Khánh Vân sinh ra tại thành phố Minsk (Belarus) trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, mẹ từng là giảng viên âm nhạc, chị gái là nghệ sĩ dương cầm, bố là người yêu âm nhạc… Nghệ sĩ violin sinh năm 1997 không chỉ thừa hưởng năng khiếu bẩm sinh mà còn chủ động học hỏi, tìm kiếm cơ hội biểu diễn và xuất sắc nhận được hàng loạt giải thưởng danh giá trong nước và các đấu trường quốc tế. Có thể kể đến như: Đồng Giải Nhất bảng nhỏ Cuộc thi Quốc tế “ASEAN International Concerto Competition” (Jakarta, Indonesia, năm 2009), Thành viên được chọn tham gia biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc Thính phòng Liszt tại "Talent Day" của Học viện Liszt (năm 2019 và 2020)…
Gia đình Khánh Vân có truyền thống nghệ thuật - mẹ là giảng viên âm nhạc, chị gái là nghệ sĩ dương cầm. Sự gắn kết từ gia đình là nền tảng để Khánh Vân theo đuổi nghệ thuật violin hay nó xuất phát từ niềm đam mê khác?
Giai đoạn đầu, khi bắt đầu học nhạc, mẹ chính là người đã khơi dậy cho tôi niềm cảm hứng đối với âm nhạc cổ điển. Mẹ đã ngồi nghe từng buổi học và kèm từng buổi tập đàn cho tôi. Tôi tự hào về gia đình mình, cảm thấy vô cùng may mắn khi được ảnh hưởng nền tảng nghệ thuật từ mẹ và chị gái. Đến với âm nhạc, tôi cảm thấy thoải mái và tự do, trong đó tôi thỏa sức tìm kiếm bản ngã và cá tính âm nhạc của riêng mình.
Khánh Vân tham gia nhiều cuộc thi âm nhạc quốc tế với nhiều giải thưởng danh giá. Hẳn nhiên, ai cũng dễ dàng nhìn thấy vinh quang mà bạn có được. Nhưng cái giá bạn phải đánh đổi cho thành công là gì?
Thật ra, tôi cảm thấy rất vinh dự khi có cơ hội tham gia những cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Đôi lúc, tôi có nhiều áp lực về khối lượng và chất lượng bài vở, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng giữ tâm lý rằng, việc tham gia những cuộc thi mang ý nghĩa là cột mốc ghi dấu sự phát triển của bản thân qua từng giai đoạn. Vì vậy, tôi nghĩ, sự đánh đổi cho những dấu mốc thành công đó là thời gian, tâm sức… Khi theo đuổi nghệ thuật violin, tôi luôn nhận sử hỗ trợ từ gia đình, đó là nguồn động lực lớn. Đồng thời, tôi tự tập luyện tự học và tự rút kinh nghiệm, sau đó sẽ tìm tòi, học hỏi thêm những kiến thức mới.
Dẫu vậy, bạn đã gắn bó với con đường nghệ thuật violin gần hơn 20 năm, để có được kinh nghiệm biểu diễn thuần thục như hiện tại. Bạn đã trải qua quá trình rèn luyện như thế nào?
Để có thể thuần thục trình diễn âm nhạc trên các sân khấu lớn hay nhỏ, việc kiên trì tập luyện đều đặn hàng ngày là điều không thể thiếu đối với mỗi một người học đàn, với tôi, điều đó cũng không phải ngoại lệ. Và ngoài việc luyện tập hàng giờ mỗi ngày, tôi cũng tập kiểm soát tâm lý và sức khỏe trước và trong quá trình biểu diễn trên sân khấu. Nói thật lòng, tôi may mắn khi có cơ hội thử sức ở nhiều buổi biểu diễn hay cuộc thi lớn nhỏ khác nhau. Mỗi một lần trình diễn, với những không gian khán phòng, đối tượng khán giả khác nhau… tôi lại rút thêm nhiều kinh nghiệm để biết cách điều chỉnh các thói quen và tinh thần của bản thân trước khi biểu diễn. Dần dần cái gọi là "bản lĩnh sân khấu" ngày một cải thiện qua từng giai đoạn phát triển.
Là một người nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghệ thuật âm nhạc cổ điển, Khánh Vân làm sao để cảm thụ và truyền tải hết cảm xúc những nốt nhạc đến khán giả?
Khi chơi nhạc cổ điển, tôi cố gắng học cách dẫn dắt sự chú ý của người nghe như cách một người đang kể câu chuyện. Chưa hẳn, câu chuyện ấy được diễn đạt thành lời, nhưng tôi tin, âm nhạc cũng là thứ ngôn ngữ có thể thấu hiểu thông qua cảm xúc và chiêm nghiệm của mỗi khán giả. Và việc của người chơi đàn là khơi gợi câu chuyện ấy. Điều này không phải ai cũng làm được, và tôi cũng đang trên hành trình cố gắng hướng đến mục tiêu ấy, tập luyện và biểu diễn hết khả năng.
Đối với tôi, mỗi một thời kỳ trong âm nhạc cổ điển đều có sức hấp dẫn riêng, bất kể là nhạc thời Phục hưng, Cổ điển, Lãng mạn, hay nhạc thế kỷ XX (nhạc đương đại). Âm nhạc cổ điển có sức ảnh hưởng trực tiếp đến tôi. Đó là thể là giá trị riêng bất tận và cái đẹp của thể loại nhạc cổ điển.
Giai đoạn 2014 - 2015, Vân còn là thành viên của Dàn nhạc trẻ châu Á. Vân có thể chia sẻ kỷ niệm khi được kết nối với nhiều bạn bè quốc tế cùng tham gia biểu diễn violin?
Khoảng thời gian từ năm 2014 - 2015, tôi và hàng trăm nghệ sĩ trẻ ở khắp mọi nơi trên thế giới kết nối lại, tham gia khóa giao lưu văn hóa mùa hè. Tôi và các bạn có cơ hội trải nghiệm tour biểu diễn kéo dài 6 tuần đã biểu diễn tại: Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản… Khoảng thời gian sinh hoạt, làm việc nhóm, chia sẻ từng khoảnh khắc, tới cuối đợt, các thành viên trong dàn nhạc đã trở nên rất thân thiết và coi nhau như người thân trong đại gia đình lớn. Và đây cũng là dịp để tôi trau dồi kinh nghiệm nghệ thuật, cơ hội giao lưu, học tập và biểu diễn.
Đến giờ, nghệ thuật violin vẫn chưa phải là môn nghệ thuật có nhiều đất diễn ở Việt Nam, vậy Vân có lo ngại gì không khi học xong và trở về Việt Nam?
Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ, tuy nhạc cổ điển vẫn còn khá xa lạ với người Việt. Nhưng tôi không quá lo lắng cho tương lai của bản thân khi trở về Việt Nam. Bởi vì, trong quá trình theo đuổi nghệ thuật, tôi nhậ thấy, sự phát triển của nhạc cổ điển tại Việt Nam trong những năm qua có sự chuyển mình tích cực. Đời sống xã hội phát triển, nhiều gia đình tạo điều kiện đễ các bạn nhỏ đi học đàn piano, đàn violin cổ điển hay thanh nhạc… Tôi nghĩ, người trẻ Việt rất mở lòng với những điều mới mẻ. Nếu có nhiều dự án âm nhạc cộng đồng để khơi gợi, tạo môi trường kết nối thì mọi người sẽ mua vé tham gia các buổi hòa nhạc. Bởi lẽ, tự riêng nhạc cổ điển cũng đủ giá trị để công chúng yêu thích và gắn bó lâu dài với nó rồi. Mặc dù hiện tại nghệ thuật violin không nhiều đất diễn, nhưng tôi tin bộ môn này sẽ dần phổ biến rộng rãi ở Việt Nam trong tương lai.
Năm 2020 sắp kết thúc, nhìn lại những mục tiêu đã đặt ra trong năm vừa qua, Vân đánh giá kết quả ra sao và dự định trong năm tiếp theo?
Năm 2020, không riêng gì tôi mà hẳn với mọi người là năm có ít nhiều sự cản trở và thiếu thoải mái, khi dịch bệnh bùng phát. Nhiều kế hoạch, tiến độ của tôi cũng gặp khó khăn. Nhưng quả thật, qua quãng thời gian này, tôi sống chậm, dành nhiều thời gian giữ kết nối với bạn bè, người thân, dành tâm tư để đọc, xem, viết… Song song đó, tôi vẫn cố gắng duy trì tập nhạc thường xuyên.
Năm 2021, với tôi, điều quan trọng trước mắt là buổi biểu diễn lấy bằng Thạc sĩ Học viện Liszt Ferenc (Hungary), diễn ra vào tháng 5/2021. Đồng thời, tôi may mắn được Khoa nhạc của trường lựa chọn để tham gia biểu diễn tại Phòng hòa nhạc lớn của Học viện Liszt Ferenc. Tôi hy vọng bản thân sẽ cố gắng hoàn thành buổi biểu diễn thật xuất sắc để đáp lại sự kỳ vọng của nhà trường, quý thầy cô, bạn bè đã đặt niềm tin vào tôi.
Những thành tích ấn tượng mà Hoàng Hồ Khánh Vân đã đạt được:
- Năm 2003: Giải Nhất bảng nhỏ “Cuộc thi Violin cấp Thành phố Mùa Xuân” (Minsk, Belarus)
- Năm 2004: Giải Nhì bảng nhỏ Cuộc thi violin Quốc gia "Volodarski" (Belarus) (không có giải Nhất)
- Năm 2007: giải Ba bảng dưới 16 tuổi Cuộc thi violin Quốc gia “Mùa Thu” (Hà Nội, Việt Nam)
- Năm 2009: Đồng Giải Nhất bảng nhỏ Cuộc thi Quốc tế “ASEAN International Concerto Competition” (Jakarta, Indonesia)
- Năm 2018: cùng chị gái Hoàng Hồ Thu đoạt giải cao nhất tại Cuộc thi Hòa tấu Thính phòng Quốc gia (Debrecen, Hungary);
- Năm 2018: được chọn nhận học bổng tham gia trại Hè âm nhạc "International Summer Academy" - "ISA" tổ chức bởi trường Nghệ thuật Biểu diễn Vienna (Semmering, Áo)
- Năm 2019 và 2020: được chọn tham gia biểu diễn độc tấu cùng Dàn nhạc Thính phòng Liszt tại "Talent Day" của Học viện Liszt
- Năm 2020: tham gia biểu diễn tại ĐH Nghệ thuật Tokyo (giải thưởng dành cho hai Thí sinh Việt Nam xuất sắc của Cuộc thi Violin Quốc tế tại Việt Nam, 2019)