Chàng trai nghèo với khát khao theo đuổi con chữ
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, bản thân mình đã chịu nhiều thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa. Lên 4 tuổi, mình phải tạm rời xa vòng tay và tình yêu thương của mẹ. Vì miếng cơm manh áo, kìm nén nỗi nhớ chồng, nhớ con, mẹ lựa chọn đi xuất khẩu lao động để có tiền trang trải cuộc sống gia đình. Một tay cha đã nuôi nấng và dạy dỗ hai chị em mình nên người. Nhưng rồi, căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi mạng sống của cha khi mình chỉ mới 10 tuổi. Trước khi ra đi, cha vẫn gắng dặn dò mình phải theo đuổi con chữ để không phải vất vả như cha mẹ.
Căn nhà nhỏ nơi nuôi dưỡng ước mơ của bốn chàng trai nghèo. |
Chỗ dựa vững chắc nhất đã không còn nữa, hai chị em mình đã vô cùng suy sụp. Xa mẹ, mất cha, hai chị em sống nương tựa vào nhau trong căn nhà cấp bốn chật hẹp. Nhớ thương mẹ nhưng còn quá nhỏ, chưa đủ hiểu biết nên nhiều lần mình tự đạp xe chục cây số để đi tìm mẹ vì luôn nghĩ “Đài Loan chỉ loanh quanh ở Yên Bái”. Đến khi lớn hơn một chút, mình mới biết, Đài Loan cách xa ngàn cây số, không thể đến được. Mình lại ngậm ngùi cất nỗi nhớ mẹ vào trong lòng.
Lớn lên trong sự thiếu thốn, nhiều lần mình đã muốn bỏ học để theo đám bạn kiếm sống. Nhưng nhớ lời cha dặn trước lúc ra đi, mình lại cố gắng tiếp tục đi học. Những ước mơ cha mẹ chưa làm được, chị em mình sẽ quyết tâm thực hiện bằng được. Thế rồi, vì hoàn cảnh, chị gái đi làm ở Lào Cai từ năm 2015 và mình phải sống một mình, học cách tự chăm sóc bản thân từ năm 13 tuổi. Quả thật, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Thiếu tình cảm của gia đình, nhưng bù lại, mình nhận được rất nhiều tình yêu thương của những người xung quanh. Họ hàng, thầy cô, bạn bè luôn động viên và hỗ trợ mình rất nhiều trong học tập và cuộc sống.
Nguyễn Đức Lương (sinh năm 2002) sinh viên năm tư Trường Sĩ quan Chính trị. |
Học hết lớp 9, mình nỗ lực ôn tập và đỗ vào trường THPT Lê Quý Đôn. Có thể nói, cấp ba là quãng thời gian đã thay đổi mình rất nhiều. Để thuận tiện cho việc học tập và giảm chi phí sinh hoạt, mình lựa chọn ở trọ chung với ba người bạn cùng lớp. Xóm trọ nhỏ với những ngôi nhà tranh vách đất đơn sơ, mộc mạc nhưng đã nuôi lớn biết bao ước mơ của thế hệ học sinh nghèo, trong đó có mình. Tuy xóm trọ nghèo nhưng với mình đó lại là ngôi nhà ấm áp nhất. Nơi có những người bạn luôn sát cánh cùng mình trong suốt ba năm học. Để được như hôm nay, mình vô cùng nhớ ơn các thầy cô. Trong đó, mình dành sự biết ơn sâu sắc tới người cha nuôi - thầy giáo dạy Sử Hoàng Văn Vinh. Thầy là người đứng sau xóm trọ nghèo, giúp đỡ biết bao thế hệ học sinh khó khăn được theo đuổi con chữ.
Chàng sĩ quan trẻ với khát khao cống hiến cho Tổ quốc. |
Ba năm học THPT, mình luôn phấn đấu học thật giỏi để theo đuổi ước mơ. Khác với các bạn cùng trang lứa, mình lựa chọn thi vào Quân đội - Trường Sĩ quan Chính trị. Lựa chọn quân đội bởi môi trường ở đây không chỉ giúp mình rèn luyện sức khỏe, tinh thần kỷ luật mà hơn hết, đó là niềm tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo của người lính Cụ Hồ và mình được cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ quê hương, đất nước. Để đạt được ước nguyện, mình miệt mài đèn sách với những trang sử Việt, những bài văn phân tích, những dòng số liệu địa lý.
Đức Lương (đứng thứ hai bên trái) nhận quà từ nhà trường nhân ngày lễ Quốc khánh 2/9. |
Nhưng có lẽ, may mắn vẫn chưa mỉm cười với mình. Mình để vuột mất cơ hội được đặt chân tới cánh cổng ước mơ khi còn thiếu 1 điểm. Thất bại đầu tiên đã khiến mình vô cùng suy sụp, mọi hy vọng đều tan biến khi nhận thông báo. Mình trở về nhà với ý định sẽ chuyển sang đi học nghề để kiếm sống. Nhìn những hình ảnh của nhà trường, của các bạn học viên trong màu xanh áo lính, quyết tâm của mình lại trỗi dậy. Nhận được sự động viên của thầy cô và bạn bè mình càng có ý chí hơn nữa. Quãng thời gian ôn thi lại vô cùng áp lực. Không chỉ phải cạnh tranh với những bạn nhỏ tuổi hơn đang được ôn luyện cẩn thận, mà mình còn phải vượt qua những người bạn chưa gặp may mắn. Cuối cùng, những nỗ lực của mình đã được đền đáp khi cầm giấy báo trúng tuyển trên tay. Lúc đó, cảm xúc của mình vỡ oà và đầy tự hào.
Đức Lương (đi đầu) cùng các em học sinh và thầy cô giáo trường Regal Edu Việt Nam trải nghiệm hè quân ngũ. |
Viết tiếp ước mơ trong môi trường quân ngũ
Trở thành học viên của Trường Sĩ quan Chính trị là thành công đầu tiên của mình trên con đường trưởng thành. Mình lựa chọn quân đội là nơi để gieo ước mơ, nuôi chí lớn bởi ở nơi đây mình sẽ được học tập và rèn luyện bản thân. Nhưng có lẽ, điều tác động lớn nhất đến ước mơ của mình là khi được học về những trận chiến oanh liệt của dân tộc. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập, biết bao người lính trẻ như mình đã bỏ lại gia đình, quê hương để lên đường chiến đấu. Họ đã dạy chúng ta bài học rằng hòa bình hôm nay không phải tự nhiên mà có, đó là thành quả của sự hy sinh và ý chí quật cường. Chính điều đó đã khơi dậy trong mình một khát khao được tiếp bước cha ông, cống hiến cho nước nhà. Đi theo con đường bộ đội đã giúp mình có thể tìm thấy những ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống. Khoác lên mình chiếc áo xanh màu lính, mình cảm nhận rõ ràng vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với Tổ quốc. Những giá trị nhân văn, tình đồng đội và lòng tự hào dân tộc luôn được khắc sâu qua từng ngày tháng rèn luyện, học tập.
Đức Lương (đứng thứ hai bên trái) cùng ba người bạn ở chung trọ với những ước mơ lớn. |
Bốn năm trong môi trường quân ngũ để lại cho mình rất nhiều những kỉ niệm đẹp và đáng nhớ. Những buổi tham gia huấn luyện kỷ luật, những ngày tập bơi giữa tiết trời lạnh buốt, những ngày đi hành quân hàng chục cây số dưới cái nắng gay gắt đã tôi luyện những con người “mình đồng da sắt”, ý chí kiên cường, không ngại gian khổ. Điều đó giúp mình hiểu vì sao những người lính năm xưa có thể vượt qua gian khó. Nhưng có lẽ, Tết ở đơn vị vẫn để lại trong mình những kí ức tuyệt đẹp. Tết không chỉ là dịp để đoàn viên mà còn là thời gian để các học viên, cán bộ gắn bó, sẻ chia cùng nhau những câu chuyện cuộc sống. Những ngày Tết trước, mình chỉ lủi thủi một mình trong căn nhà nhỏ. Nhưng từ khi bước chân vào cánh cổng Quân đội, không khí Tết trở nên ấm cúng và gần gũi với mình hơn bao giờ. Tết quân đội là những bữa cơm chung, những phong bao lì xì của đồng đội hay những câu chuyện rôm rả bên đống lửa trại. Khoảnh khắc cùng nhau hát những bài ca xuân, cùng nhau thắp hương tưởng nhớ tổ tiên ngay giữa khuôn viên đơn vị hay những chuyến tuần tra đêm giao thừa đều mang lại cho những học viên như mình niềm tự hào và ý thức trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc. Những kỷ niệm này không còn là những ngày Tết đơn thuần mà nó đã trở thành dấu ấn sâu đậm về tình yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết trong quân đội. “Tết học tập, Tết sẵn sàng chiến đấu”.
Đức Lương (đứng thứ hai bên trái hàng sau) cùng các bạn xóm trọ trở lại thăm người thầy năm xưa. |
Cuộc sống mỗi người chỉ thực sự có ý nghĩa khi ta sống với đam mê và ý thức trách nhiệm, đặc biệt là với quê hương, đất nước. Đam mê là nguồn năng lượng vô tận, thúc đẩy con người không ngừng vươn lên, theo đuổi những ước mơ lớn lao. Nhưng một cuộc đời chỉ xoay quanh đam mê cá nhân mà thiếu đi trách nhiệm với cộng đồng, đặc biệt là với Tổ quốc, sẽ trở nên trống rỗng và vô nghĩa. Vì vậy, kết hợp giữa đam mê và trách nhiệm là cách sống trọn vẹn nhất mà mỗi người nên hướng tới. Đối với mình, theo đuổi đam mê không chỉ giúp chúng ta tìm thấy niềm vui mà còn khơi dậy tiềm năng vốn có của bản thân. Trách nhiệm với Tổ quốc không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của những người lính hay lãnh đạo, mà là trách nhiệm của mọi công dân. Mỗi người, dù ở bất kỳ ngành nghề nào, đều có thể góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ chính công việc và đam mê của mình.
Đức Lương cùng thầy cô chia sẻ niềm vui ngày thi đỗ đại học. |
(Ảnh: NVCC)