Nếu tập trung theo dõi truyền thông thì sẽ thấy đa phần các phân tích sẽ chú tâm vào Yếu tố trình diễn và Sự khai thác các yếu tố văn hóa Việt Nam trong show Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai (ATVNCG), trong khi Yếu tố giải trí, Chiến lược truyền thông hiệu quả cùng hệ thống Fan lại là điểm nhấn của Anh Trai “Say Hi” (ATSH). Tôi nghĩ tất cả các lý do đó đều đúng nhưng nếu nhìn một cách tổng thể hơn, tôi nghĩ lý do cho sự bùng nổ này có tính nhiều lớp.
Những giá trị văn hóa truyền thống được gửi gắm vào từng tiết mục chính là điểm mạnh của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. (Nguồn: Fanpage Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai) |
Trước nhất, chương trình gốc bên Trung Quốc được chiếu bởi Mango TV thuộc Đài truyền hình Hồ Nam đã là một hiện tượng trong đời sống giải trí của giới trẻ vài năm trước đó, dù chương trình đó không được trình chiếu chính thức trên sóng truyền hình quốc gia mà cơ bản là các bạn trẻ phải xem dựa vào phụ đề được các bạn fan khác dịch hoặc chờ kênh YouTube chính thức của Mango TV trình chiếu. Sự ấn tượng về quy mô, cách thức sản xuất cũng như niềm háo hức mong chờ các thần tượng Trung Quốc phần nào, theo tôi, nuôi dưỡng các bạn trẻ về một ý nghĩ: Nếu show này được làm ở Việt Nam thì sao nhỉ? (và điều này cũng dễ dàng nhận thấy trong phần Comment/Bình luận trên các mạng xã hội).
Sự háo hức này càng rõ ràng hơn khi Chi Pu và tiếp đó là Suni Hạ Linh giành được nhiều sự chú ý và thành công khi tham gia Đẹp gió phiên bản Trung Quốc, có thể coi như là chương trình chị em của show Anh Trai. Nhờ vào ảnh hưởng tích cực đến từ sự tham gia này mà Chị Đẹp 2023 trở thành bước trung gian lớn cho sự thành công của show Anh Trai (mặc dù tôi không chủ định cho rằng Chị Đẹp 2023 là bước đệm theo nghĩa là dọn đường cho sự thành công của 2 show Anh Trai) khi mà các vấn đề nhận thấy trước đó từ quá trình sản xuất show Chị Đẹp 2023 (như không gian biểu diễn, kinh phí, người dẫn chương trình, khách mời ngoài, …) đã được chương trình Anh Trai chú ý và thay đổi đủ hợp lý (khéo may đo, mặc dù kinh phí và quy mô hoành tráng sẽ luôn là khập khiễng nếu so sánh với phiên bản gốc của Trung Quốc).
Tiếp đó, với show ATVNCG, tôi chú ý tới yếu tố Hoài niệm (Nostalgia) được khai thác tốt trong quá trình thực hiện nội dung. Người xem dù ở độ tuổi trung niên hay các bạn trẻ thì đều nhìn thấy giá trị của sự “xưa cũ” khi nhìn lại những thần tượng đã qua thời đỉnh cao lại một lần nữa xác lập cho bản thân những ngưỡng thành công mới. Nếu như Trung Quốc có một giai đoạn sống lại thanh xuân khi hình ảnh Vương Tâm Lăng và Ai Ni chiếm sóng thì tôi nghĩ nhiều người Việt cũng thấy mình ngày xưa với Đôi mắt của Wanbi Tuấn Anh, với Chiếc lá tình yêu của Đăng Khôi hay xa hơn là Tiger Cup 98 với hình ảnh danh thủ Hồng Sơn. Khai thác sự tiếc nuối và níu kéo quá khứ mình cảm thấy tươi đẹp là một chiến lược hiệu quả mà truyền hình Việt Nam đã nhiều lần khai thác dưới nhiều hình thức khác nhau mà đơn cử là Ký Ức Vui Vẻ; vì vậy sự khéo léo trong việc mang lại những yếu tố quá vãng nhưng đáng trân trọng là một điểm cộng cho chương trình.
Anh Trai "Say Hi" đánh mạnh vào yếu tố trending, giải trí và làm rất tốt điều này. (Nguồn: Đài Phát Thanh) |
Với Anh Trai “Say Hi”, dù ban đầu truyền thông có phần hụt hơi hơn so với ATVNCG, nhất là khi bài hát chủ đề của ATSH không nhận được sự tán thưởng như mong đợi, sức trẻ đến từ dàn casting, hệ thống fan hùng hậu có tổ chức cùng cách thức đẩy sự quan tâm bằng nhiều cách từ chiếu liền tập nhau, quan tâm đến cộng đồng người hâm mộ, cho đến nhanh chóng có các khách mời ngoài để tăng độ lan tỏa hay mời hẳn Alan Walker đến trợ giúp cho phần biểu diễn, lại là những phương thức có tính kỹ thuật truyền thông rất hợp lý.
Ở thời đại hiện nay, tôi cho là không khôn ngoan khi nhận xét ai nổi tiếng hơn ai khi hai chương trình có tập khách mời khác nhau với những tập người nghe không nhất thiết là trùng lặp, nhưng chiến lược truyền thông hiệu quả và có yếu tố định danh riêng cho chương trình thì sẽ mang lại nhiều sự quan tâm như mong đợi.
TS. Phan Quang Anh trước làm Nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Zurich, Thụy Sĩ. Ông nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông và Phương tiện truyền thông tại ĐHQG Singapore năm 2019, và bằng Thạc sĩ ngành Nghiên cứu văn hóa và Phê bình tại ĐH Westminster (Anh) năm 2013. Hướng nghiên cứu và các công bố của ông tập trung vào nền kinh tế sáng tạo, bao gồm nhưng không giới hạn trong các vấn đề liên quan Công nghiệp giải trí, Trò chơi điện tử, Di sản và Du lịch.