Đào Hữu Quý là cựu sinh viên ngành Kế toán, trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên - Huế. Sau khi tốt nghiệp, Hữu Quý làm công việc kế toán tại TP. HCM được 5 năm thì quyết định nghỉ việc, trở về Huế và làm người mẫu áo dài. Anh làm người mẫu khoảng 5 năm thì dịch COVID-19 ập đến. Trong thời gian này, Quý tiếp cận với TikTok và tìm hiểu công việc sáng tạo nội dung.
Đào Hữu Quý nặn tượng Ông Công, Ông Táo ở làng Địa Linh (TP. Huế) |
Với loạt chủ đề đa dạng trên nền tảng mạng xã hội, Đào Hữu Quý lựa chọn hướng đi riêng bằng việc chia sẻ video về ẩm thực, văn hóa, những làng nghề truyền thống dần mai một tại xứ Huế.
Ban đầu, anh xây dựng kênh với chuỗi video đầu tiên chia sẻ những món ăn độc lạ xứ Huế. Đó là bánh đúc mật, bánh lọc chiên, bánh canh bột lộn, bún giấm nuốc. Cơ duyên khiến Quý ghi lại hình ảnh cuộc sống, món ăn quê hương xuất phát từ ký ức tuổi thơ.
Hữu Quý thử sức với công việc làm bánh thuẫn nóng mềm mềm, ngọt thơm. |
Quý kể: "Khi còn nhỏ, ba mẹ bận việc, cùng với đó là phải chăm bé em út nên hầu như phần lớn thời gian, mình được mệ nội chăm sóc. Bà nấu cho mình ăn những món ăn rất Huế, ru ngủ bằng những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Lớn lên, đi làm ở Sài Gòn được 5 năm, mình muốn trở lại mảnh đất quê hương. Việc tìm hiểu các món ăn truyền thống ở Huế, gặp gỡ nhiều người đã giúp mình có thêm ý tưởng sáng tạo nội dung”.
Càng tìm hiểu về giá trị truyền thống, Quý lại càng trân quý những nghề xưa hơn. |
Tại Huế, các làng nghề truyền thống dần mai một vì nhiều lý đó, chẳng hạn như sản phẩm không phù hợp thị hiếu, quá trình sản xuất thủ công nên mất nhiều thời gian, công sức nhưng đầu ra không có, thu nhập bấp bênh… Thấu hiểu nỗi trăn trở của người dân, Quý thực hiện các video giới thiệu vẻ đẹp về làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, làng hạt nổ Mậu Tài, làng nón Triều Sơn, làng Địa Linh - nơi làm Ông Công, Ông Táo…
Nghề truyền thống làm tượng Ông Công, Ông Táo ở Huế dần mai một. |
Mặc khác, Hữu Quý đến tận nơi, tìm gặp từng hộ gia đình vẫn còn duy trì nghề xưa. Anh kể: “Chẳng hạn, làng nghề Địa Linh hiện có tầm 20 hộ dân nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 4 nhà duy trì nghề này. Một mẻ gốm làm mất một tuần. Gốm bỏ vô lò nung, lỡ có nứt thì chỉ có bỏ đi. Khi bán ra ngoài, giá sỉ chỉ thu về khoảng 5.000 - 10.000 đồng một tượng".
Một ngày trải nghiệm hái sâm bố chính của chàng trai 9X. |
Với Quý, định nghĩa nghệ nhân chỉ đơn giản là những người gìn giữ cách làm của cha ông bao đời với nghề. Mọi thứ đều thực hiện thủ công nhất có thể. Họ đã gắn bó với nghề suốt quãng đời thanh xuân, hơn ai hết, họ hiểu và giỏi nghề truyền thống của cha ông.
Bên cạnh mục tiêu hướng tới người xem, Hữu Quý chia sẻ thêm, kênh của anh không chạy theo xu hướng để làm nội dung câu view bất chấp. Anh mong muốn chia sẻ các video về văn hóa truyền thống xứ Huế xưa để quảng bá hình ảnh quê hương cho nhiều người biết hơn. Vì thế, Quý cũng may mắn được các nhãn hàng địa phương hợp tác và anh có thêm nguồn thu nhập.
Dần dần, các video của anh ngày càng được nhiều người biết đến hơn. Khi thấy sau mỗi video đều có người liên lạc để hỏi chỗ mua các sản phẩm nghề truyền thống, anh nói, bản thân chỉ chia sẻ về nghề chứ không làm kinh doanh. Một số người xem bình luận: Trân quý những video bạn chia sẻ về nghề truyền thống ở Huế; Nghề làm trầm hương cực lắm vì nhiều công đoạn; Hy vọng có nhiều lớp trẻ tiếp nối giữ cái hồn quê, nếp làng…
Hữu Quý thu hoạch rễ cây hương bài để làm trầm hương. |
Cũng tùy vào ngành nghề mà thời gian quay dài - ngắn khác nhau, mỗi video thì Quý mất tầm 5 - 7 ngày để lên ý tưởng và thực hiện sản phẩm. Để có những hình ảnh chân thật truyền tải đến người xem, Quý chịu khó ‘xắn tay áo’ làm công việc tay chân cùng người dân: Thu hoạch hương bài làm nhang sạch, nghề đạp hến, nghề làm nước mắm Nam Ô…
Hiện tại, kênh TikTok của Quý đạt hơn 94.000 lượt theo dõi, hơn 860.000 lượt yêu thích. Và điều đặc biệt trong các video là hình ảnh chiếc áo dài luôn đồng hành cùng Quý. Theo anh, bản thân chia sẻ về món ăn, văn hóa Huế nên diện trang phục Huế với chiếc áo dài mộc mạc sẽ giúp hình ảnh truyền tải đến người xem chỉn chu, nên thơ, tích cực hơn. “Mình tự hào khi có thể đem một chút văn hoá Huế đến gần hơn với khán giả, tuy không quá to lớn nhưng chỉ cần đem được chút ít gì đó thôi thì mình đã thấy hài lòng và hạnh phúc”, Quý tâm sự.
Dự định sắp tới, Quý ấp ủ thực hiện dự án Trà và Bánh, kết hợp với các nghệ nhân để làm thành một khu vực trải nghiệm tại Huế. Khách có thể uống trà, thưởng thức các loại bánh Huế xưa mà ít người biết đến hay chưa nghe đến bao giờ, thậm chí có thể học làm bánh.