Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Có nhiều năm làm công tác quản lý tại trường Phổ thông Năng khiếu, GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG TP. HCM cho rằng, mặc dù năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh rất tốt, nhưng không phải 100%, và ngay cả thầy, cô không phải ai cũng đủ năng lực để dạy những kiến thức theo Chương trình GDPT 2018 bằng tiếng Anh.
GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai phát biểu tại Hội thảo. |
"Cách thức thúc đẩy năng lực tiếng Anh của học sinh không chỉ nằm ở phương pháp học mà còn ở một môi trường thực hành thường xuyên, gắn bó với chính những sinh hoạt học tập hằng ngày của học sinh và môi trường ấy không chỉ dừng lại ở không gian của một trường nào đó mà phải là của cả một cộng đồng học sinh", GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP. HCM, để TP. HCM triển khai thành công, hiệu quả chương trình tiếng Anh, bên cạnh sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên là rất quan trọng. Ngoài ra, còn cần sự phát triển của hệ thống GDTX, với đa dạng các loại hình, đưa ra nhiều kỹ năng, phương pháp hỗ trợ học sinh nâng cao năng lực tiếng Anh, bên cạnh việc học ở trường phổ thông.
Ông Nguyễn Bảo Quốc phát biểu tại Hội thảo. |
Bà Hà Đặng Như Quỳnh - Thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Nottingham (Anh Quốc) chia sẻ về phương pháp tư duy 'linearthinking' để nâng cao hiệu quả dạy, học tiếng Anh trong trường phổ thông. Theo bà Quỳnh, giáo viên cần xem việc dạy tiếng Anh không chỉ là dạy ngôn ngữ mà còn là dạy tư duy. Sẽ không tồn tại một cách dạy tiếng Anh “chuẩn” cho tất cả học sinh. Bởi các bạn trẻ có tư duy logic khác biệt, kiến thức xã hội khác biệt, kiến thức nền về ngữ pháp/ từ vựng khác biệt, thói quen học tiếng Anh khác biệt, cảm quan về tiếng Anh khác biệt.
Sinh viên góp tiếng nói
Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học nhận được sự đồng thuận của nhiều sinh viên, bởi từ trải nghiệm của mình, các bạn thấu hiểu tầm quan trọng của ngoại ngữ trong cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến những thách thức mà học sinh có thể gặp phải trong quá trình chuyển đổi này.
Nguyễn Đức Hùng (ngành Công nghệ Ô tô, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) chia sẻ cảm nhận: “Mình đồng tình với việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, vì nó sẽ giúp học sinh sớm thành thạo hơn ngôn ngữ phổ biến này. Ngoài ra, nếu được tiếp cận sớm với ngoại ngữ, sau này khi lên đại học, các bạn sẽ dễ dàng hơn khi tiếp cận tài liệu quốc tế và làm việc trong môi trường toàn cầu. Hiện nay, tiếng Anh khá quan trọng, không giỏi thì rất khó cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực. Mặc dù sẽ có khó khăn cho những bạn chưa giỏi tiếng Anh, nhưng nếu có lộ trình rõ ràng và hỗ trợ hợp lý thì mình nghĩ đây là một bước tiến cần thiết”.
Nguyễn Đức Hùng (phải) là sinh viên ngành Công nghệ Ô tô, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. |
Châu Trần Phú Quỳnh (ngành Công nghệ Kỹ thuật ô tô, trường ĐH Công nghệ TP. HCM) bày tỏ: “Để đất nước ta có thể vươn xa thì cũng cần nhiều người trẻ tài giỏi đi đến các nước phát triển để học tập. Để làm được điều đó thì các bạn trẻ cần phải giỏi tiếng Anh. Việc được học tiếng Anh từ nhỏ sẽ mở rộng cho tương lai bản thân sau này, đồng thời học tiếng Anh từ nhỏ sẽ tốt cho việc tiếp thu một cách tự nhiên cũng như tăng cho trẻ nhỏ khả năng tư duy trong ngôn ngữ”.