Jessica Faith Lonergan (22 tuổi) sống tại Washington, Mỹ. Ngay khi vừa chào đời, Jessica được chẩn đoán mắc hội chứng Down, bại não và tự kỷ. Các bác sĩ nói rằng cô sẽ không bao giờ có thể đi bộ, nói chuyện, đọc, viết như những người bình thường.
Jessica Faith Lonergan (22 tuổi) sống tại Washington, Mỹ. |
Suốt thời thơ ấu và niên thiếu, Jessica ở viện nhiều hơn ở nhà. Cô đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật não và nhiều phác đồ điều trị phức tạp để đặt 4 thanh cố định và 28 ốc vít ở lưng. Bất chấp đau đớn và chiếc nẹp lớn ở lưng, Jessica vẫn kiên trì tập đi từ năm 6 tuổi.
Mẹ Jessica – bà Joy Caldwell cho biết con gái là một người lạc quan và tràn đầy nghị lực. “Jessica luôn nghĩ rằng mình là một ngôi sao nhạc rock. Đó cũng là ước của con bé”, bà Joy nói.
Sau khi vượt qua rất nhiều vấn đề sức khỏe và khó khăn trong hành trình chinh phục tấm bằng đại học, Jessica đã chia sẻ của mình lên mạng xã hội. Mục đích của cô gái 22 tuổi là có thể lan tỏa nguồn động lực cho những người có cùng hoàn cảnh.
Ảnh điều trị cột sống của Jessica |
Jessica cho biết, khi cô mới một tuần tuổi, mẹ đã đọc được câu chuyện về Karen Gaffney, một người phụ nữ mắc hội chứng Down nhưng vẫn theo học đại học và sống hòa nhập trong cộng đồng.
“Chính câu chuyện của Karen đã đem lại cho mẹ tôi hy vọng. Bà đã không giới hạn tương lai và ước mơ của tôi,” Jessica viết trên trang cá nhân.
Dù không có thể lực tốt như bạn bè nhưng Jessica luôn thể hiện bản thân vô cùng tốt tại trường. Cô bày tỏ bản thân rất biết ơn sự nhiệt huyết và tận tâm của thầy cô. Họ đã thiết lập Kế hoạch giáo dục cá nhân (IEP) được thiết kế riêng cho Jessica, giúp cô phát triển tốt hơn.
Năm 2015, Jessica tham gia Thế vận hội mùa hè dành cho người chậm phát triển của bang và đã xuất sắc giành huy chương vàng và đồng ở nội dung đi bộ 25m và 50m.
Từ một người được chẩn đoán không bao giờ có thể đi bộ, Jessi ca đã giành huy chương vàng và đồng ở nội dung đi bộ 25m và 50m trong Thế vận hội mùa hè dành cho người chậm phát triển. |
Năm 2017, Jessica được nhận vào đại học Skagit Valley. Tại đây, cô theo học chương trình INVEST - một chương trình dạy kỹ năng sống tự lập được thiết kế cho học sinh chậm phát triển, hiện chỉ được áp dụng bởi duy nhất ba trường đại học của Mỹ.
Cũng năm 2017, Jessica đã trở thành đại sứ cho tổ chức Nothing Down - một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu khiến thế giới thay đổi cách nhìn về những người mắc hội chứng Down.
Cô gái 22 tuổi cho biết cuộc sống đại học của mình rất suôn sẻ. Bên cạnh học tập, cô còn tham gia nhiều hoạt động và làm quen được với rất nhiều người bạn mới.
Chính sự nỗ lực và thành tích xuất sắc của Jessica đã được hội đồng quản trị của trường chú ý. Năm 2021, cô được Đại học Skagit Valley đề cử cho giải thưởng Transforming Lives Award - một giải thưởng để ghi nhận nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của những người khiếm khuyết.
Jessica được đề cử giải thưởng Transforming Lives Award - một giải thưởng để ghi nhận nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của những người khiếm khuyết. |
Flora Perez-Lucatero, phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Skagit Valley, cho biết: “Lý do chúng tôi đề cử Jessica là vì cô ấy là một phép màu biết đi, biết nói. Chúng tôi cảm thấy cô ấy thực sự là nguồn cảm hứng và là tia hy vọng cho rất nhiều sinh viên có ước mơ theo học đại học nhưng vì hoàn cảnh mà do dự”.
Sau khi tốt nghiệp, Jessica sử dụng các kỹ năng sống học được trong chương trình INVEST để chứng minh việc học đại học đã khiến cuộc sống của cô rạng rỡ và tươi sáng tới nhường nào.
Jessica (bên phải) và mẹ |
Theo chia sẻ của bà Joy Caldwell, Jessica đã nhận được một công việc tại nhà hàng La Conner. Bên cạnh đó, cô gái trẻ còn hoạt động với vai trò là người truyền cảm hứng để khuyến khích các học sinh chậm phát triển khác theo đuổi ước mơ đại học của mình.
Thông qua các buổi hội thảo, Jessica giúp học sinh chậm phát triển tìm hiểu về sự hỗ trợ đáng kinh ngạc từ cộng đồng và nhiều công nghệ kỹ thuật. Những điều này có thể khiến cuộc sống và việc học tập tại đại học của họ trở nên dễ dàng hơn.
Theo The Epoch Times