo tâm. Cư dân mạng cũng đang kêu gọi sự giúp đỡ từ khắp nơi cho gia đình của họ.